1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính trường Hàn Quốc: Rối như tơ vò

Việc Tổng thống Park Geun-hye bị chính thức phế truất hôm 10-3 càng đẩy chính trường và xã hội Hàn Quốc lún sâu vào khủng hoảng.

Thời gian bầu cử tổng thống mới đã được ấn định nhưng không có nhân vật nào sáng giá có thể thay thế bà Park Geun-hye trong khi khối đoàn kết dân tộc xứ Kim chi đang bị chia rẽ nặng nề và bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới ngày càng phức tạp.

Cuộc khủng hoảng chính trị Hàn Quốc kéo dài 3 tháng qua đã chạm tới đỉnh điểm hôm 10-3 khi Tòa Hiến pháp nước này chuẩn thuận quyết định của quốc hội phế truất bà Park Geun-hye được đưa ra trước đó, đồng thời ủng hộ đề nghị luận tội bà, tức là tước quyền “miễn trừ tư pháp” của một tổng thống.

Quyền Chánh thẩm Lee Jung-mi đọc phán quyết của Tòa Hiến pháp tại Seoul hôm 10-3: "Với kết quả biểu quyết nhất trí của các thẩm phán, chúng tôi tuyên bố giữ quyết định luận tội. Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất". Chánh thẩm Lee Jung-mi nói thêm “hành động vi phạm Hiến pháp và luật lệ của bà Park phản bội sự tin tưởng của công chúng”.

Bà Park Geun-hye sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố.
Bà Park Geun-hye sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố.

Tòa Hiến pháp Hàn Quốc cũng chỉ định Thủ tướng Hwang Kyo-ahn sẽ tạm quyền lãnh đạo đất nước và định ngày bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày tới.

Cáo buộc chính đối với bà Park là bà đã thông đồng với người bạn lâu năm Choi Soon-sil "tống tiền" các tập đoàn Hàn Quốc, buộc họ đóng góp 70 triệu USD cho hai quỹ mờ ám để đổi lại những ưu đãi. Cũng có những cáo buộc khác liên quan đến việc bà Park bị cho là không sát sao khi xử lý với thảm họa chìm phà Sewol khiến hơn 300 người thiệt mạng, và bà Choi đã sử dụng những mối quan hệ với tổng thống để đưa con gái vào học tại một trường đại học uy tín. Bà Park luôn nhất mực phủ nhận các cáo buộc đó.

Khi đưa ra quyết định phế truất, Tòa Hiếp pháp Hàn Quốc nói rõ rằng phán quyết của tòa tập trung xác định tính hợp pháp của việc Quốc hội phế truất tổng thống, chứ không phải để xác định có tội hay vô tội.

Bà Park, 64 tuổi, trở thành tổng thống dân cử đương chức đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất. Tuy nhiên bà là tổng thống thứ hai của nước này trải qua tiến trình luận tội. Năm 2004, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun bị Quốc hội ngưng chức nhưng hai tháng sau ông được tòa án phục chức.

Ông In myung-jin, quyền lãnh đạo đảng Tự do theo chủ trương bảo thủ của bà Park nói rằng đảng của ông tôn trọng “giá trị lớn lao của hiến pháp và dân chủ” và “tôn trọng phán quyết” của tòa án. Ông nói: "Từ thời điểm này, đảng Tự do Hàn Quốc không còn là đảng cầm quyền nữa".

Bà Park Geun-hye, hôm 12-3 đã xin lỗi những người ủng hộ bà vì đã "không hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị tổng thống". Bà rời khỏi dinh tổng thống, còn gọi là Nhà Xanh, hai ngày sau khi tòa đưa ra quyết định miễn nhiệm.

Ông Choo Mi-ae, thủ lĩnh của đảng Dân chủ đối lập hoan nghênh phán quyết của tòa như là "một chiến thắng lịch sử của sức mạnh dân chủ nhân dân, đánh bại một chính phủ vi phạm luật pháp và doanh nghiệp độc quyền".

Những người ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye biểu tình phản đối quyết định phế truất bà.
Những người ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye biểu tình phản đối quyết định phế truất bà.

Nhưng ngay sau khi Tòa Hiến pháp đọc phán quyết, hàng trăm người ủng hộ bà Park đã bày tỏ sự tức giận tột độ. Hai người thiệt mạng khi họ tìm cách vượt qua hàng rào cảnh sát bên ngoài tòa án. Ngày hôm sau, cả chính trường và xã hội đều náo loạn mặc dù người ta cũng đã tiên đoán trước được khả năng bà Park sẽ bị phế truất.

