Chính trị gia Pháp: NATO đang kéo EU vào Thế chiến 3
(Dân trí) - Chính trị gia Pháp cảnh báo NATO đang lôi Liên minh châu Âu (EU) vào Thế chiến 3 khi đưa ra tuyên bố về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
"Những tuyên bố của NATO là bước đi cuồng loạn dẫn tới Thế chiến ba chống lại Nga. Mọi tuyên bố đều vô cùng nghiêm trọng và dẫn đến hậu quả. NATO đã chính thức từ bỏ vị thế "liên minh phòng thủ" - vốn đã bị bác bỏ trên thực tế - đó là tuyên chiến!", Florian Philippot, lãnh đạo đảng Yêu nước của Pháp và là ứng cử viên trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới, bình luận trên mạng xã hội X hôm 28/5.
Chính trị gia Pháp kêu gọi nước này rút khỏi liên minh NATO.
"Muốn ở lại NATO đồng nghĩa với việc Pháp sẽ bị kéo vào Thế chiến 3 vô thời hạn. Hãy chấm dứt sự điên cuồng này, hãy đứng lên vì hòa bình, không cấp thêm euro hay vũ khí cho Ukraine!", ông Philippot tuyên bố.
Bình luận của chính trị gia Pháp được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước hối thúc các thành viên của liên minh cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine dùng vũ khí phương Tây viện trợ để tập kích Nga. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của Anh, Séc, Estonia, Hà Lan, Latvia.
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhân chuyến thăm Đức ngày 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Ukraine có thể được phép tập kích các mục tiêu quân sự nhất định bên trong lãnh thổ Nga, nơi Moscow dùng để phóng tên lửa vào Ukraine.
"Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho phép họ (Ukraine) vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được bắn đi, các địa điểm quân sự mà Ukraine bị tấn công. Nhưng chúng ta không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác ở Nga", ông Macron nói.
Về phần mình, Thủ tướng Scholz cho hay, ông nhất trí với ông Macron rằng chừng nào Ukraine tôn trọng các điều kiện do các quốc gia cung cấp vũ khí đưa ra, bao gồm cả Mỹ, cũng như luật pháp quốc tế, thì nước này được phép tự vệ.
Đến nay, lãnh đạo phương Tây vẫn khá chia rẽ về việc có nới lỏng yêu cầu với Ukraine về sử dụng vũ khí viện trợ hay không. Các nước như Mỹ phát tín hiệu ủng hộ, nhưng không rõ ràng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước nói rằng, Ukraine phải tự đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến bên ngoài biên giới của mình.
Trước kia, chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố Kiev sẽ không dùng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu bên ngoài biên giới, thay vào đó, chỉ sử dụng vũ khí nội địa. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, giới chức Ukraine liên tục gây sức ép với các đối tác, hối thúc họ cho phép Kiev tập kích mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi tuần này thông báo Kiev đã ký thỏa thuận cho phép các huấn luyện viên quân sự của Pháp đến các trung tâm huấn luyện của Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo kịch bản phương Tây đưa quân vào Ukraine hay cho phép Kiev tấn công vào Nga có thể kéo theo xung đột toàn cầu.
Ông Putin lập luận, các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí tầm xa sẽ cần sự trợ giúp về vệ tinh, tình báo và quân sự của phương Tây, vì vậy phương Tây sẽ phải trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công như vậy.