1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với thách thức toàn cầu

Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ diễn ra từ ngày 25-30/9 tại New York (Mỹ). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện.

Chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với thách thức toàn cầu - 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại một phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN.

Trải qua 75 năm phát triển, Liên hợp quốc (LHQ) trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh. Vai trò và hoạt động của LHQ được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.

Thách thức lớn, nhiệm vụ tăng

Tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển bền vững của Hội đồng kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC), Báo cáo tổng hợp của LHQ về tình hình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2019 cho thấy, một số mục tiêu về bảo đảm tiếp cận năng lượng, y tế, giảm nghèo trên toàn cầu có tiến triển, nhưng chưa đạt tốc độ cần có; trong khi lần đầu tiên số người chịu nạn đói tăng trở lại trong nhiều thập kỷ; kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, giáo dục, y tế chưa rộng khắp; tình hình thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường bền vững là đáng lo ngại và đặc biệt là cam kết ODA giảm mạnh.

Bước vào năm thứ 75 trong lịch sử, LHQ đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong khi nhiệm vụ ngày càng tăng. Dù vậy, LHQ vẫn đóng vai trò là thể chế đa phương quan trọng nhất, được các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ, trông đợi và thúc đẩy hợp tác đa phương, qua đó bảo đảm quyền lợi và tiếng nói của mình, đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trên tinh thần đó, Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ tại Khóa 74 (tháng 9/2019) về công việc chung của tổ chức nhấn mạnh và đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò quan trọng của LHQ, phát huy ứng dụng các công nghệ mới, tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính... để đáp ứng quan tâm chung của nhân loại.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp toàn thể Khóa 74 của Đại hội đồng LHQ ngày 17/9 (giờ địa phương), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Tijjani Muhammad-Bande kêu gọi các nước hành động phù hợp với chủ đề của Phiên thảo luận chung năm nay là “Tăng cường các nỗ lực đa phương để xóa nghèo, giáo dục chất lượng, hành động và hợp tác về khí hậu”. Đại hội đồng khóa 74 là cơ hội để các nước đẩy mạnh hợp tác toàn cầu, đẩy lùi thách thức và tìm kiếm cơ hội thu hẹp bất đồng.

Ưu tiên của khóa họp lần này là thúc đẩy hòa bình, an ninh và ngăn chặn xung đột; tăng cường hợp tác để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là xóa đói giảm nghèo, giáo dục chất lượng và hành động về biến đổi khí hậu.

Tại Kỳ họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thuyết phục người dân thấy rõ LHQ có liên quan tới tất cả mọi người và nhận thức được rằng, chủ nghĩa đa phương sẽ mang lại các giải pháp thực tế để đối phó với các thách thức toàn cầu.

“Đại hội đồng là diễn đàn duy nhất và không thể thay thế, là nơi cả thế giới cùng tập trung thảo luận về các vấn đề nhạy cảm và quan trọng. Thế giới cần các thể chế đa phương hiệu quả và các mối quan hệ quốc tế cần dựa trên luật pháp quốc tế”, ông Antonio Guterres khẳng định.

Chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với thách thức toàn cầu - 2

Việt Nam - Thành viên trách nhiệm và tích cực

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội...

Kể từ khi gia nhập LHQ vào năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động, đồng thời là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới, có đóng góp cụ thể vào quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của LHQ nhằm xây dựng một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của toàn nhân loại. Đóng góp của Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là trong hoạt động của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và nhiều cơ quan trực thuộc LHQ.

Trong hơn 40 năm gia nhập LHQ, Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp, tham gia nhiều cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Hội đồng Bảo an. Cuối năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham gia và được bầu làm Phó chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC). Việt Nam tích cực tham gia trên tất cả ba trụ cột hoạt động của LHQ là Hòa bình, An ninh Phát triển và Quyền con người.

Năm 2007, Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế. Một số đóng góp nổi bật của Việt Nam trong nhiệm kỳ này là Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1889 do Việt Nam đề xuất về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, với nội dung tập trung về nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức tham vấn rộng rãi với các thành viên LHQ ngoài Hội đồng Bảo an về Báo cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an trước Đại hội đồng.

Tháng 6/2019, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục trong 75 năm phát triển của LHQ (192/193 phiếu). Điều này thể hiện các nước hết sức coi trọng vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam và đặc biệt là khả năng đóng góp vào công việc chung của thế giới khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an. Tại LHQ, Hội đồng Bảo an là cơ quan có vai trò hàng đầu trong việc bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Với việc tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ tham gia vào cơ chế toàn cầu quan trọng nhất trong lĩnh vực bảo đảm hòa bình và an ninh, góp phần giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn báo chí sau sự kiện Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Ưu tiên của Việt Nam là tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương, thể hiện mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tinh thần tôn trọng Luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu, vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh. Đó là mục đích cao nhất mà Việt Nam mong muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an LHQ”.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, với vai trò, kinh nghiệm của mình, Việt Nam mong muốn đóng góp vào các chủ đề như giải quyết sau xung đột; vấn đề phụ nữ, trẻ em trong xung đột; xử lý bom mìn sau xung đột.

“Qua quá trình tham gia, Việt Nam thấy đây là những vấn đề quan trọng và là những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an. Khi tham gia Hội đồng Bảo an, mục đích của Việt Nam còn là xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, qua đó đảm bảo một môi trường hòa bình cho Việt Nam, thuận lợi cho phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định.

Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng Liên  hợp quốc là cuộc họp có sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia nhất thế giới. Tại kỳ họp năm nay, dự kiến 143 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ tham gia vào các phiên thảo luận.

Bên cạnh Phiên thảo luận chung là các sự kiện cấp cao khác như Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu, Cuộc họp Cấp cao của LHQ về Phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân, Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển bền vững, Sự kiện Cấp cao kỷ niệm Ngày quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân...

Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc là cuộc họp có sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia nhất thế giới. Tại kỳ họp năm nay, dự kiến 143 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ tham gia vào các phiên thảo luận.

Bên cạnh Phiên thảo luận chung là các sự kiện cấp cao khác như Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu, Cuộc họp Cấp cao của LHQ về Phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân, Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Phát triển bền vững, Sự kiện Cấp cao kỷ niệm Ngày quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân...

Theo Hà Phương

Thế giới & Việt nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm