1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính quyền Tokyo bắt đầu khảo sát quần đảo tranh chấp

(Dân trí) – Ngày 2/9, đoàn khảo sát của chính quyền thành phố Tokyo đã chính thức bắt tay tiến hành các hoạt động khảo sát đầu tiên tại vùng biển ngoài khơi quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh quyết định trao công hàm phản đối.

  Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhìn từ tàu Nhật Bản.

  Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhìn từ tàu Nhật Bản.

 

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản xác nhận hoạt động khảo sát đã được tiến hành ở ngoài khơi quần đảo đang tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Hoạt động này là một phần trong kế hoạch của chính quyền Tokyo muốn mua lại 3 đảo thuộc quần đảo tranh chấp.

Tin cho biết đoàn khảo sát gồm 25 người, đã tiến hành kiểm tra chất lượng nước xung quanh 3 đảo Uotsuri, Kitakojima và Minamikojima.

Dự kiến, hoạt động khảo sát này kéo dài hơn 9 giờ và kết thúc vào lúc 15h45' theo giờ địa phương (13h45’theo giờ Việt Nam).

Chính quyền Tokyo có kế hoạch sẽ tiến hành thêm một cuộc khảo sát nữa vào tháng 10 tới và Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đã tỏ ý sẵn sàng tham gia cuộc khảo sát này.

Trung Quốc gửi công hàm phản đối

Cũng theo Kyodo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi công hàm cho Nhật Bản để phản đối hoạt động khảo sát trên của chính quyền Tokyo.

Công hàm khẳng định lại lập trường của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền đối với Điếu Ngư/Senkaku.

“Bất cứ hành động đơn phương nào của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp cũng là hành động trái phép và không có hiệu lực”, công hàm ghi rõ.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp bùng phát sau khi chính quyền Tokyo và sau đó là chính phủ Nhật Bản tuyên bố kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo không người ở này.

Căng thẳng tiếp tục dâng cao vào tháng 8 vừa qua khi công dân hai nước lần lượt đến đảo Uotsuri, hòn đảo lớn nhất của Senkaku/Điếu Ngư.

Trụ sở Hội giao lưu Nhật Bản tại Đài Loan bị tấn công

Căng thẳng Trung – Nhật đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình chống Nhật tại nhiều thành phố của Trung Quốc.

Gần đây nhất, một số kẻ phá hoại chưa rõ danh tính còn bôi bẩn và viết “những lời lẽ thô tục” lên biển hiệu gắn bên ngoài trụ sở Hội giao lưu Nhật Bản, cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản tại Đài Loan, Trung Quốc.

Sự việc xảy ra vào khoảng 21h30’ ngày 31/8.

Ngay sau đó, Hội giao lưu Nhật Bản đã gửi kháng nghị phản đối đến Hội quan hệ Đông Á, cơ quan có liên quan với Cục Ngoại giao Đài Loan, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương điều tra vụ việc.

Ngày 1/9, Đại diện Hội quan hệ Đông Á đã ra tuyên bố “lấy làm tiếc" về vụ việc trên, đồng thời kêu gọi người dân Đài Loan bày tỏ quan điểm bằng các biện pháp ôn hòa, hợp lý.

Ngoài ra, Hội quan hệ Đông Á cũng yêu cầu lực lượng cảnh sát thắt chặt an ninh bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Đài Loan, tránh tái diễn các vụ tấn công tương tự vụ xe của Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc bị gây rối hồi cuối tháng trước.

Đức Vũ
Theo Kyodo