Ngày 11-3 để phản đối phán quyết của tòa án, hàng chục ngàn người ủng hộ nhà lãnh đạo bị truất quyền này đã tụ tập bên ngoài Tòa thị chính Seoul, vẫy cờ Hàn Quốc và hô những khẩu hiệu như "Việc luận tội tổng thống là vô giá trị" và đòi xét lại quyết định của Tòa Hiến pháp.

Theo hãng tin Yonhap, một người biểu tình 74 tuổi, đã qua đời tại bệnh viện hôm 11-3, sau khi bị bất tỉnh trong các vụ đụng độ ở Seoul giữa những người chống bà Park Geun-Hye với cảnh sát dã chiến và những người ủng hộ tổng thống. Hai người biểu tình khác cũng đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ này. Cảnh sát đã bắt giữ nhiều người của cả hai phe cùng tập hợp tại Seoul hôm 10-3 để nghe quyết định của tòa về việc truất phế bà Park Geun-Hye.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Quyền Chánh thẩm Lee Jung-mi ngày 13-3 đã kêu gọi đoàn kết dân tộc sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất, cho rằng tình trạng bất ổn liên quan đến vụ luận tội bà Park sẽ giúp Hàn Quốc "trưởng thành" hơn. Bà Lee đưa ra lời kêu gọi trên trong bài phát biểu nhân dịp bà nghỉ hưu chỉ 3 ngày sau khi tòa này đưa ra lời phán quyết mang tính lịch sử phế truất bà Park liên quan đến vụ bê bối gây chấn động Hàn Quốc trong những tháng vừa qua.

Bà Lee gọi phán quyết của Tòa Hiến pháp là “thực sự đau đớn và khó khăn" đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ có thể vươn lên trở thành một dân tộc dân chủ "trưởng thành" hơn thông qua việc tôn trọng Hiến pháp và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong một bài phát biểu được trực tiếp truyền hình ngày 11-3, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quốc gia Kim Yong Deok đã bày tỏ mối quan ngại về tình hình căng thẳng trước cuộc bầu cử chọn tân tổng thống vào ngày 9-5 tới. Báo chí Hàn Quốc cũng kêu gọi nên chấm dứt các cuộc biểu tình trên đường phố để xây dựng một quốc gia đoàn kết. Trong khi đó, đảng Dân chủ, đảng đối lập chính, kêu gọi tổng thống chấp nhận quyết định đã được toàn bộ 8 thẩm phán của tòa nhất trí thông qua.

Đảng Dân chủ chỉ trích bà Park Geun-Hye hành xử như thể bà từ chối thi hành quyết định của Tòa Hiến pháp. Còn đảng của bà Park, đảng Tự do Hàn Quốc, đã xin lỗi người dân. Chủ tịch lâm thời của đảng này nhận lỗi là đã không bảo vệ được “phẩm giá và niềm tự hào của đất nước Hàn Quốc”.

Trong khi đương chức tổng thống, bà Park được miễn tố, nhưng sau khi bị phế truất, bà có thể bị truy tố hình sự. Hồi đầu tuần này, một thẩm phán đặc trách được chỉ định để điều tra vụ bê bối bà Park bị cáo buộc đã sai phạm với nhiều tội danh, trong đó có tội thông đồng tham nhũng với tập đoàn Samsung.

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong và 9 giới chức lãnh đạo khác của tập đoàn này bị truy tố liên quan đến việc đóng góp hơn 37 triệu USD cho hai quỹ của bà Choi để được chính phủ tiếp tay cho một vụ sáp nhập doanh nghiệp quan trọng. Nếu bị kết tội, ông Lee có thể lãnh án tù đến 20 năm.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các công tố viên Hàn Quốc vẫn rất thận trọng về thời điểm họ sẽ triệu tập bà Park Geun-hye đến để điều tra. Thông tin duy nhất mà họ đưa ra chỉ là, Tổng Công tố viên Hàn Quốc Kim Soo-nam sẽ lắng nghe quan điểm của các công tố viên cao cấp và các nhân vật quan trọng trong hệ thống tư pháp nước này trước khi chỉ định ngày triệu tập cụ thể.

Một nguồn tin từ các công tố viên Hàn Quốc tiết lộ, nhiều khả năng việc truy tố bà Park Geun-hye sẽ bị trì hoãn cho đến khi tổng thống mới được bầu chính thức lên nắm quyền vào tháng 5 tới.

