“Chướng ngại vật” lớn nhất đối với tham vọng tăng trưởng của Trung Quốc
(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định rằng tình trạng dân số già hóa và giảm mạnh dường như sẽ trở thành “chướng ngại vật” lớn nhất của Trung Quốc trên con đường tăng trưởng trong tương lai.
Theo National Interest, chính sách một con dù đã kết thúc vào năm 2015 và Trung Quốc đang nỗ lực trong việc đảo ngược hệ lụy của việc này, nhưng giới chuyên gia cho rằng hiện giờ có thể đã là quá muộn để có thể ngăn chặn hậu quả lâu dài.
Theo Tân Hoa Xã, tính tới hết năm 2018, dân số Trung Quốc là 1,39 tỷ người. Các nhà nghiên cứu chính phủ Trung Quốc dự đoán rằng quốc gia có dân số đông nhất thế giới sẽ đạt đến mức đỉnh 1,4 tỷ người vào năm 2029. Tuy nhiên, con số này sẽ “giảm không ngừng lại” và tới năm 2050, nó sẽ giảm xuống 1,36 tỷ người, khiến quy mô của lực lượng lao động giảm đi 200 triệu người.
Nếu như tỷ lệ sinh tiếp tục không tăng lên, dân số Trung Quốc có thể tiếp tục giảm xuống 1,17 tỷ người vào năm 2065, theo học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
“Theo lý thuyết mà nói, sự sụt giảm dân số dài hạn, đặc biệt cùng với tình trạng già hóa gia tăng, tạo nên những hậu quả đáng quan ngại về xã hội và kinh tế”, báo cáo của cơ quan trên viết.
Kể từ khi áp dụng năm 1979, chính sách một con đã đạt được hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng bùng nổ dân số ở Trung Quốc, khi giảm từ tỷ lệ 2,9 trẻ em/gia đình (1979) xuống còn 1,6 trẻ/gia đình vào năm 1995.
Vào năm 2016, chính sách đã được thay đổi thành 2 con, nhưng tỉ lệ sinh tiếp tục giảm. Năm ngoái, số trẻ sơ sinh giảm xuống còn 15,2 triệu, với một số thành phố và tỉnh có mức giảm tới 35%.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc hiện giảm xuống 1,6 trẻ/phụ nữ, nằm dưới mức “thay thế” 2,1. Thậm chí, hơn một nửa dân số Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tỷ lệ sinh ở mức 1,3.
Một trong những hệ lụy khác của chính sách một con là sự thiếu hụt phụ nữ. Do phong tục truyền thống và áp lực từ chính sách của chính phủ cũng như các biện pháp phá thai chọn lọc trong nhiều năm, số lượng nam giới hiện nhiều hơn nữ giới 34 triệu người. Tới năm 2020, có khoảng 24 triệu đàn ông Trung Quốc ở tuổi kết hôn không thể tìm được vợ.
Tình hình lại càng tệ hơn nữa khi một nghiên cứu chỉ ra số rằng phụ nữ Trung Quốc ở tuổi 24-31 dự kiến sẽ giảm 40% trong khoảng 2015-2025.
Từ năm 2013 tới nay, số lượng đăng ký kết hôn giảm mỗi năm trong khi số các vụ ly dị tăng lên rõ rệt trong cùng kỳ. Nhiều chuyên gia cho rằng quan điểm khác biệt của giới trẻ hiện tại ảnh hưởng nhiều tới quyết định kết hôn. Quan niệm về việc đám cưới, sinh con duy trì nòi giống không còn phải là ưu tiên lớn nhất với một số người, chuyên gia Yuan Xin của đại học Nam Khai, cho hay.
Ngoài ra, chi phí nuôi con, giá nhà đất, việc học hành, trông nom con cái đang trở thành gánh nặng cho người trẻ khiến nhiều người không mặn mà với kết hôn.
Những hệ quả
Người Trung Quốc về quê ăn tết - một trong những cuộc di dân lớn nhất thế giới diễn ra hàng năm (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Ông Yi Fuxian, chuyên gia kinh tế đại học Bắc Kinh, nói rằng việc sụt giảm lực lượng lao động là một trong những hậu quả tiêu cực đầu tiên cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Số người ở tuổi lao động (15-64 tuổi) giảm liên tiếp 4 năm sau khi đạt đỉnh vào năm 2013. Vì vậy, tỷ lệ dân số phụ thuộc ở Trung Quốc (tỷ lệ số người không lao động như trẻ con và người già) gia tăng lần đầu tiên sau hơn 30 năm vòa năm 2011 và sẽ tiếp tục giảm thêm.
Số người già ở Trung Quốc có thể đạt 400 triệu vào cuối năm 2035, tăng lên so với 240 triệu năm ngoái, theo dự đoán từ chính phủ. Con số này sẽ ảnh hưởng mạnh tới ngân sách chính phủ. Chi phí cho lương hưu của Trung Quốc vào năm 2016 là 90 tỷ USD, tăng 140% so với 5 năm trước đó. Các chuyên gia cho rằng con số này sẽ còn tăng tiếp tục tới 2050, khi chi phí lương hưu bằng 20% tổng chi tiêu hàng năm của chính phủ.
Thêm vào đó, hệ thống bảo hiểm xã hội, lương hưu và chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc khá hạn chế. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á “chưa kịp giàu thì đã già”.
Tại các nước phát triển, thông thường số lượng người trên 60 tuổi chiếm 24% dân số từ năm 1950-2015 trong khi thu nhập bình quân đầu người là 41.000 USD. Trung Quốc sẽ mất thêm 12 năm nữa để số người trên 60 tuổi đạt tỷ lệ trên, nhưng tới năm 2025, thu nhập bình quân của Trung Quốc sẽ chỉ bằng 1/3 thu nhập của các nền kinh tế phát triển trong năm 2015, theo Bloomberg.
Trong thời gian qua, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn cản vấn đề sụt giảm dân số xảy ra. Các cơ quan nước này hiện đang nghiên cứu các chính sách mới bao gồm về thuế, lao động, bảo hiểm xã hội và nhà ở cho các đối tượng tham gia chính sách hai con.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tính tăng tuổi hưu trí để số lượng người nằm trong nhóm tuổi lao động cao hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng trong một xã hội phát triển, việc đảo ngược tình trạng suy giảm dân số là rất khó khăn kể cả khi chính phủ ban hành chính sách thân thiện với gia đình.
Từ việc hưởng lợi từ một nền nhân khẩu học đông đúc và nhiều người ở tuổi lao động, một thực tế cho thấy mô hình khai thác lao động giá rẻ triệt để của Trung Quốc đã không còn hợp thời.
Nghiên cứu của công ty Mỹ JPMorgan cảnh báo rằng tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới, khiến tham vọng vượt Mỹ để vươn lên vị trí số 1 về kinh tế của họ gặp khó khăn.
Thêm vào đó, dân số Mỹ, Ấn Độ, Indonesia vẫn đang tiếp tục tăng ít nhất tới năm 2060. Ấn Độ thậm chí vào năm 2027 được dự đoán sẽ có dân số vượt Trung Quốc.
National Interest cho rằng, nếu nhân khẩu học là số mệnh của một nước, thì Trung Quốc đang đối mặt với chướng ngại vật lớn nhất trong hàng chục năm qua mà chưa tìm được một giải pháp đúng đắn.
Đức Hoàng
Theo National Interest