Chơi nhạc trên vật dụng tái chế: Từ Israel đến Festival Huế và Hà Nội
(Dân trí) - Đến từ Israel, nhóm Tararam đã mang đến Festival Huế vừa qua món ăn tình thần khá độc đáo, đó là chơi nhạc trên những nhạc cụ làm từ vật dụng tái chế như thìa, dĩa, thùng phi, vỏ bia, nước ngọt. Tarram cũng mang “dàn nhạc” độc đáo của mình đến với Hà Nội vào tối nay 21/4.
Kim Gordon, đại diện của nhóm Tararam tại cuộc họp báo sáng nay 21/4 ở Hà Nội.
Tararam là nhóm nhảy-trống nổi tiếng ở Israel, kết nối với khán giả bằng ngôn ngữ nhịp điệu và những âm thanh đặc biệt được tạo ra bởi các vật dụng tái chế thông thường như thùng thiếc, thùng phi, ghế gỗ, thìa dĩa và các bộ gõ khác. Với sự giới thiệu của Đại sứ quán Israel, Tararam đã lần đầu tiên tới Việt Nam tham dự Festival Huế 2014 vừa qua và biểu diễn tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội, vào tối nay. Đây là một trong những sự kiện được Sứ quán Israel tổ chức, nhằm kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao lâu bền giữa Israel-Việt Nam.
Tại cuộc họp báo giới thiệu về Tararam và hoạt động của nhóm ở Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Kim Gordon, thành viên đại diện cho nhóm.
PV: Chị có thể cho biết đôi nét về Tararam?
Kim Gordon: Tararam là nhóm nhảy-trống hiện đại. Chúng tôi kết hợp trống với những động tác cơ thể, ánh sáng và những loại nhạc cụ khác. Nhưng ngoài những nhạc cụ thông thường như trống, ghi-ta chúng tôi tạo ra những nhạc cụ riêng của chúng tôi, từ những vật liệu tái chế như chai, lọ, thùng phi, thìa, dĩa…và chúng tôi chơi trên tất cả những “nhạc cụ” này.
Ý tưởng chơi nhạc từ những vật dụng tái chế của Tararam xuất phát từ đâu? Và Tararam đã tận dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam như thế nào để tạo thành nhạc cụ biểu diễn?
Đó là ý tưởng của giám đốc nghệ thuật của chúng tôi, cũng là một tay trống. Chúng tôi đã bắt đầu bằng việc gõ dùi trống lên tất cả các vật liệu và nhận biết được sự khác biệt trong âm thanh được tạo ra từ những vật liệu đó và tất cả như là một dàn nhạc giao hưởng. Ví dụ như với chai nước bỏ đi, khi cho nước và một chút gạo vào, chúng tôi đã tạo ra âm thanh rất vui tai. Từ những hộp dầu oliu đã dùng hết chúng tôi cũng có thể tạo thành bộ gõ…
Những vỏ hộp như vỏ Coca Cola, nhỏ, có thể dễ dàng mang theo, nhưng với những vật dụng lớn và nặng như thùng phi, khó có thể mang đến những nơi chúng tôi biểu diễn. Vì vậy với những “nhạc cụ” như thế này chúng tôi tìm từ chính những nơi chúng tôi biểu diễn, như ở đây, tối nay các bạn sẽ thấy.
Một điều nữa là tận dụng vật liệu tái chế rất rẻ, ai cũng có thể tạo ra được nhạc cụ và không cần phải giàu có mới có thể có được nhạc cụ.
Ngoài ra, hiện chúng ta đang sống trong thế giới Xanh, tất cả các quốc gia đều kêu gọi bảo vệ môi trường. Chúng ta đã bắt đầu tái chế mọi thứ và từ đó chúng tôi đã nghĩ đến việc tạo ra âm nhạc từ những vật dụng tái chế thay vì vứt chúng đi.
Tararam đã tham dự một trong những lễ hội lớn nhất của chúng tôi, Festival Huế. Vậy Tararam ấn tượng nhất với điều gì ở Huế Festival?
