1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chống phân biệt sắc tộc - Gánh nặng trăm năm của nước Mỹ

Mâu thuẫn sắc tộc lại bùng lên ở nước Mỹ sau các cuộc biểu tình phản đối cựu cảnh sát người da trắng Jason Stockley được tòa tuyên trắng án trong vụ một người gia màu bị bắn chết năm 2011. Diễn biến này cho thấy vấn đề mâu thuẫn sắc tộc tồn tại trong lòng nước Mỹ hàng trăm năm qua vẫn không thể được giải quyết.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều năm gần đây nước Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế tình trạng phân biệt sắc tộc, song về cơ bản vẫn chưa đủ mạnh để xóa bỏ được sự kỳ thị.

Tái diễn các cuộc biểu tình

Các cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 15-9 ngay sau khi tòa ra phán quyết cựu cảnh sát Stockley, 36 tuổi, không phạm tội giết người cấp độ 1 đối với vụ Anthony Lamar Smith, một người da màu 24 tuổi nghi là tội phạm ma túy bị bắn chết trong xe ô tô vào ngày 20-12-2011 khi đang chạy trốn sự truy đuổi của viên cảnh sát này.

Trong ngày 15-9 có khoảng 600 người biểu tình đã tuần hành từ trụ sở tòa án đến khu buôn bán ở thành phố St Louis để phản đối. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Một số người biểu tình đã ngồi xuống chặn đường nhưng vài phút sau đó đã rời đi, một số nán lại ở khu thượng lưu gần nhà Thị trưởng thành phố St Louis Lyda Krewson và ném gạch vào cảnh sát.

Quyền Cảnh sát trưởng thành phố St Louis Lawrence O'Toole cho biết các nhân viên an ninh đã phải sử dụng hơi cay sau khi người biểu tình đập vỡ cửa sổ một thư viện, hai nhà hàng, ném đá và sơn bẩn lên nhà cùa Thị trưởng Krewson. Vụ việc đã khiến 10 nhân viên an ninh bị thương và 33 người biểu tình bị bắt giữ.

Bạo lực tiếp tục nổ ra tối 16-9 khi khoảng 100 người biểu tình, trong đó có một số người cầm gậy hoặc búa, đập vỡ cửa sổ và đụng độ với cảnh sát, dẫn đến 9 người bị bắt. Cảnh sát đã phải bắn hơi cay và đạn cao su nhằm giải tán những người biểu tình.

Đến ngày 18-9-2017, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ hơn 80 người khi cuộc biểu tình biến thành bạo lực đường phố đã bước sang đêm thứ ba tại thành phố St Louis thuộc bang Missouri. Sự việc xảy ra sau khi cựu cảnh sát người da trắng Jason Stockley được tòa tuyên trắng án trong vụ bắn chết một người da màu hồi năm 2011. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất với hơn 1.000 người tham gia. Ban đầu biểu tình diễn ra trong hòa bình.

Tuy nhiên, một nhóm nhỏ vẫn nán lại lúc đêm muộn. Cảnh hỗn loạn tái diễn tương tự 2 ngày trước đó khi nhiều người biểu tình đập vỡ cửa sổ của các cửa hàng và cố chặn một đoạn đường dẫn lên xa lộ. Cảnh sát đã buộc phải dùng hơi cay và bắt giữ những người biểu tình chống đối lệnh giải tán. Các lực lượng an ninh cũng tịch thu nhiều vũ khí, trong đó có súng, cùng các chai nhựa chứa một hóa chất không rõ nguồn gốc được dùng để tấn công.

Các cuộc biểu tình diễn ra 3 năm sau vụ một cảnh sát da trắng khác bắn chết nam thanh niên da màu không có vũ khí Michael Brown ở thành phố Ferguson cũng thuộc bang Missouri. Vụ việc này đã làm bùng phát làn sóng biểu tình ở thị trấn này cũng như ở nhiều địa phương khác trên toàn nước Mỹ.


Bản in lại của Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ tại Trung tâm Tự do Tuyến hỏa xa ngầm Quốc gia

Bản in lại của Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ tại Trung tâm Tự do Tuyến hỏa xa ngầm Quốc gia

Không đủ xóa bỏ sự kỳ thị

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 300 năm, những người gốc Phi đầu tiên đã đặt chân tới “xứ cờ hoa” trên các chuyến tàu buôn nô lệ. Tuy chế độ chiếm hữu nô lệ được xóa bỏ tại Mỹ vào năm 1862, sau khi Tổng thống Abraham Lincoln đề xuất bản “Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ”, song hàng trăm năm sau, những người Mỹ gốc Phi vẫn bị đối xử một cách bất công và đầy miệt thị bởi những người da trắng.

Dư luận cho rằng, đối với nhiều người da trắng, công dân da màu bị coi là tầng lớp thấp kém về đạo đức và trí tuệ trong xã hội Mỹ. Tại nhiều tiểu bang, người Mỹ gốc Phi bị hạn chế các quyền con người cơ bản và không được hưởng quyền công dân một cách đầy đủ, trong đó có quyền bầu cử. Các kết quả điều tra xã hội năm 2015 cho thấy biểu đồ phân bổ nhân lực của người da màu tại Mỹ hiện nay ở dạng hình nón, tức là càng lên các vị trí quan trọng như giám đốc điều hành các tập đoàn lớn hay quan chức cấp cao trong chính phủ thì càng ít người da màu.

Bên cạnh đó, công dân da màu cũng chiếm tới hơn 40% số tù nhân tại Mỹ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi luôn ở mức khoảng 10% và tỷ lệ phạm tội bao giờ cũng cao hơn so với các sắc tộc thiểu số khác. Trong 5 năm qua, khoảng 2 triệu người da đen đã vượt qua ngưỡng nghèo tại Mỹ, song tỷ lệ người nghèo vẫn ở mức trên 20% và người Mỹ gốc Phi là cộng đồng hưởng trợ cấp xã hội nhiều nhất ở nước này.

Theo kết quả khảo sát của Gallup công bố mới đây có tới 49% người Mỹ cho rằng hệ thống luật pháp đang có xu hướng chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Phi và 67% người da màu tin rằng họ không được đối xử công bằng như người da trắng trong các vụ việc có liên quan tới cảnh sát. Trong khi đó, các cuộc biểu tình biến thành bạo lực tại các thành phố Ferguson, Baltimore, Dallas và Charlottesville trong thời gian qua đều bắt nguồn từ việc cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu.

Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là trong hàng chục năm qua, cộng đồng người da màu đã có những đóng góp quan trọng cho một nước Mỹ siêu cường và không ít người Mỹ gốc Phi thành công rực rỡ trên nhiều lĩnh vực từ văn học-nghệ thuật, thể thao, cho tới kinh tế-chính trị như “ông hoàng” nhạc pop Michael Jackson, diva lừng danh Whitney Houston, huyền thoại quyền anh Muhammad Ali, nhà văn nổi tiếng Toni Morrison, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Colin Powell.

Thậm chí, nhiều người từng hy vọng vào một chương mới cho cộng đồng người da màu tại Mỹ sau khi Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước này vào năm 2008. Sau khi nước Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế tình trạng phân biệt sắc tộc, như tăng số lượng nhân viên da màu trong các lực lượng thực thi pháp luật. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đó chỉ là những điểm sáng nhỏ không đủ để xóa bỏ được sự kỳ thị.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump chống phân biệt sắc tộc cũng là một trong những chính sách quyết liệt. Ngày 14-9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump đã ký ban hành thành luật đối với một nghị quyết của Quốc hội phản đối những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, phong trào Người da trắng thượng đẳng, những người ủng hộ việc dùng vũ lực đe dọa người da màu, nhóm KKK (nhóm hội kín Ku Klux Klan với thuyết người da trắng là thượng đẳng) và các nhóm phân biệt sắc tộc khác.


Ngày 13/1/2009, ông Barack Obama nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, là tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ

Ngày 13/1/2009, ông Barack Obama nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, là tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ

Có thể thấy các cuộc biểu tình tại thành phố St Louis sau phán quyết của tòa án đối với vụ người da màu bị cảnh sát da trắng bắn chết năm 2011 tiếp tục là những rào cản trong nỗ lực chống phân biệt sắc tộc ở Mỹ. Điều này đòi hỏi chính quyền Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt hơn nữa để dẹp bỏ những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các nhóm sắc tộc./.

Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ (tiếng Anh: Emancipation Proclamation) gồm hai văn lệnh hành pháp do Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đề xuất trong thời nội chiến Hoa Kỳ. Bản thứ nhất ban ra ngày 22/9/1862, công bố trả tự do cho tất cả nô lệ trong các tiểu bang thuộc Liên minh miền Nam Hoa Kỳ chưa thuộc kiểm soát của Liên bang miền Bắc ngày 1/1/1863, được Lincoln công bố sau khi quân miền Bắc đánh thắng quân miền Nam trong trận huyết chiến tại Antietam buộc quân miền Nam phải triệt binh về Virginia. Bản thứ hai, ban hành ngày 1/1/1863, liệt kê rõ các tiểu bang nào phải chịu lệnh này.

Bản tuyên ngôn giải phóng không phải là một điều luật được thông qua bởi Quốc hội, mà là một mệnh lệnh của tổng thống được trao quyền, khi Lincoln là "Tổng tư lệnh quân đội" the khoản II, chương 2 của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Theo T.Lâm - Q.Anh

Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm