1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chống khủng bố tại Châu Âu: Phải có giải pháp toàn diện

Một năm trở lại đây hiểm họa khủng bố đã trở thành mối lo thường trực ở Châu Âu, đặc biệt, sau vụ tòa báo biếm họa Charlie Hebdo tại Paris (Pháp) bị tấn công vào đầu tháng 1 làm 12 người thiệt mạng.

Sự manh động liều lĩnh ngày càng gia tăng của các phần tử cực đoan buộc Lục địa già phải nhanh chóng tìm ra những phương thức bảo vệ an ninh mới. Đây cũng là chủ đề được đặt trên bàn nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của Liên minh Châu Âu (EU) vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ).

Chống khủng bố tại Châu Âu: Phải có giải pháp toàn diện
 
An ninh được tăng cường trên khắp các đường phố Châu Âu sau vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo của Pháp

Hội nghị được tổ chức vào lúc tình hình an ninh Châu Âu diễn biến phức tạp. Chủ nghĩa khủng bố đã có nhiều biến đổi trong cách thức hoạt động và thâm nhập với tốc độ chóng mặt vào xã hội phương Tây. Đáng lo ngại là lực lượng an ninh khó có thể kiểm soát số lượng thành phần khủng bố đang trà trộn trong cộng đồng Hồi giáo tại Châu Âu.
 
Theo con số thống kê EU vừa đưa ra, hiện có khoảng 15-20 triệu người Hồi giáo đang sống tại Châu Âu, chiếm 4-5% dân số. Trong đó Pháp là quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông nhất, chiếm 7-10% dân số, tiếp đến là Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh và Italia. Trong tất cả cộng đồng tôn giáo ở Châu Âu, người Hồi giáo ít khả năng có nhà riêng, có nghề nghiệp chuyên môn và ít khả năng kiếm được việc làm nhất…
 
Các nhà phân tích cho rằng, có một sự phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi ở Châu Âu, điều cốt lõi đã tạo ra những mâu thuẫn âm ỉ và khiến người Hồi giáo ở châu lục này dễ bị kích động và thu hút bởi chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt khi tôn giáo của họ bị "đụng chạm". Trong khi đó, những lỗ hổng trong công tác kiểm soát an ninh ở nhiều nước Châu Âu đã vô hình trung hình thành "tuyến quốc lộ lớn" tạo thuận lợi cho các phần tử Hồi giáo hiếu chiến từ nước ngoài hồi hương thu nạp thành viên.
 
Trong tình thế này, rõ ràng Châu Âu đang là các mục tiêu rất dễ bị tổn thương bởi chủ nghĩa cực đoan khi những kẻ khủng bố không đến từ bên ngoài mà đến từ ngay trong lòng đất nước. Sau thảm kịch Charlie Hebdo, người dân ở Cựu lục địa lo ngại rằng, ngay cả nước Pháp vốn nổi tiếng có lực lượng an ninh hoạt động hiệu quả cũng không thể ngăn chặn được các vụ tấn công ngay giữa thủ đô thì nguy cơ khủng bố sẽ đe dọa bất cứ thành viên nào trong EU.
 
Vì vậy, kế hoạch chống khủng bố mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra tập trung vào 3 lĩnh vực: Bảo đảm an ninh cho công dân bằng cách trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo và cảnh sát Châu Âu, đồng thời nhanh chóng triển khai hệ thống dữ liệu về hành khách hàng không; bảo đảm tự do đi lại trong khu vực Schengen (gồm 26 nước Châu Âu, trong đó có 22 nước thuộc EU có hiệp ước chung về đi lại tự do); tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi vì cuộc chiến chống khủng bố hiện nay đã vượt xa biên giới của EU.
 
Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng nhất trí kêu gọi tăng cường kiểm soát đối với những người nhập cảnh vào khu vực Schengen; đồng thời chia sẻ thông tin để ngăn chặn nguy cơ các phần tử khủng bố thâm nhập. Những biện pháp này được đánh giá là sẽ giúp EU phát hiện và ngăn chặn các kế hoạch tấn công từ sớm; đồng thời hình thành một mạng lưới ngăn ngừa khủng bố có hiệu quả hơn.
 
Tuy nhiên, các nhà xã hội học cho rằng, thời gian vừa qua cuộc chiến chống khủng bố mới chỉ tập trung vào việc tiêu diệt các phần tử cực đoan, mà chưa thực sự hướng tới việc chấm dứt tư tưởng khủng bố. Đây mới là nguồn cội của các hiểm họa mà Châu Âu phải gánh chịu. Do vậy, để đem lại những kết quả thực sự trong cuộc chiến này, không chỉ Lục địa già mà tất cả quốc gia trên thế giới cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn với những giải pháp toàn diện.
Theo Phương Chi
Hà Nội mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm