Chính sách đối với Ukraine: Ông Obama đang ở "ngã ba đường"
Các cuộc tấn công bạo lực của lực lượng nổi dậy ủng hộ Nga đang đặt ra những yêu cầu buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama cần phải có những quyết định khó khăn và gấp rút.
Tuy nhiên, giới chức thân cận cho rằng ông sẽ vẫn tiếp tục giữ thái độ thận trọng thường thấy khi đưa ra những quyết sách tiếp theo.
Người ta đang đưa ra không ít dự đoán về các hành động sắp tới của vị Tổng thống da màu này. Liệu Tổng thống Obama có cung cấp những loại vũ khí sát thương cho chính phủ Kiev được phương Tây hậu thuẫn để chống chọi lại cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại châu Âu trong vòng hai thập kỷ trở lại đây hay không?
Nhiều nhà lập pháp Mỹ và cả một số cố vấn riêng của ông Obama đều đang kêu gọi hiện thực hóa điều này. Tuy nhiên, nếu kế hoạch này được triển khai, một cuộc chiến tranh “mượn tay người” với Nga và mâu thuẫn giữa Washington với châu Âu hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Các quan chức Mỹ, đề nghị giấu tên, nói rằng Tổng thống Obama sẽ cân nhắc các lựa chọn một cách cẩn trọng và sẽ không vội vã đưa ra quyết định. Trong khi đó, hiện đang có không ít chỉ trích nhằm vào chính quyền của Tổng thống Obama.
Ngày 9/2 tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel - người đã thảo luận sáng kiến hòa bình với ông Putin hôm 6/2, và nhấn mạnh rằng bà phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine.
Theo dự kiến, bà Merkel, ông Putin cùng các nhà lãnh đạo Pháp và Ukraine sẽ có thêm các cuộc đàm phán hòa bình vào ngày 11/2 tới.
Trong bối cảnh giải pháp ngoại giao vẫn đang là ưu tiên hàng đầu, người ta cho rằng Tổng thống Obama nhiều khả năng sẽ không cân nhắc việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, lãnh đạo Mỹ và Đức có thể tìm thấy một số điểm chung, như áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga - vốn là biện pháp chủ yếu mà ông Obama sử dụng để đối phó với Moskva trong suốt cuộc khủng hoảng kéo dài gần một năm qua.
Mặc dù vậy song những lời nói khá cương quyết từ phía các cố vấn của ông Obama đang khiến nhiều người dự đoán về khả năng Mỹ có những phản ứng mạnh mẽ hơn. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 7/2, Phó Tổng thống Joe Biden khẳng định: "Người dân Ukraine có quyền tự bảo vệ chính mình".
Nếu xét theo những gì từng diễn ra trong quá khứ, người ta cho rằng ông Obama sẽ không đoái hoài gì tới những lời kêu gọi nhanh chóng hành động, và thay vào đó là tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhóm cố vấn vòng trong để tự đưa ra quyết định của mình.
Mùa Hè năm 2012, Ngoại trưởng Hilary Clinton, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ David Petraeus và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng ủng hộ kế hoạch vũ trang quân nổi dậy ở Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã phản đối đề xuất này.
Tổng thống Obama đã hết sức tránh đặt ra "các giới hạn đỏ" đối với cuộc chiến tại Ukraine, song áp lực đang ngày càng gia tăng đòi hỏi ông phải có cách hành xử cương quyết hơn nữa. John Herbst - Đại sứ Mỹ tại Ukraine giai đoạn 2003-2006 - cho rằng "sự thận trọng cố hữu của ông Obama đã giúp ông và nước Mỹ có cách hành xử hợp lý tại Trung Đông... song việc ông áp dụng lối suy nghĩ quen thuộc vào vấn đề Ukraine lại không hề hiệu quả".
Theo ông Herbst, điều khác biệt là ở chỗ trong khi Washington phải chật vật tìm các đồng minh đáng tin cậy tại Libya thời hậu cách mạng hoặc tại Syria, thì họ đã có "một đối tác có thể chấp nhận được" trong chính quyền Kiev được phương Tây hậu thuẫn.
Ông Herbst, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, cũng là một trong các tác giả - gồm các quan chức Mỹ đã nghỉ hưu - của bản báo cáo vừa được công bố hồi đầu tháng, kêu gọi hỗ trợ vũ khí cho chính quyền Kiev và cung cấp khoản viện trợ thường niên 1 tỷ USD trong vòng ba năm tới để tăng cường khả năng quốc phòng của quốc gia thuộc Liên bang Xôviết trước đây này.
Các quan chức Mỹ nói rằng Tổng thống Obama đã nhận được không ít đề xuất, trong đó chỉ ra cả những ưu và nhược điểm của việc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, như các loại vũ khí chống tăng, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Một số cố vấn hàng đầu của ông Obama, bao gồm cả ông Ashton Carter - nhân vật được lựa chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp theo - ngày càng ủng hộ khả năng vũ trang quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Obama là bà Susan Rice lại nhấn mạnh tới những nguy cơ có thể xảy ra. Bà Rice nói: "Đó là những đề xuất thiếu cân nhắc". Bà cho rằng việc vũ trang cho chính quyền Ukraine cần được cân nhắc "một cách thận trọng với sự tham vấn và phối hợp của các đối tác, bởi sự thống nhất với họ là nhân tố chính giúp làm nên sức mạnh trong cuộc chiến chống lại sự hung hăng của Nga".
Ông Stephen Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine và hiện đang làm việc tại Viện Brookings, cho rằng Tổng thống Obama có thể lựa chọn "một giải pháp trung tính", đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho Ukraine, song chỉ cung cấp một số loại vũ khí sát thương mà không phải là tất cả các loại.
Michael McFaul - người hồi năm ngoái đã từ nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại Moskva - trả lời phỏng vấn trên chương trình "Gặp gỡ báo chí" của kênh truyền hình NBC rằng Tổng thống Obama sẽ hỗ trợ vũ khí cho Ukraine song cuộc khủng hoảng Đông-Tây sẽ kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm nữa. Ông nói: "Tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu le lói nào về một giải pháp triệt để trong ngắn hạn cho cuộc xung đột này".
Theo TTK/baotintuc.vn