Chiến sự Nga-Ukraine làm lộ điểm bất lợi "chí mạng" của trực thăng quân sự
(Dân trí) - Sự xuất hiện của các vũ khí hiện tại trong chiến sự Nga - Ukraine làm dấy lên câu hỏi về sự dễ tổn thương của các khí tài hạng nặng - như trực thăng và số phận của chúng trong tác chiến tương lai.
Gần 4 tháng qua, chiến sự Nga - Ukraine đã diễn ra quyết liệt khi các bên mất rất nhiều khí tài hạng nặng như xe tăng, trực thăng, các hệ thống pháo, tên lửa. Sự xuất hiện và khả năng phá hủy của máy bay không người lái (UAV) hay các vũ khí hạng nhẹ đã đặt ra những tranh luận về tầm quan trọng trong hoạt động tác chiến hiện đại của các khí tài hạng nặng, ví dụ như trực thăng.
Trong một bài bình luận gần đây trên tạp chí Aviation Week, một nhà phân tích hàng không và quốc phòng cho rằng những tiến bộ công nghệ về cảm biến và vũ khí phòng không xuất hiện trong chiến sự ở Ukraine là bằng chứng cho thấy các nhiệm vụ tác chiến bằng máy bay và trực thăng dường như đang có xu hướng trở nên kém hiệu quả hơn.
Một trong những ví dụ mà Business Insider liệt kê là vụ Nga tổ chức chiến dịch đổ bộ quy mô lớn bằng trực thăng cho lực lượng nhảy dù xuống sân bay quân sự Hostomel, ngoại ô Kiev hôm 24/2. Hàng chục trực thăng vận tải Mi-8 với trực thăng "cá sấu" Ka-52 yểm hộ đã tham gia vào chiến dịch.
Nga đã kiểm soát được sân bay sau khi 2 bên giằng co quyết liệt và chịu thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên, tới cuối cùng Nga cũng phải rút khỏi khu vực này sau khi Ukraine tổ chức phản công và Moscow gặp khó trong việc tăng viện cho lực lượng kiểm soát khu vực quan trọng về mặt chiến lược của Kiev.
Chuyên gia cho rằng việc Ukraine sử dụng đạn pháo và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) đã cản trở các nỗ lực tiếp viện của Nga tại Hostomel và đã tạo ra mối đe dọa cho hoạt động tác chiến của các trực thăng Nga ở khu vực này.
Trong chiến sự với Nga, Ukraine sử dụng các vũ khí hạng nhẹ như MANPADS hay tên lửa chống tăng chính xác nhằm vào trực thăng Nga khi chúng bay ở độ cao dưới 3.000m.
Các vũ khí hạng nhẹ có thể có giá thành vài trăm nghìn USD mỗi quả, nhưng trực thăng thì có giá tới vài triệu USD. Điểm mấu chốt ở đây là khả năng nhằm mục tiêu chính xác của các vũ khí hạng nhẹ đã khiến các trực thăng trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Theo thống kê của cả 2 bên, Nga và Ukraine đã mất vài trăm trực thăng trong chiến sự kéo dài những tháng qua. Có một số nguyên nhân dẫn tới việc này, ví dụ như các trực thăng thường tác chiến vào ban ngày dẫn tới việc nó dễ bị nhằm mục tiêu hơn so với ban đêm.
Ngoài ra, không phải trực thăng nào tham chiến cũng được trang bị các thiết bị tác chiến điện tử, gây nhiễu để phòng vệ trước hỏa lực chính xác cao của đối phương. Ka-52 của Nga là một trong những không nhiều dòng trực thăng được trang bị thiết bị hỗ trợ phòng thủ và lớp giáp bảo vệ kiên cố, hiện đại.
Việc trực thăng bị các vũ khí hạng nhẹ bắn rơi nhiều đặt ra câu hỏi rằng, liệu vũ khí này có còn được xem là khí tài uy lực, không thể thiếu trong tác chiến tương lai hay không?
Một thắc mắc tương tự từng được đặt ra trước đó khi giới quan sát tỏ ra hoài nghi về hiệu quả tác chiến của xe tăng trong các trận chiến tương lai, khi UAV trong những năm qua đã tạo ra thế thay đổi cuộc chơi, gây ra những tàn phá đáng kể nhờ ưu thế về mặt công nghệ.
Tuy nhiên, vai trò của xe tăng hay trực thăng nhằm chuyển quân đến để giành quyền kiểm soát một khu vực trên thực địa hiện được xem là vẫn chưa thể thay thế và không thể bị xem nhẹ. Ngoài ra, trực thăng cũng có khả năng phá hủy xe tăng, xe thiết giáp, máy bay và mục tiêu có giá trị của đối phương - những nhiệm vụ mà vũ khí hạng nhẹ chưa thể đảm nhận được một cách hoàn toàn.
Vấn đề nằm ở chỗ các xe tăng hay trực thăng đều cần có sự cải tiến về mặt công nghệ hay chiến lược tác chiến để chúng có thể ít tổn thương hơn trên chiến trường.