Chính trường Mỹ sục sôi vì nữ phiên dịch của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Việc các nghị sĩ Mỹ kêu gọi gây sức ép buộc nữ phiên dịch tiết lộ nội dung cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần này có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, giới chuyên gia cảnh báo.
Người phụ nữ khiến chính trường Mỹ “sục sôi”
Chính trường Mỹ những ngày qua sục sôi vì cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Đến nay, họ vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra trong cuộc họp kín hơn 2 giờ đồng hồ giữa hai nhà lãnh đạo tạo Helsinki của Phần Lan trong khi quan chức Nga nói rằng hai bên đã đạt được nhiều "thỏa thuận miệng quan trọng".
Các nghị sĩ Mỹ muốn biết chuyện gì đã xảy ra trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang gây sức ép để có được câu trả lời từ nữ phiên dịch - người Mỹ duy nhất ngoài ông Trump có mặt trong phòng họp.
Nghị sĩ Cộng hòa Bill Pascrell nói: "Việc buộc một phiên dịch viên tiết lộ chi tiết cuộc họp kín giữa Tổng thống và nguyên thủ nước ngoài có thể là điều chưa có tiền lệ, nhưng những hành động của Tổng thống Trump cũng chưa từng có tiền lệ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia".
Ông Pascrell cho rằng, nếu phiên dịch viên này không tự nguyện điều trần trước quốc hội, giới chức Mỹ nên cân nhắc ban hành trát triệu tập bắt buộc.
Nghị sĩ này cho rằng, người Mỹ được quyền biết liệu Tổng thống Trump đã đưa ra những nhượng bộ gì hay liệu ông có làm lộ bí mật an ninh quốc gia hay không.
Nữ phiên dịch đang trở thành tâm điểm của chính giới Mỹ là bà Marina Gross, một phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bà Gross làm phiên dịch viên cho chính phủ Mỹ ít nhất từ năm 2008 khi bà xuất hiện bên cạnh cựu Đệ nhất phu nhân Laura Bush trong chuyến thăm Sochi (Nga). Bà Gross cũng xuất hiện bên cạnh cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 4 năm ngoái.
Bà Gross hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về đề nghị điều trần của các nghị sĩ. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ bác bỏ đề nghị này với Tổng thống có đặc quyền giữ bí mật cuộc họp kín với nguyên thủ nước ngoài.
Nguy cơ tạo tiền lệ nguy hiểm
Việc buộc một phiên dịch viên tiết lộ nội dung một cuộc thảo luận kín giữa các nguyên thủ là điều "chưa có tiền lệ và rất nguy hiểm", giới chuyên gia nhận định.
"Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ. Và nếu nó chưa từng xảy ra trong hơn 200 năm qua thì hẳn phải có lý do", Harry Obst, người từng làm phiên dịch cho 7 đời tổng thống Mỹ, cho biết.
Stephanie van Reigersberg, người từng làm phiên dịch viên cho Bộ Ngoại giao Mỹ trong 32 năm, cho biết phiên dịch viên cũng có những quy tắc về đạo đức nghề nghiệp riêng và một trong những quy tắc đó là bảo mật thông tin. "Những gì xảy ra trong cuộc họp bạn không có quyền được tiết lộ", cô Stephanie nói.
Một số nghị sĩ Cộng hòa Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc ép buộc phiên dịch viên tiết lộ nội dung họp kín giữa 2 nguyên thủ. Họ cho rằng, điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc họp song phương giữa các quan chức Mỹ với lãnh đạo nước ngoài sau này.
"Nó sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm. Quý vị cần nhớ là những phiên dịch viên này đôi khi không phải là người liên quan đến việc làm chính sách, trong một số trường hợp họ chỉ là nhân viên hợp đồng", Thượng nghị sĩ Bob Corker nói.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cũng có những lo ngại tương tự và ông ủng hộ biện pháp khai thác thông tin từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người cũng tham gia hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, hơn là ép buộc phiên dịch viên điều trần.
Minh Phương
Theo USA Today, Business Insider