1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính phủ mới tại Pháp “thoát hiểm” gang tấc

(Dân trí) - Chính phủ mới của tân Thủ tướng Manuel Valls đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội với tỷ lệ sít sao, bất chấp những bất đồng trong nội bộ gần đây về những biện pháp kinh tế khắc khổ.

Tổng thống Hollande và thủ tướng Valls đang chịu nhiều chỉ trích
Tổng thống Hollande và thủ tướng Valls đang chịu nhiều chỉ trích
 
Các nghị sỹ tại quốc hội Pháp ngày 16/9 đã bỏ phiếu với tỉ lệ 269 phiếu thuận, 244 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu về các chính sách của chính phủ.

Trước đó thủ tướng Valls đã bảo vệ những cải cách mà nội các của ông đưa ra, cho rằng nó không nhằm mục đích hủy hoại phúc lợi xã hội.

Theo kết quả thăm dò dư luận, hiện tỷ lệ cử tri ủng hộ Tổng thống Francois Hollande chỉ còn 13%, với gần 2/3 số người được hỏi muốn ông từ chức.

Uy tín của ông Hollande đã bị giảm sút do sự bất đồng trong nội các, và bị chỉ trích trong một cuốn sách do cựu đệ nhất phu nhân Valerie Trierweiler xuất bản.

Ông cũng đối mặt với sự trở lại chính trường của cựu Tổng thống theo đường lối trung tả Nicolas Sarkozy.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua do chính thủ tướng Valls đề nghị thực hiện, nhằm vận động sự ủng hộ đối với các kế hoạch kinh tế của chính phủ, và cũng là để loại bỏ những người đối lập trong nội bộ đảng mình.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, ông Valls thừa nhận nội các đã đánh mất sự tin cậy của nhiều cử tri. “Tôi biết công chúng pháp không còn tin vào chúng tôi – họ đã chán trường với những bất ngờ chính trị trong vài tuần qua; điều này thật đáng xấu hổ”, ông Valls nói. “Nhưng nhiệm vụ duy nhất của tôi đó là tiến lên phía trước và quản lý”.

Tâm điểm của những tranh cãi chính trị hiện tại là kế hoạch cắt giảm chi tiêu và các chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, vốn đã gây bất đồng sâu sắc trong đảng Xã hội Pháp. Nhiều nghị sỹ cảnh tả trong đảng này đã đe dọa bỏ phiếu trắng trước cuộc bỏ phiếu.

Ngoài tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10% cùng tăng trưởng kinh tế èo uột, chính phủ Pháp còn đang phải thừa nhận rằng họ sẽ không thể đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần cho phép của EU trước năm 2017.

Trong khi đó, dự kiến cuối tuần này, ông Sarkozy sẽ trở lại chính trường, với mục tiêu lãnh đạo đảng UMP đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017.

Các nguồn tin cho biết ông Sarkozy quyết định trở lại do “sự yếu kém” của Tổng thống Francois Hollande, cũng như sự thiếu vắng một lãnh đạo cho phe đối lập, trong khi đảng Mặt trận dân tộc đang ngày càng nổi lên.

Thanh Tùng
Theo BBC