1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chủ tịch Trung Quốc mang quà cho Pakistan

Trung Quốc dùng hàng chục tỷ USD và có thể cả 8 chiếc tàu ngầm hòng lôi kéo Pakistan.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình đến Pakistan (từ ngày 20-21/4) là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Pakistan từ 9 năm nay.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lưu Kiến Siêu nói Pakistan là điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong năm 2015, cho thấy Bắc Kinh rất coi trọng việc phát triển bang giao với Pakistan.

Thủ tướng Pakistan Nawas Sharif và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2014
Thủ tướng Pakistan Nawas Sharif và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2014

Ông Lưu cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình “sẽ tìm cách đề ra một kế hoạch toàn diện cho mối bang giao Pakistan-Trung Quốc cũng như công cuộc hợp tác trong thời gian 5-10 năm tới, nâng mối quan hệ lên một tầm vóc mới”.

Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ ký các thỏa thuận, trong đó có nhiều thỏa thuận tập trung vào việc thành lập một dự án quy mô lớn hai nước gọi là Hành lang Kinh tế Pakistan-Trung Quốc.

Hành lang trên tìm cách nối liên vùng Tân Cương phía Tây hẻo lánh và nhiều biến động của Trung Quốc với cảng nước sâu Gwadar của Pakistan trong vùng Biển Arab.

Ngoài việc xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ và các cơ sở hạ tầng khác, hai bên cũng sẽ ký các thỏa thuận tập trung vào năng lượng, tài chính và khoa học kỹ thuật.

Theo các bản tin của giới truyền thông, các dự án trên có thể lên tới 46 tỷ USD, một khoản tiền khổng lồ với nền kinh tế chật vật của Pakistan.

Con số này càng có ý nghĩa hơn nếu như biết rằng từ năm 2009, Mỹ “chỉ” viện trợ dân sự cho Pakistan 5 tỷ USD.

Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan thời gian qua cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 4 tỷ USD vào năm 2007 lên 10 tỷ USD vào năm 2014.
 
Tàu ngầm của Trung Quốc

Tàu ngầm của Trung Quốc

Một người phát ngôn của chính phủ Pakistan nói chuyến thăm sẽ đánh dấu một sự chuyển biến về quan hệ từ một mối quan hệ chiến lược toàn cầu qua một hình thức mới của quan hệ kinh tế giữa hai nước. Khía cạnh an ninh của mối quan hệ dự kiến cũng sẽ được đào sâu thêm.

Trung Quốc và Pakistan lâu nay vẫn có các mối quan hệ vững chắc về an ninh và quân sự. Bắc Kinh là nước lớn nhất cung cấp khí tài cho Pakistan.

Gần đây, xuất hiện thông tin Islamabad đang tìm cách mua 8 chiếc tàu ngầm của Trung Quốc (có thể là loại Type 041), loại vũ khí mà Islamabad rất cần để đối đầu với New Delhi.

Nếu thương vụ trị giá từ 4-5 tỷ USD này được hoàn tất, giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ đề nghị giúp Pakistan xây dựng một trạm sửa chữa và cung cấp nhiên liệu cho tàu ngầm ở thành phố Gwadar.

Chương trình nghị sự có thể sẽ bao gồm cả việc thảo luận tiến trình hợp tác giữa Pakistan với Trung Quốc về chế tạo chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ JF-17.

Về phần mình, Trung Quốc đang đau đầu với tình hình bất ổn ở Tân Cương. Đây là nơi sinh sống của người Uighur theo đạo Hồi và Trung Quốc muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của Pakistan để giải quyết vấn đề.

Trợ lý ngoại trưởng Lưu Kiến Siêu nói Pakistan từng cung cấp tình báo và hỗ trợ cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại tổ chức gọi là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan hay ETIM, phong trào từng đấu tranh giành độc lập cho Tân Cương.

Theo phía Trung Quốc, một con số đáng kể thành viên của ETIM ở Pakistan. Ông Lưu nói: “Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan là một kẻ thù của cả hai quốc gia và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhau để chống lại các phần tử khủng bố, kể cả những người có liên hệ với ETIM”.

Theo Minh Chiến
Đất Việt