1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến tranh thế giới thứ hai - bài học còn nguyên giá trị

Tuần này, nước Nga nói riêng và thế giới nói chung kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai - cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất và tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Bảy thập kỷ đã trôi qua sau khúc khải hoàn vinh quang của quân dân Liên Xô, nhưng những bài học về tinh thần yêu nước, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên giá trị.

Cuộc chiến khốc liệt

Chiến tranh thế giới lần thứ hai chính thức bùng nổ vào ngày 1/9/1939, khi phát xít Đức gây chiến, tấn công Ba Lan, thống trị hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa. Đại bộ phận giai cấp tư bản cầm quyền của các nước châu Âu đã nhanh chóng đầu hàng, biến thành tay sai cho phát xít Hitler chống lại tổ quốc. Đồng thời với cuộc tấn công của Đức, quân phiệt Nhật và phát xít Italy đã tiến hành xâm lược những thuộc địa cũ của Hà Lan, Anh, Pháp tại châu Á, châu Phi, Trung Đông.

Chiến tranh thế giới thứ hai - bài học còn nguyên giá trị
Người thân của các cựu chiến binh tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ hai đặt hoa tại bức tường tưởng niệm các liệt sỹ chống phát xít ở Stavropol. (AFP/TTXVN)

Tháng 6/1941, Đức đơn phương hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm, tấn công Liên Xô với chủ trương tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng nhằm bao vây và tiêu diệt các lực lượng chủ chốt của Hồng quân Liên Xô trước khi mùa đông đến. Nhưng phát xít Đức hoàn toàn bị bất ngờ trước sự anh dũng, chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô, đập tan sự hoang đường thống trị thế giới và kế hoạch “chiến tranh thần tốc” thôn tính Liên Xô.

Mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô liên tiếp mở các đợt tấn công dồn dập trên mặt trận phía Đông và đánh tan các đơn vị chiến lược của phát xít Đức, kết thúc giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô và khôi phục đường biên giới. Trong khi đó, quân đội Mỹ và Anh mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu, cho quân đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiếp tục di chuyển về hướng Tây, giải phóng Romania, Bulgaria, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư, Na Uy… và tiến đến biên giới nước Đức.

Ngày 30/4/1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã bay phấp phới trên tòa nhà quốc hội Đức. Ngày 9/5/1945, thay mặt nước Đức quốc xã, thống soái Field Marshal Keitel ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Xô viết và quân đồng minh. Trong cuộc chiến này, nhân dân và quân đội Xô viết đã không tiếc xương máu với 27 triệu người đã hy sinh, để bảo vệ Tổ quốc và cứu cả châu Âu khỏi thảm họa phát xít, khỏi nguy cơ bị tiêu diệt. Hồng quân Liên Xô đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc và góp phần quan trọng trong việc khôi phục nền văn minh châu Âu và thế giới.

Cảnh giác mầm mống phát xít mới

70 năm về trước, cuộc chiến tranh thảm khốc nhất, diễn ra tại ba châu lục trên Trái đất, đã gây tổn hại lớn cho nhiều nước và cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người. Nhân dân Liên Xô đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề nhất. Nhân loại không thể quên được điều đó và ngọn lửa tưởng nhớ luôn được thắp sáng trong trái tim các thế hệ mai sau. Sự vinh quang, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của tất cả những ai đã trải qua chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít xâm lược mãi mãi bất diệt.

Việc thành lập Liên minh chống phát xít Đức được coi là bước đột phá ngoại giao lớn nhất trong lịch sử thế giới, biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của các dân tộc trên thế giới không cùng ý thức hệ tư tưởng và hệ thống chính trị nhưng đã hợp tác, xiết chặt tay nhau đứng lên đập tan hiểm họa diệt vong nhân loại của chủ nghĩa phát xít. Chiến thắng phát xít ngày 9/5/1945 đã tạo ra những nhân tố thời đại để loại trừ chiến tranh thế giới ra khỏi đời sống loài người. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với các sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít chưa phải đã hoàn toàn diệt vong mà biến tướng sang nhiều hình thức khác nhau như chạy đua vũ khí hạt nhân, xung đột vũ trang, tôn giáo, sắc tộc. Bởi vậy, những bài học của Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 vẫn luôn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bài học tiếp theo đó là cần cảnh giác trước mầm mống của chủ nghĩa phát xít mới. Trong thời gian gần đây, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và kỳ thị sắc tộc đang quay trở lại châu Âu và có nguy cơ trở thành hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn định của thế giới. Ðiều đáng lo ngại hơn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tư tưởng kỳ thị chủng tộc chính là nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa phát xít hiếu chiến, tàn bạo mà Liên Xô và quân đồng minh đã tiêu diệt từ năm 1945.

Ðặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng kỳ thị, bài ngoại, ngày càng trở nên rõ nét ở Ðức với sự trỗi dậy của phong trào cực hữu mang tên "Người châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây" (Pegida). Không chỉ tại Ðức mà ở nhiều quốc gia châu Âu khác, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, xã hội rối ren, số người nhập cư ngày càng tăng thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan được một bộ phận không nhỏ dân chúng ủng hộ. Ngay cả tình hình bất ổn tại Ukraine trong năm 2014 cũng được các nhà phân tích cho là có sự tiếp tay không nhỏ của các phần tử dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phát xít mới.

Ngày nay, mọi người đều hiểu rất rõ rằng, chủ nghĩa phát xít là hiểm họa không chỉ đối với mỗi nước mà còn đối với toàn thể nhân loại. Vì thế, hơn bao giờ hết, châu Âu và thế giới cần cảnh giác trước mầm mống phát xít kiểu mới nguy hiểm này và sớm có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Hãy để bóng ma của chiến tranh trong một tương lai gần chỉ còn là dĩ vãng đối với nhân loại.

Theo Phương Hồ