Chính trường Mỹ chờ đợi nhiều trận chiến bất phân thắng bại năm 2014
Chính trường nước Mỹ kết thúc năm 2013 với gam màu sáng hơn của nền kinh tế song cuộc chiến đảng phái không khoan nhượng đã đẩy nhiều quyết sách đối nội và đối ngoại đi vào bế tắc, làm cho uy tín của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.
Mặc dù trong cuộc họp báo cuối năm, ông chủ Nhà Trắng đã trấn an và có cái nhìn lạc quan hơn cho năm 2014, một năm mà ông đánh giá sẽ có "đột phá” cho nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự đã được ông hứa hẹn khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, song giới chuyên môn tỏ ra thận trọng hơn và đang chờ đợi các trận chiến bất phân thắng bại trên hàng loạt các vấn đề còn tồn đọng của năm 2013 cũng như các chủ đề mới nổi. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát tại Thượng viện, việc thực thi đạo luật ObamaCare cũng như thúc đẩy cải tổ đạo luật nhập cư dường như sẽ chiếm lĩnh chính trường nước Mỹ năm 2014.
Ảnh minh hoạ.
Bên cạnh đó, các chủ đề nóng khác như tranh cãi xung quanh giới hạn quyền lực của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) sau vụ Snowden, việc Đảng Cộng hòa tự sàng lọc tìm ra các nhân vật đủ uy tín và năng lực nhằm đối chọi với Đảng Dân chủ cũng như tìm ra hướng đi phù hợp trong tương lai, trong đó có phép thử đối với “phong trào Đảng Trà” sẽ là các chủ đề thu hút sự chú ý của dư luận.
Cải cách nhập cư, dự luật nông trại và dự luật phúc lợi thất nghiệp sẽ trở thành vấn đề trung tâm gây tranh cãi hàng đầu từ đầu năm 2014. Dự luật nông trại có nhiều cơ hội được thông qua hơn trong khi 2 chủ đề còn lại được đánh giá chỉ có cơ may dưới 50% để tới được bàn làm việc của Tổng thống Obama nhằm phê chuẩn thành luật. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid cho biết trợ cấp thất nghiệp sẽ không nằm trong danh sách chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong dự luật chi tiêu nhiều mục của tháng Giêng năm 2014. Các nghị sỹ của Đảng Cộng hòa khó có khả năng thúc đẩy để thông qua dự luật phúc lợi thất nghiệp trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm, đặc biệt nếu các khoản chi này không có nguồn khác để bù đắp.
Trong khi đó, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ lên kế hoạch nhấn mạnh vấn đề bất bình đẳng thu nhập vào năm tới sẽ tái thúc đẩy tăng lương tối thiểu cho người lao động. Trận chiến cải cách nhập cư cũng sẽ là chủ đề thu hút sự quan tâm theo dõi. Hiện Tổng thống Obama vẫn chưa chọc thủng được "khối bê tông" ngăn cản của các nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện trong việc thúc đẩy dự luật này.Tuy nhiên, tình hình có thể biến chuyển khi bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ngày càng đến gần.
Thái độ hòa dịu khi kết thúc năm 2013 giữa các nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa trong việc thông qua Dự luật chi tiêu ngân sách năm 2014 và 2015 sẽ không kéo dài khi cả 2 phía đã sẵn sàng cho một cuộc chiến mới: Giới hạn trần nợ công. Tổng thống Obama và các nghị sỹ Dân chủ tại Quốc hội vẫn giữ lập trường sẽ không đàm phán và nhượng bộ về vấn đề này. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa John Boehner dường như khó chấp nhập việc thông qua nâng trần nợ công mà không có điều kiện gì được đánh đổi.
Liệu uy tín của Tổng thống Obama có được vãn hồi hay không? Nhiều vụ việc bất lợi trong năm 2013 đã đẩy uy tín của ông chủ Nhà Trắng xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm cầm quyền. Một số nhà phân tích chính trị đã so sánh nhiệm kỳ hai của ông với nhiệm kỳ hai đầy “thảm họa” của cựu Tổng thống George W. Bush. Trong Thông điệp Liên bang đầu năm tới đây, chắc chắn ông chủ Nhà Trắng sẽ kêu gọi và khởi động lại việc kéo chương trình nghị sự của mình trở lại đúng lộ trình của nó.
Nếu như năm 2014 không là “một năm đột phá” như điều ông mong muốn, tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ dành cho vị Tổng thống thứ 44 trong lịch sử nước Mỹ sẽ tiếp tục sụt giảm và dao động trong khoảng 40%. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng kiểm soát Thượng viện của Đảng Dân chủ cũng như khó thay đổi được vị trí đa số của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện trong kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ 2014. Việc Tổng thống Obama kiện toàn và thay thế một số nhân vật trong bộ máy giúp việc của ông ở Nhà Trắng vừa qua, đang chuyển đi các tín hiệu lạc quan tới các nghị sỹ của Đảng Dân chủ tại Quốc hội.
