Chuyện Colin Powell bị sập bẫy chông ở A Lưới
Ngày 23/7/1963, Tiểu đoàn trưởng Colin Powell bị sập bẫy chông, một cây chông đâm qua giày, xuyên từ gan bàn chân lên mu bàn chân...
Lần đầu tiên đến Việt Nam, Colin Powell mang quân hàm đại úy, được điều động về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 bộ binh, đóng ở khu căn cứ quân sự và sân bay dã chiến A Sao (nay là xã Đông Sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế).
Khu căn cứ quân sự này đóng chốt bên một cửa ngõ của đường mòn Hồ Chí Minh, cạnh biên giới Lào, bao bọc chung quanh là các căn cứ cách mạng của Khu ủy Trị Thiên, các bản làng của đồng bào các dân tộc Kơ Tu, Pa Kô... nằm khuất dưới tán những khu rừng già. Colin Powell đến A Sao ngày 17/1/1963 trên chiếc trực thăng H.34 của thủy quân lục chiến.
Trong hồi ký Hành trình nước Mỹ của tôi (My American Journey) do NXB Công an Nhân dân ấn hành cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Colin Powell viết: "Chúng tôi băng và nhảy cóc qua các cơn mưa rào, các đợt sấm sét bên trên các khu rừng già và đáp xuống một đường băng nằm giữa rừng già...", rồi “Việt Cộng bắt đầu nổ súng” khi ông vừa xuống trực thăng và chạy về dưới một căn lều mà ông gọi là "khách sạn A Shau Hilton".
Colin Powell mô tả chuyến đi và sự đón tiếp ông ở A Sao như thế. Sau cuộc đón tiếp làm ông "có cảm tưởng như thời gian đã bị đẩy ngược trở lại" ấy, Colin Powell bắt đầu cảm thấy sợ hãi khi lần đầu tiên chạm trán với cuộc chiến tranh du kích trong cuộc hành quân mang tên Grasshopper bắt đầu từ ngày 7/2/1963.
Bên cạnh những trang nhật ký chiến trường, có một đoạn ông làm người đọc không khỏi giật mình: "Trong chuyến đi, tôi đã thấy được thế nào là một hệ sinh thái ba tầng thực vật trong rừng nhiệt đới. Tầng dưới cùng là những lớp cỏ răng cưa, bụi cây, cây leo... Những cây mới lớn tạo thành tầng thứ hai, rất dày đặc...Tầng thứ ba bao gồm những cây cổ thụ gỗ cứng, một số cao hơn 30 mét...". Những khu rừng có hệ sinh thái ba tầng ấy chính là nơi chúng tôi đã sống thời chiến tranh, trong căn cứ của chiến khu A Lưới, đóng dưới tán những cây kiền kiền, chó, sao... cao ngút trời. 2/3 những cánh rừng nguyên sinh ấy đã bị tiêu hủy không còn dấu vết do bom đạn, nhất là chất độc da cam mà một trong những người nhúng tay tàn phá chúng đầu tiên là Colin Powell! |
Những cuộc hành quân tiếp theo đều lặp lại cảnh hoảng loạn tương tự như thế, "những người lính VC" mà ông muốn được nhìn thấy mặt vẫn cứ biến mất trước khi ông đến. Và Colin Powell không quên ghi lại những cuộc trả thù của lính Mỹ và “lính VNCH” bằng cách tàn phá các bản làng của đồng bào dân tộc:
"Ngày 18/2, chúng tôi đến một bản làng của dân miền núi bị bỏ hoang. Dân chúng bỏ chạy, trừ một bà già quá yếu. Chúng tôi dùng hộp quẹt Ronson và Zippo đốt những chòi tranh. “Lính VNCH” dùng lưỡi lê phá các nương rẫy... Ngày 10/2: tiêu hủy nhà cửa và 100 kg gạo... Ngày 11/2: giết 3 con trâu, nhiều heo gà...".
Suốt trên sáu tháng chỉ huy căn cứ quân sự A Sao, những cuộc hành quân, những cuộc trả thù vẫn lặp lại kịch bản cũ, "chưa thương vong nào của VC được xác nhận", vì "sau những cuộc chạm súng chúng tôi rượt theo VC theo hướng súng nổ, bắn bừa theo một kẻ thù vô hình" - Colin Powell viết trong hồi ký.
Nói về việc dùng chất độc tàn phá rừng ở A Lưới, ông thú nhận: "Việc tiêu hủy được thực hiên tinh vi. Trực thăng mang đến cho chúng tôi những thùng 55 gallons thuốc diệt cỏ, một thứ tiền thân của chất độc da cam. Từ những thùng trên, chúng tôi chiết qua những bình xịt Hudson 2 gallons rưỡi, loại giống như bình chữa lửa. Chỉ vài phút sau khi phun thuốc, hoa màu bắt đầu ngả nâu và úa đi".
Ngày 23/7/1963, Tiểu đoàn trưởng Colin Powell bị sập bẫy chông, một cây chông đâm qua giày, xuyên từ gan bàn chân lên mu bàn chân. Ngay sau đó ông được trực thăng đưa thẳng về Huế cứu chữa kịp thời trước khi chất độc phát tán. Đó cũng là ngày Colin Powell rời khỏi thung lũng A Sao.
Ông đúc kết: "Trong bảy tháng phục vụ, tôi là tổn thất thứ 34 của đơn vị - gồm 10 người chết và 24 người bị thương. Sẽ là không trung thực nếu nói rằng tôi không muốn rời chiến trường. Gian khổ và cái chết là những bạn đường rất dễ chia tay". Đó cũng là lời chia tay của ông với thung lũng A Sao để sau đó 5 năm, Colin Powell lại bị điều động sang chiến trường Việt Nam lần thứ hai.
Theo Ngọc Thảo Nguyên
Báo Thanh Niên