Chính phủ Mỹ đóng cửa phủ bóng đen lên Thượng đỉnh APEC
(Daan trí) - Phiên họp thượng đỉnh các lãnh đạo APEC hôm nay (7/10) đã khai mạc tại Bali, Indonesia trong “bóng mây” tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu, lại bị phủ thêm bóng đen của sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa vì thiếu ngân sách.
Việc chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động một phần đã khiến Tổng thống Barack Obama không thể tới dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Vấn đề này đã khiến các đồng minh của Mỹ không khỏi lo ngại vào một thời điểm Trung Quốc đang lớn mạnh, còn Washington tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng, gồm 12 nước mà không có Bắc Kinh.
Sự vắng mặt của ông Obama tại APEC và hội nghị cấp cao Đông Á sau đây tại Brunei đã khiến sân khấu chính của sự kiện hoàn toàn bỏ ngỏ cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang công du các nước trong khu vực và sẽ có một buổi gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp APEC trong hôm nay.
Thông điệp bài phát biểu của ông Tập là: “Trung Quốc trong thời kỳ chuyển giao: Châu Á - Thái Bình Dương có thể mong đợi gì?” Một số người đang kỳ vọng vào một sự lớn mạnh đột phá về kinh tế. Những người khác lại đang theo dõi một cách lo lắng trước những tuyên bố chủ quyền ở rất xa của Bắc Kinh, có thể làm khu vực thêm bất ổn, và muốn có sự đảm bảo từ Washington.
Tuy vậy, có lẽ nước Mỹ vẫn chưa được trang bị đầy đủ để thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới trong bối cảnh họ còn đang đối mặt với thách thức lớn hơn cả việc chính phủ đóng cửa, đó là khả năng nước này vỡ nợ với số nợ khổng lồ, nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công trước ngày 17/10.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định tại Bali rằng: “trần nợ công đó phải được xem xét lại, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”.
Khủng hoảng ngân sách tại Mỹ diễn ra vào đúng thời điểm mà, theo đánh giá của các Bộ trưởng ngoại giao và thương mại APEC, nền kinh tế thế giới khó có thể chịu thêm những bất ổn sau khủng hoảng tài chính 2008.
Trước thềm tuyên bố thượng đỉnh cuối cùng được đưa ra vào ngày mai (8/10), các Bộ trưởng nhận định “tăng trưởng toàn cầu vẫn quá yếu, rủi ro đi xuống vẫn hiện diện và triển vọng cho thấy tăng trưởng có thể chậm hơn, kém cân bằng hơn mong muốn”.
Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Jakarta của Indonesia, ông Tập đồng ý rằng “kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tái điều chỉnh sâu”, nhưng ông khẳng định Trung Quốc sẵn sàng là người dẫn đường với tư cách là một phần của “khu vực năng động và nhiều tiềm năng nhất thế giới”.
Thời hạn chót “rất khó khăn”
Trước khi hủy chuyến công du nước ngoài, Tổng thống Mỹ đã dự định bày tỏ sự ủng hộ của mình trong một loạt vòng đàm phán với các quốc gia tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Bali vào ngày 8/10.
Tuy nhiên, những hoài nghi về TPP đang gia tăng, cũng như hoài nghi về chính sách đối ngoại “xoay trục” sang châu Á của ông Obama.
Việc tham dự APEC “lẽ ra đã là thời cơ vàng cho Mỹ và Tổng thống Obama thể hiện vai trò lãnh đạo trong bối cảnh đặt trọng tâm mới hướng về châu Á”, thủ tướng Malaysia Najib nói.
Những tranh cãi thường thấy trong mọi thỏa thuận thương mại, ví dụ như khả năng tiếp cận thị trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng đang xuất hiện trong các vòng đàm phán TPP, và Malaysia cho rằng thời hạn chót vào cuối năm nay là “rất khó khăn”.
Trong khi đó Australia, một đồng minh của Mỹ và cũng là thành viên TPP lại có những phát biểu trung hòa với Trung Quốc, bởi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc được “tiếp sức” bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Australia.
“Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc có lợi cho thế giới chứ không phải thách thức”, tân thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình. “Chắc chắn rằng sự thịnh vượng của Australia có một phần đóng góp lớn từ tăng trưởng nhanh trong thương mại giữa hai nước”.
Ở quy mô của APEC, vốn trải rộng khắp Thái Bình Dương, từ Đông Á và Australia tới Mỹ và Mexico, 21 thành viên đã đồng ý về một thời gian biểu xa hơn, đến năm 2020, cho một loạt các mục tiêu thương mại không có tính ràng buộc, vốn đã không thể tiến triển trong các cuộc họp thượng đỉnh trước.
Dù vậy sự gắn kết đó sẽ bị phá vỡ vào thứ Ba tới, khi toàn bộ các nhà lãnh đạo, ngoại trừ ông Obama, sẽ có buổi chụp ảnh chung trong bộ trang phục truyền thống của nước chủ nhà Indonesia.
Thanh Tùng
Theo AFP