1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chính sách với Trung Quốc của ông Biden ra sao nếu đắc cử?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nếu đắc cử tổng thống Mỹ 2020 vào ngày 3/11 tới, ông Joe Biden có thể sẽ tham vấn ý kiến của các đồng minh khi tung đòn thuế quan với hàng hóa Trung Quốc.

Chính sách với Trung Quốc của ông Biden ra sao nếu đắc cử? - 1

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn lời các cố vấn hàng đầu của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden ngày 28/10 cho biết, nếu đắc cử, ông Biden sẽ ngay lập tức tham vấn các đồng minh chính của Mỹ trước khi quyết định tương lai của các biện pháp thuế quan do Mỹ áp đặt lên Trung Quốc. Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ tìm kiếm “sức mạnh tập thể” cùng các đồng minh để củng cố lực lượng đối phó với Bắc Kinh nếu ông trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Trả lời phỏng vấn Reuters 6 ngày trước cuộc bầu cử chính thức 3/11, hai trợ lý của ứng viên đảng Dân chủ nói rằng bước đầu tiên của ông Biden khi lên nắm quyền là không lặp lại sai lầm của Tổng thống Donald Trump khi áp thuế đối với hàng hóa châu Âu và Canada như một phần trong chính sách “Nước Mỹ là số 1”, khiến các đối tác then chốt của Mỹ phản đối.

“Thất bại của chính quyền Trump là đã hành động một mình. Và chính điều đó tạo cho Trung Quốc một lối thoát hiểm”, Jeffrey Prescott, cựu quan chức chính sách đối ngoại cấp cao trong chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhận định.

Tuy nhiên, các cố vấn không tiết lộ liệu ông Biden, nếu đắc cử, có sẵn sàng hướng tới việc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc, vốn được Tổng thống Donald Trump sử dụng trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hay không.

“Ông ấy sẽ không đưa ra bất kỳ quan điểm vội vàng nào khi chưa nhìn nhận chính xác điều mà chúng tôi được thừa hưởng. Tuy nhiên, việc tham vấn các đồng minh sẽ là trọng tâm (đối với ông Biden)”, ông Prescott cho biết.

Cuộc chiến thương mại

Xung đột thương mại chỉ là một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng Mỹ - Trung khi mối quan hệ giữa hai nước đã xuống mức thấp nhất suốt hàng chục năm qua trong hàng loạt vấn đề gồm đại dịch Covid-19, Hong Kong, đánh cắp tài sản trí tuệ, Đài Loan và Biển Đông…

Trung Quốc cũng là chủ đề trọng tâm về chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Trong các cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Trump thường tuyên bố rằng ông Biden sẽ có cách tiếp cận “mềm” hơn với Trung Quốc.

Ông Biden phản bác tuyên bố trên, khẳng định ông sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn cả ông Trump và không sợ phải sử dụng các rào cản thương mại, tuy nhiên ông chỉ dùng chúng trong trường hợp cần thiết. Ví dụ, ông Biden từng nói với liên đoàn công nhân ngành thép hồi tháng 5 rằng thuế thép và nhôm sẽ vẫn được duy trì cho đến khi đàm phán được một giải pháp toàn cầu nhằm hạn chế tình trạng sản xuất dư thừa, chủ yếu ở Trung Quốc.

Dù không đưa ra bằng chứng, song ông Trump và các trợ lý cho rằng chính Trung Quốc đang phải trả thuế cho Mỹ. Ông Trump cũng nói rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký với Trung Quốc hồi tháng 1 là một bước tiến lớn, nhưng các chuyên gia cho biết tổng số lượng hàng hóa Trung Quốc mua của Mỹ thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong năm đầu tiên thực hiện thỏa thuận.

Theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ, hàng loạt thuế quan do chính quyền Trump áp đặt đối với 370 triệu USD hàng hóa Trung Quốc trong năm 2018 và 2019 đã khiến các nhà nhập khẩu Mỹ thiệt hại hơn 60 triệu USD và chính các đòn thuế này đã làm giảm tính cạnh tranh của ngành sản xuất Mỹ.

Tuy nhiên do sự nhạy cảm về chính trị của việc nới lỏng sức ép từ Mỹ đối với Trung Quốc, các câu hỏi về khả năng ông Biden sẽ hành động nhanh chóng nhằm giảm thuế nếu ông đắc cử vẫn còn để ngỏ.

Các cố vấn khẳng định ông Biden trước tiên sẽ muốn bàn bạc với các đồng minh của Mỹ thay vì đơn phương hành động về thương mại như cách Tổng thống Trump từng làm.

“Có thể bắt đầu bằng việc không áp thuế đối với hàng hóa châu Âu và Canada, thay vào đó là làm việc với họ về vấn đề thương mại”, Brian McKeon, cựu cố vấn Nhà Trắng và Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Obama, nhận định.

Theo ông Prescott, việc tham vấn các đồng minh ngay lập tức là cần thiết “để xác định các lĩnh vực mà chúng ta có thể tạo ra sức mạnh tập thể nhằm đối phó với Trung Quốc”. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ đã bị Tổng thống Trump gạt sang một bên, thậm chí bị chỉ trích, và điều đó khiến cho khả năng ứng phó với Trung Quốc bị yếu đi.