Liên quan tới cuộc bầu cử sắp tới, đảng của bà Park Geun-hye đang rã đám và không có được ứng cử viên tổng thống nào sáng giá. Nhiều khả năng tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ là người thuộc phe đối lập hiện tại và chính trường Hàn Quốc sẽ nghiêng hẳn về phía cánh tả. Như thế đồng nghĩa với việc đất nước này sẽ chuyển biến sâu sắc cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Sau khi nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon quyết định không ra tranh cử, Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn sẽ phải quyết định có ra ứng cử tổng thống trong cuộc bầu cử đầu tháng 5 tới không. Tuy nhiên, Quyền Tổng thống Hwang không phải là người được cử tri ưu ái nhất. Đứng đầu trong các thăm dò dư luận là cựu lãnh đạo đảng Dân chủ cánh tả Moon Jae-in, với khoảng 36%. Trong cuộc bầu cử năm 2014, đảng này suýt nữa đã giành chiến thắng.

Quyền Chánh thẩm Lee Jung-mi, người ra phán quyết phế truất bà Park Geun-hye.
Quyền Chánh thẩm Lee Jung-mi, người ra phán quyết phế truất bà Park Geun-hye.
Người Hàn Quốc biểu tình chống Tổng thống Park Geun-hye, một ngày trước khi tòa ra phán quyết phế truất Tổng thống Park.
Người Hàn Quốc biểu tình chống Tổng thống Park Geun-hye, một ngày trước khi tòa ra phán quyết phế truất Tổng thống Park.

Theo giới quan sát, dù ai giành chiến thắng đi nữa thì trọng trách hàn gắn một Hàn Quốc bị tổn thương cũng rất nặng nề. Chính trường và nội bộ xã hội bị phân hóa sâu sắc như thế cần được ổn định bền vững và thống nhất thật sự nhanh chóng nhất có thể được; cuộc chiến chống tham nhũng và lạm quyền cần phải được kiên định tiếp tục và triệt để, dân chủ và minh bạch trong cả chính trị lẫn kinh tế, trong nhà nước pháp quyền và các mối quan hệ xã hội cũng cần được thực hiện.

Thật ra, người mới nếu muốn tránh khỏi thảm trạng chính trị và xã hội hiện tại chỉ cần rút ra những bài học cần thiết từ thất bại của bà Park Geun-hye và thực hiện những cam kết khi tranh cử của bà. Nhờ những cam kết tranh cử ấy mà bà Park Geun-hye đã đắc cử Tổng thống Hàn Quốc với tỷ lệ phiếu bầu cao hơn kết quả bầu cử của tất cả những người tiền nhiệm. Câu hỏi chỉ là người mới này có sẵn sàng và có đủ khả năng để làm những việc ấy hay không.

Hàn Quốc sẽ đi về đâu cũng còn phụ thuộc vào người mới xử lý như thế nào những thách thức và thử thách hiện tại về đối ngoại và an ninh liên quan trước hết đến Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Người mới có thể sẽ không cứng rắn với Triều Tiên như bà Park Geun-hye nhưng quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên đã trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn trước rất nhiều bởi chính quyền mới ở Mỹ đã tận dụng tình hình chính trị nội bộ hiện tại ở Hàn Quốc để triển khai luôn hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quố;c và Trung Quốc tiến hành trừng phạt thương mại Hàn Quốc vì đã để cho Mỹ làm vậy hoặc đã cùng với Mỹ làm vậy.

Người kế nhiệm sẽ "căng" hơn bà Park trong quan hệ với Nhật Bản về những mắc mớ giữa hai nước liên quan đến quá khứ lịch sử chung. Người mới cũng rất có thể sẽ độc lập hơn với Mỹ và uyển chuyển hơn với Trung Quốc. Nếu như thế thì cục diện quan hệ và chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á sẽ thay đổi rất cơ bản và môi trường chính trị an ninh đối ngoại của Hàn Quốc cũng vậy.

Chỉ có điều là những việc này không dễ khả thi và không biết người mới có đủ khả năng và bản lĩnh để vận hành mọi chuyện hay không.

Theo báo chí Pháp, nếu lãnh đạo đảng Dân chủ thắng, thì rất có khả năng việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên có thể sẽ dễ dàng hơn. Trung Quốc cũng dự đoán lãnh đạo đảng Dân chủ Moon Jae In sẽ là người kế nhiệm bà Park Geun-hye mà Bắc Kinh xem là khắc tinh.

Trong một bài bình luận, Hoàn Cầu thời báo cho rằng lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc Moon Jae In là ứng cử viên sáng giá và kêu gọi Seoul “xét lại” kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn THAAD.

Theo M.T (tổng hợp)

An ninh thế giới