1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính trường Thái Lan trước thử thách mới

Ngày 7/8, cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về một bản dự thảo Hiến pháp mới, văn kiện quan trọng được cho là sẽ định hình tương lai chính trị của đất nước trong thời gian tới.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được dự đoán cũng sẽ đặt chính trường Thái Lan trước thử thách mới.

Dự thảo Hiến pháp có một số điểm đáng chú ý. Đó là việc tất cả thành viên Thượng viện sẽ được lựa chọn bởi Hội đồng hòa bình quốc gia và trật tự (NCPO); thẩm quyền của Quốc hội có một số hạn chế; tăng quyền hạn cho các cơ quan nhà nước không qua bầu cử và có một điều khoản về việc "Thủ tướng có thể là nhân vật không qua bầu cử". Dự thảo Hiến pháp được coi là bản thiết kế cho phép những người ủng hộ Hoàng gia và quân đội giám sát chính trường Thái Lan trong tương lai gần, bất kể kết quả bầu cử ra sao.

Bản dự thảo Hiến pháp được phía quân sự hậu thuẫn hiện phải đối mặt với nhiều nghi ngại cả từ phía dân chúng lẫn các nhóm chính trị đối lập, đặc biệt là điều khoản trong dự thảo mở ra một khả năng để chính phủ quân sự tiếp tục nắm giữ quyền lực, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hay cuộc tổng tuyển cử như thế nào.

Một số đảng chính trị đối lập đã bày tỏ không ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới. Ba chính đảng lớn nhất ở Thái Lan là Đảng Dân chủ, Đảng Pheu Thai và Đảng Charthaipattana đều cho rằng văn kiện này được thiết kế để khống chế một chính phủ dân cử và kiểm soát chặt chẽ các chính sách khiến chính phủ khó có thể hoạt động. Đảng Pheu Thai và các đồng minh đã tăng cường những nỗ lực tác động để cử tri bỏ phiếu chống lại dự thảo Hiến pháp.


Thái Lan kêu gọi người dân đi bỏ phiếu . (Ảnh: Straits Times).

Thái Lan kêu gọi người dân đi bỏ phiếu . (Ảnh: Straits Times).

Trong khi đó, dự thảo Hiến pháp mới lại có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với tính hợp pháp của NCPO, đang nắm quyền tại Thái Lan kể từ cuộc đảo chính năm 2014. NCPO đứng đầu là Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha dường như đã chuẩn bị sẵn sàng khi mới đây cam kết chính phủ sẽ xúc tiến công việc tiếp theo nếu bản dự thảo Hiến pháp được nhân dân đồng ý, đồng thời một “kế hoạch B” cũng được chuẩn bị trong trường hợp bản dự thảo bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý.

Mặc dù kế hoạch cụ thể chưa được công bố rõ ràng song chính phủ đã khẳng định rằng nó sẽ không ảnh hưởng tới lộ trình khôi phục dân chủ ở đất nước Thái Lan.

Chính quyền Thái Lan đang đẩy mạnh chiến dịch vận động người dân tích cực tham gia bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Hiến pháp. Tại thủ đô Bangkok, các cuộc tuần hành được tổ chức khá rầm rộ, trong khi ở các tỉnh, nhiều hoạt động tuyên truyền cũng được tiến hành. Hình ảnh thần khỉ Hanuman được sử dụng làm biểu tượng cho chiến dịch vận động; một số bài hát vận động cũng được sử dụng trên các phương tiện truyền thông công cộng.

Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban, người có vai trò lớn trong chính trị Thái Lan và các đồng minh cũng đang tích cực vận động cử tri đi bỏ phiếu ủng hộ cho Hiến pháp mới. Để đối phó với những hành động của phe phản đối dự thảo Hiến pháp, Chính phủ của Thủ tướng Prayuth đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thiết lập các trung tâm “trị an” ở cấp tỉnh và cấp huyện trên toàn quốc nhằm đảm bảo cuộc trưng cầu sẽ không bị ngăn cản.

Ủy ban Bầu cử Thái Lan đặt mục tiêu vận động được 80% số cử tri, tức khoảng 40,4 triệu trên tổng số 50,5 triệu cử tri nước này, tham gia bỏ phiếu. An ninh được tăng cường nhằm bảo đảm trật tự cho cuộc trưng cầu ý dân.

Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 10/8 tới. Nhưng cho dù kết quả thế nào, điều chắc chắn là cả chính phủ hiện thời lẫn phe đối lập và dư luận quốc tế đều mong muốn người Thái Lan sẽ dàn xếp ổn thỏa, sớm đưa đất nước trở lại lộ trình dân chủ, ổn định và phát triển đất nước.

Theo Ngọc Hùng

Thế giới và Việt Nam