Thực thi đạo luật ObamaCare vẫn là một dấu hỏi. Do các trục trặc kỹ thuật của trang mạng HealthCare.gov khi bắt đầu vận hành đã dẫn đến số lượng người đăng ký tham gia không được như kỳ vọng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chương trình này có được tiếp tục thực hiện nữa hay không? Tuy nhiên, vấn đề còn lớn hơn là liệu một bộ phận đông đảo những người trẻ tuổi có đăng ký ghi danh tham gia hay không. Nếu họ không mặn mà tham gia thì giá các gói bảo hiểm y tế sẽ buộc phải tăng lên và Đ ảng Cộng hòa sẽ có thêm vũ khí để tấn công phe Dân chủ trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thời gian từ nay đến tháng 11 tới và các nhà lãnh đạo của Đ ảng Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sỹ Hary Reid, vẫn lạc quan cho rằng kết quả ObamaCare sẽ tích cực vào mùa Thu 2014.
Vẫn còn nhiều tranh cãi về các dự luật nhằm điều chỉnh quyền lực và giới hạn hoạt động của NSA sau khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ các bí mật động trời về chương trình do thám bí mật của NSA. Các tiết lộ vẫn chưa dừng lại của Snowden là lý do để Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Patrick Leahy cùng Hạ nghị sỹ của Đảng Cộng hòa James Sensenbrenner đang vận động các nghị sỹ khác đồng bảo trợ cho một dự luật nhằm cải tổ toàn diện hoạt động của NSA.
Trong khi đó, hai vị Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện gồm ông Mike Rogers và ông Dianne Feinstein đã cảnh báo rằng mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng và cho rằng các hoạt động tình báo của NSA không thể là đối tượng bị công khai hoàn toàn. Tương lai của Snowden sẽ ra sao và liệu ông ta có ở lại nước Nga hay sẽ cố tới một quốc gia khác?
Snowden được Nga cấp quy chế tỵ nạn thời hạn 1 năm kể từ tháng 8/2013 và đã đề nghị Brazil cấp cho ông quy chế tỵ nạn chính trị. Đã có một số cuộc tranh luận về một thỏa thuận với Snowden - người được ước tính đang nắm giữ khoảng 1,7 triệu tài liệu mật – dừng lại các tiết lộ. Tuy nhiên, chính quyền và Quốc hội Mỹ vẫn chưa có ý định ân xá cho nhân vật này.
Về vấn đề hạt nhân của Iran, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã bỏ nhiều nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân với nước này. Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Iran với nhóm P5+1 đã bị chỉ trích bởi một số nghị sỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhiều nghị sỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ đầy quyền lực gốc Do Thái Charles Schumer, muốn thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Iran trong khi Nhà Trắng dọa sẽ phủ quyết một đạo luật như vậy.
Vấn đề này sẽ tiếp tục thử sức mối quan hệ của ông chủ Nhà Trắng với các nghị sỹ của Đảng Dân chủ tại Quốc hội. Tổng thống Obama đã nhiều lần lên tiếng về việc quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Tuy nhiên vẫn cần theo dõi sự hiện diện của Mỹ tại nước Trung Á sẽ ra sao sau thời điểm này. Mỹ đã có một mối quan hệ không dễ dàng gì với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và Hiệp định An ninh song phương (BSA) giữa hai nước vẫn chưa được ký kết.
Trận chiến giành quyền kiểm soát tại Thượng viện hứa hẹn nhiều kịch tích. Phe Cộng hòa cần phải có thêm 6 ghế nữa mới có thể chi phối được diễn dàn Quốc hội quan trọng này. Đây không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, lịch sự và bản đồ phân bố của năm 2014 dường như đang ủng hộ phe Cộng hòa. Đang có xu hướng một số nghị sỹ của Đảng Dân chủ ở các bang tranh chấp quyết liệt, trong đó có Thượng nghị sỹ danh tiếng Mark Pryor của bang Arkansas sẽ đứng ra xa hơn một số vấn đề gây tranh cãi và mất uy tín của Tổng thống Obama.
Cuộc đua đáng được theo dõi nhất là nỗ lực tái cử nhiệm kỳ thứ 6 của Chủ tịch phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell. Tại Hạ viện, mặc dù các nghị sỹ của Đảng Dân chủ cho rằng họ có thể giành lại quyền kiểm soát, song điều này là khó khả thi. Đảng Dân chủ cần phải giành thêm được 17 ghế Hạ viện nếu muốn giành thắng lợi , song dường như các nỗ lực này đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau khi Chính phủ Mỹ bị đóng cửa hai tuần lễ đầu tháng 10 và việc thực thi đạo luật ObamaCare tiến triển chậm chạp.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng sẽ trở thành chủ đề đáng chú ý trên chính trường nước Mỹ trong năm Giáp Ngọ. Ngay sau khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ kết thúc, nhiều chính khách của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sẽ công bố kế hoạch hành động năm 2016. Bà Clinton được kỳ vọng sẽ ra tranh cử để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và được dự báo sẽ được Đảng Dân chủ đề cử.
Trong khi đó, lực lượng bên phe Cộng hòa vẫn còn khá phân tán với một số Thượng nghị sỹ triển vọng giữ quan điểm khác nhau gồm Ted Cruz của bang Texas, Rand Paul của bang Kentucky, Marco Rubio của bang Florida, Rob Portman của bang Ohio, John Thune của bang South Dakota và Kelly Ayotte của bang New Hampshire). Chúng ta cùng chờ xem.