1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến thuật của Nhật Bản trong cuộc chiến chống Covid-19

(Dân trí) - Đối mặt với đại dịch Covid-19, Nhật Bản đã lựa chọn một cách tiếp cận khác biệt nhằm chống lại dịch bệnh và hạn chế tối thiểu sự xáo trộn đối với cuộc sống hàng ngày.

Chiến thuật của Nhật Bản trong cuộc chiến chống Covid-19 - 1

Olympic Mùa hè 2020 dự kiến được tổ chức tại Nhật Bản đã chính thức hoãn sang mùa hè năm 2021 (Ảnh: Quartz)

Số ca tử vong tại đất nước mặt trời mọc không cao như tại các nước châu Âu. Nhật Bản tới nay ghi nhận 1.499 trường hợp mắc Covid-19 và 49 ca tử vong.

Một quan chức Nhật Bản đã chia sẻ với tờ Asia Times rằng nước này đang triển khai chiến lược riêng để chống dịch Covid-19 một cách trật tự. Với cách tiếp cận này, Nhật Bản cố giữ để đất nước bình tĩnh và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Nhờ đó, hệ thống y tế tránh bị quá tải và có điều kiện tập trung năng lực cứu chữa các trường hợp bị bệnh nặng.

Yếu tố văn hóa “sạch sẽ”

Bộ Y tế Nhật Bản đã cảnh báo người dân tránh xa 3 điều là “khu vực không thông thoáng, đám đông, và tiếp xúc gần”.

Nhật Bản cũng nổi tiếng “nghiện” sạch sẽ. Trong ít nhất 100 năm qua, văn hóa Nhật Bản bao gồm cả việc đeo khẩu trang vì lý do sức khỏe. Người dân Nhật Bản không có xu hướng động chạm vào nhau để thể hiện cảm xúc như tại Pháp hay Italy. Giãn cách xã hội vốn là một phần của nền văn hóa xứ Phù Tang.

Barbara Holthus, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản (của Đức), lưu ý rằng cách chào nhau ở Nhật là cúi, chứ không phải là hôn má hay bắt tay. “Hôn nhau nơi công cộng chỉ bắt đầu sau Thế chiến II. Chuyện các thành viên trong gia đình ôm nhau là ít phổ biến so với phương Tây”, chuyên gia này nói.

Tránh xét nghiệm nếu không cần thiết

Kể từ ngày 6/3, việc xét nghiệm Covid-19 ở Nhật được chi trả bằng bảo hiểm quốc gia. Việc xét nghiệm được tiến hành khi cần, tránh xét nghiệm không cần thiết. Các nhân viên y tế được hướng dẫn ngăn ngừa tình trạng quá tải tại các bệnh viện bằng cách hướng dẫn các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hãy ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác.

Nhật Bản sở hữu hệ thống y tế công cộng rất tốt với giá cả hợp lý. Đa số người dân có thể gặp thầy thuốc ngay khi bắt đầu ốm đau chứ không phải khi tình trạng cơ thể đã xấu đi đáng kể.

Nhật Bản cũng rút kinh nghiệm từ việc điều trị bệnh viêm phổi để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Từ năm 2014, người già trên 65 tuổi ở đây được tiêm vắc xin miễn phí phòng một loại viêm phổi nào đó. Từ năm 2017, số ca tử vong vì viêm phổi ở Nhật đã giảm đáng kể. Việc sử dụng các loại thuốc mới cộng với công nghệ chụp CT trong phát hiện viêm phổi đã góp phần đáng kể vào thành công này.

Nhật Bản có lẽ sở hữu nhiều máy chụp CT nhất thế giới, với tỷ lệ 101 máy trên 100.000 dân. Các máy CT này phát hiện rất tốt các “tổn thương kính mờ” phổ biến ở bệnh viêm phổi do virus, như là Covid-19.

“Chúng tôi cần tập trung vào điều trị các ca nặng... Nếu ai cũng đổ xô đi xét nghiệm, các cơ sở y tế sẽ bị quá tải. Điều này sẽ làm phân tán nguồn lực đáng lẽ phải tập trung vào những ca nguy kịch, và do đó gián tiếp tạo ra nguy cơ y tế lớn hơn”, một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản nói với Asia Times.

“Nếu người dân và các bệnh nhân tập trung ở các bệnh viện và cơ sở y tế đông người, họ sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp. Tức là đến để xét nghiệm nhưng khi đi ra thì có thể bị nhiễm thêm virus. Xét nghiệm khi không cần thiết cũng gây lãng phí nguồn lực, thời gian và tài chính của chính phủ... Hiện chưa có thuốc đặc trị Covid-19. Chúng ta cần trước tiên chăm sóc những người có hệ miễn dịch kém”, quan chức trên nói thêm. 

Trung Hiếu

Theo Asia Times