1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính quyền Biden sẽ làm gì để ngăn chặn nguy cơ bị Trung Quốc "vượt mặt"?

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Lên nắm quyền khi kinh tế toàn cầu suy thoái và nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, chính quyền Biden đối mặt với nhiều thách thức, mà một trong số đó là nguy cơ Trung Quốc "vượt mặt" trong tương lai không xa.

Chính quyền Biden sẽ làm gì để ngăn chặn nguy cơ bị Trung Quốc vượt mặt? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)

Trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã thực hiện cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh nhằm ngăn chặn nguy cơ trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã "vượt mặt" Mỹ trên nhiều phương diện, từ kinh tế, công nghệ đến quân sự…

Kinh tế và công nghệ

Theo kết quả của một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER), nền kinh tế Trung Quốc khả năng cao vượt qua Mỹ trong năm 2028 hoặc 2029, khi Bắc Kinh "trỗi dậy mạnh mẽ" sau đại dịch Covid-19.

Trung Quốc thành công trong kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021, với tăng trưởng GDP có thể lên tới 8% và sớm trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán khoảng 3% trong năm 2035; quy mô nền kinh tế sẽ đạt 41.800 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người khoảng 28.000 USD. Còn tại Mỹ, năng suất lao động giảm sút sẽ là tác nhân chính kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 1% trong năm 2035.

Nếu dịch bệnh lây lan mạnh, tốc độ tăng tưởng kinh tế của Mỹ sẽ thấp hơn đáng kể so với trong viễn cảnh tiêu chuẩn. Trong khi đó, Trung Quốc mặc dù dễ bị tổn thương trong bối cảnh thương mại sụt giảm, nhưng lại được bù đắp bởi các khoản tiền đầu tư cho nghiên cứu, do đó, vẫn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.

Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét gia nhập CPTPP. Nếu thành công, Bắc Kinh sẽ có bước chuyển sang thế chủ động và hoàn toàn có khả năng thay thế Mỹ trong việc viết luật chơi mới không chỉ tại châu Á-Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Về công nghệ, theo báo cáo của ChinaPower, Trung Quốc đã dần trở thành nhà cung cấp đất hiếm trên toàn cầu, trong đó có 17 loại nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất smartphone, xe điện và nhiều công nghệ tiên tiến khác. Do đó, Trung Quốc đã thắng Mỹ trong trận đầu của "chiến tranh công nghiệp".

Trong cuộc chiến 5G, Mỹ đã ra sức cấm vận Huawei, tuy nhiên theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu New Centre: "Mỹ, quốc gia từng thúc đẩy thế giới triển khai rất nhiều công nghệ, đang tụt lại phía sau trong cuộc đua 5G. Trung Quốc đang chạy nước rút để có thể cán đích trước".

Theo một thống kê tại "Hội nghị internet thế giới 2020", Mỹ cũng bị Trung Quốc vượt về bằng sáng chế AI trong năm 2019, với hơn 30.000 bằng sáng chế, tăng 52,4% so với năm 2018, vượt Mỹ về số lượng đăng ký mới.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác như hàng không, vũ trụ, sinh học, lượng tử, robot..., Trung Quốc có nhiều lợi thế từ nguồn vốn của chính phủ, nguồn dữ liệu dồi dào, dễ khai thác hơn so với Mỹ.

Một cuộc điều tra của Reuters, cho thấy dưới thời Trump, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về quyền lực và ảnh hưởng với các nước Mỹ Latinh, vốn được coi là "sân sau" của Mỹ. Bắc Kinh đã nắm bắt cơ hội đại dịch Covid-19, viện trợ hàng tỷ USD để thắt chặt mối quan hệ trên khắp khu vực này.

Lĩnh vực quân sự

Báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc chỉ rõ, Bắc Kinh đang chiếm ưu thế so với Washington trên 3 lĩnh vực quân sự quan trọng: đóng tàu, tên lửa đất đối đất và phòng không.

Mỹ không sở hữu vũ khí tương tự như của Trung Quốc ngoài các tên lửa tầm ngắn MGM-140 ATACMS. Trung quốc có nhiều loại tên lửa hành trình và đạn đạo, đặc biệt là DF-26, DF-17, DF-10/10A. Kho hệ thống phòng thủ của Trung Quốc cũng đa dạng hơn so Mỹ, bao gồm các hệ thống phòng không thế hệ mới, các radar tầm xa. Bắc Kinh còn mua S-300 và S-400 của Nga.

Trung Quốc đang tập trung phát triển năng lực và nhận thức để vận hành "các hệ thống phá hủy trong chiến tranh". Năng lực này gồm kho tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, có các hệ thống truy đuổi mục tiêu tiên tiến có khả năng xâm nhập vào các mạng lưới phòng thủ của Mỹ. 

Theo một báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về Quân đội Trung Quốc hồi tháng 9/2020, Bắc Kinh có thể tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân trong vòng một thập kỷ tới. Tướng Lục quân Mỹ Mark Milley cảnh báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về quân sự.

Không chỉ Lầu Năm Góc đưa ra cảnh báo, mà đa số người châu Âu cũng tin Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ. Kết quả khảo sát được công bố ngày 19/1 vừa qua, có tới 60% người châu Âu tin rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong 10 năm tới và trở thành quốc gia lớn mạnh hàng đầu thế giới.

Và đối sách?

Chính quyền Biden được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bao gồm chính sách nhằm vào các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, phá giá hàng hóa, trợ cấp bất hợp pháp và chuyển giao công nghệ mang tính "cưỡng ép" của Trung Quốc, nhưng với cách tiếp cận "kiên nhẫn chiến lược".

Ông Biden tuyên bố không vội rút các biện pháp thuế quan với hàng hóa Trung Quốc và tìm kiếm hướng tiếp cận mới buộc Bắc Kinh phải thay đổi. Hiệp định TPP có thể được khởi động lại nhằm tạo ra đối trọng với Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ sẽ thu hút đồng minh và đối tác quốc tế, cùng nhau hợp tác để có những chiến lược hữu hiệu nhằm ngăn chặn, kìm hãm, bao vây Trung Quốc. Ông Biden cam kết: "Một ưu tiên lớn của tôi trong những tuần đầu tiên trên cương vị tổng thống là cố gắng đưa chúng ta trở lại cùng một trang với các đồng minh".

Theo các chuyên gia, có khả năng chính quyền Biden sẽ tìm con đường "ngoại giao mềm" với các nước như Iran, thậm chí kể cả Triều Tiên để tập trung sức lực đối phó với Trung Quốc. Đồng thời, Washington sẽ coi trọng hơn đến khu vực Mỹ Latinh để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực này.

Về quân sự, theo Tướng lục quân Milley, để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ phải phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế của mình, chuẩn bị các động thái phòng thủ và tấn công trong các chiến dịch trên mạng và ngoài không gian, tiếp tục các hoạt động hải quân chung giữa Mỹ và các đồng minh, tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, nhưng chính quyền Biden đang đối mặt với không ít khó khăn trong việc ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chẳng hạn, việc kêu gọi thành lập "mặt trận chung" đang vấp phải tâm lý hoài nghi Mỹ của nhiều người châu Âu; Trung Quốc dường như đã xây dựng được "niềm tin" đối với khu vực Mỹ Latinh và rất khó bị "hất cẳng" khỏi khu vực này…

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều thập niên làm chính trị, Biden và chính quyền mới của ông có thể sớm khôi phục nền kinh tế, kết nối lại và tăng cường khối liên minh, đẩy lùi nguy cơ bị Trung Quốc "vượt mặt".