1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự miền Đông khốc liệt, lãnh đạo Donetsk áp lệnh giới nghiêm

Thành Đạt

(Dân trí) - Người đứng đầu khu vực Donetsk do Nga bổ nhiệm đã áp lệnh giới nghiêm theo một sắc lệnh được công bố hôm 24/9.

Chiến sự miền Đông khốc liệt, lãnh đạo Donetsk áp lệnh giới nghiêm - 1

Ông Denis Pushilin - người đứng đầu chính quyền khu vực ly khai Donetsk (Ảnh: Reuters).

Theo lệnh giới nghiêm do ông Denis Pushilin, người đứng đầu khu vực Donetsk do Nga bổ nhiệm, công bố hôm nay 24/9, người dân bị cấm ra đường hoặc đến những nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 23h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.

Sắc lệnh cũng cấm các cuộc hội họp, tụ tập, biểu tình cũng như các sự kiện tập trung đông người ở các khu vực do Nga kiểm soát tại Donetsk, trừ khi có sự cho phép của cơ quan phụ trách ứng phó với các mối đe dọa quân sự thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.

Sắc lệnh được ông Pushilin ký ngày 18/9 cũng quy định việc "kiểm duyệt của quân đội đối với thư gửi qua đường bưu điện và tin nhắn được truyền qua hệ thống viễn thông cũng như kiểm soát các cuộc gọi qua điện thoại".

Sắc lệnh cũng yêu cầu thiết lập các trạm kiểm soát và chốt an ninh ở biên giới với các khu vực Lugansk và Zaporizhia.

Lệnh giới nghiêm ở Donetsk được công bố trong bối cảnh chiến sự miền Đông leo thang khi Ukraine phát động chiến dịch phản công từ tháng 6.

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết lực lượng Nga đã hạ 110 quân nhân Ukraine ở khu vực phía nam Donetsk trong 24 giờ qua. Ngoài ra, 2 xe chiến đấu bọc thép, 3 xe cơ giới và 2 pháo D-20 cũng bị phá hủy. Nga cũng tuyên bố bắn hạ một trực thăng Mi-8 của Ukraine ở Donetsk.

Thành phố Bakhmut ở Donetsk cũng ghi nhận các cuộc giao tranh khốc liệt trong những ngày gần đây. Bakhmut được xem là một trong những mặt trận đẫm máu nhất, khi lực lượng Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công ở phía bắc và phía nam thành phố nhằm đánh bật các đơn vị Nga khỏi Bakhmut.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật sáp nhập 4 vùng tại Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson, Zaporizhia vào lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Đến nay, Moscow vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn những khu vực này.

Ukraine và các nước phương Tây không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu. Kiev tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ, bao gồm 4 tỉnh trên và bán đảo Crimea - khu vực sáp nhập vào Nga năm 2014. Kiev coi việc Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine là điều kiện tiên quyết cho bất cứ cuộc hòa đàm nào nhằm chấm dứt xung đột.

Tổng thống Putin hồi tháng 4 đã ký sắc lệnh cho phép trục xuất người dân không có hộ chiếu Nga ở các vùng lãnh thổ mới sáp nhập từ Ukraine, nếu những người này bị xác định gây ra mối đe dọa an ninh với Nga.

Sắc lệnh nêu rõ, các mối đe dọa này gồm kêu gọi bạo lực nhằm thay đổi trật tự theo hiến pháp của Nga, lập kế hoạch hoặc tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố, tội phạm cực đoan. Ngoài ra, sắc lệnh còn áp dụng với các trường hợp vi phạm trật tự, an ninh nơi công cộng, bao gồm tham gia các cuộc biểu tình, hội họp, tuần hành trái phép.

Người dân ở các vùng sáp nhập nếu không có hộ chiếu Nga sẽ bị coi là "người nước ngoài" kể từ ngày 1/7 và có thể bị trục xuất, từ chối nhập cảnh, giảm thời hạn lưu trú tạm thời, mất tình trạng tị nạn hoặc nơi ở tạm thời hoặc thu hồi giấy phép cư trú. Trong trường hợp đó, cá nhân vi phạm buộc phải rời lãnh thổ này trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được thông báo.

Tổng thống Putin ngày 1/9 thông báo Nga có kế hoạch phân bổ 1,9 nghìn tỷ rúp (20 tỷ USD) từ ngân sách liên bang trong 2 năm rưỡi tới để phát triển 4 khu vực tại Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập.

Theo Reuters, Tass