Theo Kim Gordon, Tararam trong tiếng Do Thái có nghĩa là ồn ã, nhưng mang ý nghĩa tích cực, vui vẻ. |
Khán giả có phản ứng như thế nào với màn trình diễn của Tararam tại Festival Huế?
Rất khó có thể đánh giá chúng tôi được chấp nhận như thế nào. Nhưng họ có vẻ rất phấn kích. Trong buổi biểu diễn có phần giao lưu với khán giả, họ đã tự nguyện tham gia rất tích cực và họ đã vỗ tay hưởng hứng nhiệt tình, như thể họ muốn chúng tôi trình diễn thêm nữa.
Chị có góp ý gì đối với Festival Huế, để chúng tôi có thể tổ chức lễ hội sau thành công hơn?
Trước tiến, Huế Festival là một lễ hội quốc tế, với sự tham gia của nhiều nước trên khắp thế giới. Chúng tôi rất vinh dự khi được tham gia sự kiện này. Ở Festival Huế, các nhà tổ chức đã kết hợp tất cả các thể loại với nhau như nhạc, nhảy, phục trang truyền thống… Nhưng theo ý kiến của riêng cá nhân tôi thì nên chia lễ hội ra làm các mảng khác nhau, bởi mỗi nhóm mang đến một điều đặc biệt. Ví dụ, một số nhóm chỉ là các nhóm nhảy, một số chỉ là nhóm nhạc, một số là sự kết hợp cả hai, một số mang tới văn hóa truyền thống của riêng ở nước họ, một số thì lại giống như chúng tôi, là Israel hiện đại.
Âm nhạc được tạo ra từ nhạc cụ tái chế và nhạc cụ thông thường khác nhau như thế nào?
Âm thanh tạo ra từ nhạc cụ tái chế và nhạc cụ thông thường khác nhau, nhưng nhịp điệu, lời hát và sự kết hợp là giống nhau. Nhạc cụ thông thường như trống thường có gắn với micro nhưng với những nhạc cụ tái chế như chai lọ, thùng phi thì không có. Vì thế một số nhạc cụ tái chế phù hợp với thể loại unplugged.
Âm thanh tạo ra từ nhạc cụ “tái chế” cũng không được mạnh như các nhạc cụ thông thường, như trống, nhưng khán giả thì lại rất tò mò và họ lắng nghe. Ví dụ chúng tôi đã dùng thìa để gõ nhịp lên cơ thể và âm thanh phát ra rất nhỏ, nhưng chúng tôi thấy khán giả bắt đầu đến gần hơn, họ bỗng trở nên yên lặng khác thường, không giống như khi chúng tôi chơi trống. Và tôi thích cả hai loại nhạc cụ này.
Vậy cá nhân chị thích nhạc cụ tái chế nào nhất?
Tôi thích chúng tôi “chơi nhạc” bằng thìa, nồi và chảo. Và chúng tôi có một “dàn nhạc giao hưởng” với những đồ từ bếp. Mọi thứ trong nhà bếp đều có thể tạo ra âm nhạc.
Tôi biết rằng nhóm Tararam đến Việt Nam theo lời mời của Đại sứ quán Israel tại Hà Nội, vậy chị có thể cho biết có lý do đặc biệt nào Tararam đã nhận lời mời này không?
Đại sứ quán Israel từ lâu đã muốn đưa chúng tôi đến đây. Và thông thường, các nhóm ở Israel thường không đi đến phương Đông. Tôi cho rằng chính phủ Israel thực sự muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và cũng có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai đất nước chúng ta. Vì vậy đó là lý do vì sao chúng tôi nhận lời mời tới Việt Nam.
Tararam có mong muốn trở lại Việt Nam một lần nữa sau đợt biểu diễn này?
Chắc chắn rồi. Có thể chúng tôi sẽ tham gia Festival Huế vào những năm sau hoặc các lễ hội khác, bởi thật tuyệt vời khi được khám phá nền văn hóa, con người và âm nhạc của các bạn…
Xin cảm ơn Tararam rất nhiều!
Vũ Quý