1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bạo lực súng đạn ám ảnh nước Mỹ

Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, nước Mỹ đã phải chứng kiến hai thảm kịch thương tâm liên quan đến súng ống, trong đó chấn động hơn cả là vụ một sát thủ 26 tuổi ngang nhiên đi vào một trường đại học ở bang Oregon và xả súng giết hại nhiều người...

Sát thủ giữa học đường

Vụ xả súng đầu tiên xảy ra tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua ở thành phố Roseburg của bang Oregon vào lúc 10 giờ 30 phút sáng 1-10 (theo giờ địa phương).

AFP dẫn lời ông John Hanlin, một quan chức cảnh sát địa phương, cho biết sau khi nhận được tin báo có kẻ đang nổ súng tại một lớp học, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. “Khi đến nơi, cảnh sát xác định được kẻ xả súng ở một trong các tòa nhà. Họ tiếp cận nghi phạm và một cuộc đấu súng đã xảy ra. Kẻ xả súng đã bị vô hiệu hóa. Hắn đã chết”, ông John Hanlin nói trong một cuộc họp báo sau khi vụ việc xảy ra.

Bạo lực súng đạn ám ảnh nước Mỹ - 1

Các sinh viên Trường Đại học Cộng đồng Umpqua được đưa ra khỏi hiện trường sau vụ xả súng.

Bạo lực súng đạn ám ảnh nước Mỹ - 2

Lực lượng an ninh bảo vệ hiện trường sau vụ xả súng tại thành phố Roseburg.

Cảnh sát cũng cho biết, họ tìm thấy một khẩu súng trường và ba khẩu súng ngắn bên cạnh thi thể của sát thủ.

Mặc dù kẻ thủ ác đã bị tiêu diệt, song theo xác nhận của ông John Hanlin, tổng cộng đã có ít nhất 10 người thiệt mạng và 7 người bị thương trong vụ bạo lực đẫm máu nói trên. Trước đó, một số tờ báo đưa tin có 15 người chết và 20 người bị thương.

Đến nay, danh tính của kẻ gây ra vụ thảm sát tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua được xác định là Harper Mercer. Mặc dù vậy, những thông tin liên quan đến đối tượng này chưa được làm rõ. Các điều tra viên cũng đã thẩm vấn gia đình, bạn bè của Harper Mercer và đồng thời tìm kiếm những hoạt động gần đây trên mạng xã hội của đối tượng này để thu thập manh mối. Một số nguồn tin cho rằng, Harper Mercer không phải là sinh viên của Trường Đại học Cộng đồng Umpqua.

Ngay sau khi thảm kịch xảy ra, ngôi trường nói trên đã bị đóng cửa, cảnh sát cũng có mặt phong tỏa hiện trường để tiến hành công tác điều tra. Tuy nhiên, một số nhân chứng, đa phần là các sinh viên, vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì đã xảy ra.

Như lời nữ sinh viên Cassandra Welding, khi hung thủ đang điên cuồng xả đạn thì cô có mặt trong một phòng họp ngay bên cạnh. Cassandra Welding đã chứng kiến cảnh một người bạn cùng lớp bị trúng đạn khi vừa mở cánh cửa nối liền hai căn phòng. “Chúng tôi khóa chặt cửa lại và tắt hết đèn. Mọi người vô cùng hoảng loạn. Chúng tôi đẩy bàn, ghế chắn trước mặt, ôm ba lô để che lấy thân, đề phòng trường hợp hung thủ phá cửa xông vào”, Cassandra Welding kể lại.

Cũng theo Cassandra Welding, nhiều sinh viên thậm chí đã gọi điện cho cha mẹ để nói lời từ biệt bởi trong hoàn cảnh đó, họ không biết số phận mình sẽ ra sao. Một số sinh viên khác lại nói rằng, họ đã nhìn thấy hung thủ mặc quần jean, áo thun với khẩu súng lăm lăm trên tay đi vào tòa nhà, thế rồi hàng loạt tiếng súng và tiếng la hét vang lên.

Thảm kịch mới, vấn đề cũ

Chỉ vài giờ sau vụ xả súng kinh hoàng tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua, lại có thêm một vụ xả súng ở bên ngoài Tòa thị chính thành phố Inglis thuộc bang Florida làm 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng. Hai vụ thảm sát diễn ra cách nhau chỉ vài giờ đồng hồ khiến dư luận nước Mỹ trải qua nhiều cảm giác lẫn lộn, từ bàng hoàng, lo sợ đến giận dữ.

Hơn thế nữa, người ta cũng không thể không nghĩ về một vấn đề đã khiến báo chí trong và ngoài nước Mỹ tốn rất nhiều giấy mực: Kiểm soát súng đạn.

AFP cho hay, phát biểu sau vụ xả súng ở bang Oregon, Tổng thống Barack Obama một lần nữa đã tỏ vẻ giận dữ trước việc Quốc hội Mỹ không ủng hộ các điều luật mới liên quan đến việc kiểm soát súng đạn, đồng thời coi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch liên tiếp tại xứ cờ hoa.

Ông nói: “Chẳng hiểu sao điều này lại trở thành chuyện thường ngày. Chúng ta có thể thực sự làm gì đó để giải quyết thực trạng này, nhưng sẽ phải thay đổi luật pháp của chúng ta. Không thể để những kẻ muốn làm hại người khác dễ dàng có được súng trong tay như vậy”.

“Để xảy ra điều này cứ vài tháng một lần ở Mỹ, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm giải thích với các gia đình đã mất đi người thân về việc tại sao không có biện pháp hành động. Những lời chia buồn, tiếc thương là chưa đủ”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho rằng, các vụ thảm sát bằng súng đạn thường xuyên xảy ra một phần là do hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể tìm được tiếng nói chung để thông qua luật kiểm soát súng đạn. Bởi vậy theo ông, giới lập pháp của Mỹ cần phải bỏ qua những bất đồng, từ đó mới có thể tìm cách ngăn chặn những bi kịch liên quan đến súng đạn: “Đây là việc mà một mình tôi không thể tự làm được. Cần phải có Quốc hội, các nhà lập pháp và những người điều hành đất nước sẵn sàng hợp tác với tôi trong vấn đề này”.

Theo Trung Dũng

Quân đội Nhân dân

Bạo lực súng đạn ám ảnh nước Mỹ - 3