1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chống khủng bố chi phối bầu cử Quốc hội Anh

Cuộc bầu cử Quốc hội Anh diễn ra trong bối cảnh nước nước này liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu làm nhiều người chết và bị thương. Điều này không những khiến cho nước Anh phải tiến hành cuộc tổng tuyển cứ trước thời hạn, còn cho thấy vấn đề chống khủng bố sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả cuộc bầu cử này.


Ảnh: Telegraph

Ảnh: Telegraph

Những người ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU)-Brexit tin rằng, mối đe doạ từ chủ nghĩa khủng bố sẽ thấp hơn nếu họ không còn là thành viên của EU.

Tuy nhiên, một loạt các vụ khủng bổ xảy ra ở Anh gần đây cho thấy, dường như nước Anh thời hậu Brexit vẫn dễ tổn thương trước mối hiểm họa khủng bố như bất kỳ nước EU nào khác. Chính vì vậy, vấn đề khủng bố và các giải pháp chống khủng bố hiệu quả, đang là những chủ đề nóng nhất chi phối cuộc bầu cử lần này.

Thực tế trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, cả đảng Bảo thủ cầm quyền và đảng đối lập lớn nhất Công đảng đều tập trung vào các chính sách an ninh và chống khủng bố để giành thêm sự ủng hộ của cử tri.

Là người từng phụ trách vấn đề an ninh và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng, lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Theresa May cho rằng cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho lực lượng chống khủng bố.

Trong khi đó, Công đảng chỉ trích đảng Bảo thủ trong thời gian cầm quyền đã cắt giảm tới 19.000 cảnh sát, khiến nước Anh không thể đảm bảo an ninh cho người dân.

Mặc dù đảng Bảo thủ được cho là thể hiện quan điểm khá cứng rắn, quyết liệt trong xử lý vấn đề khủng bố, còn Công đảng bị coi là đề cập khá chung chung, song rõ ràng 3 vụ khủng bố liên tiếp từ tháng 4 tới nay ở Anh, trong thời gian bà May cầm quyền, cũng đã “phủ bóng đen” lên những nỗ lực của đảng cầm quyền.

Cử tri Anh chưa thể tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ trong việc duy trì an ninh khi mà nước Anh liên tục “báo động đỏ” về khủng bố. Hơn thế nữa, nhiều ý kiến còn lo ngại chính quyết định Brexit đang đẩy nước Anh vào thế phải “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến ngăn chặn khủng bố. Lãnh đạo Công đảng Anh cũng không bỏ lỡ cơ hội này để lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính sách ngoại giao của chính phủ đã đẩy đất nước vào các mối đe dọa an ninh.

Mặc dù trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương hồi đầu tháng 5, vốn được coi là “phép thử” trước cuộc tổng tuyển cử này, đảng Bảo thủ đã chiến thắng vang dội, song loạt vụ khủng bố liên tiếp vừa qua đang khiến khoảng cách giữa đảng Bảo thủ và Công đảng dần thu hẹp, từ mức 20% khi bà May tuyên bố bầu cử trước thời hạn xuống còn 6-7% theo kết quả thăm dò mới nhất được công bố 2 ngày trước bầu cử.

Chưa đầy một tháng sau khi nước Anh rung chuyển bởi vụ khủng bố gần tòa nhà Quốc hội, Thủ tướng Anh Theresa May bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Sau đó, dù phải trả qua liên tiếp 2 vụ khủng bố tại Manchester và London, bà May vẫn khẳng định nước Anh sẽ tổ chức bầu cử đúng ngày đã định.

Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, tỉ lệ và thành phần cử tri đi bỏ phiếu được coi là yếu tố mấu chốt quyết định kết quả bầu cử. Công đảng có xu hướng giành được sự ủng hộ của lực lượng cử tri trẻ, trong khi đảng Bảo thủ chủ yếu được cử tri trên 45 tuổi đặt niềm tin. Ngay chính các cuộc thăm dò dư luận khác nhau trước thềm bầu cử cũng cho thấy những kết quả hết sức khác biệt liên quan tới đối tượng tham gia khảo sát.

Theo các nhà phân tích, mục tiêu của Thủ tướng May khi kêu gọi bầu cử sớm là nhằm củng cố quyền lực của cá nhân cũng như của đảng Bảo thủ trước thềm cuộc đàm phán quan trọng với EU. Tuy nhiên, với tình hình thực tế ở Anh hiện nay, việc đảng Bảo thủ thắng lớn tại cuộc tổng tuyển cử tới đây là chuyện không dễ như dự tính ban đầu, thậm chí mọi kịch bản đều có thể xảy ra.

Như vậy có thể thấy rằng, gần một năm sau cuộc thăm dò dân ý lịch sử “đi hay ở lại EU”, cử tri Anh một lần nữa phải lựa chọn để quyết định tương lai của đất nước thời hậu Brexit.

Có một điều chắc chắn rằng, cho dù đảng nào lên nắm quyền, nước Anh cũng sẽ vẫn ra khỏi EU. Tuy nhiên, một loạt vụ khủng bố vừa qua cho thấy, nước Anh vẫn phải duy trì mối quan hệ với "lục địa già", đặc biệt là trong vấn đề hợp tác chống khủng bố.

Theo Đức Phức

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm