1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh Vệ quốc

Có ít nhất 5 người lính tình nguyện Việt Nam từng tham gia chiến dịch bảo vệ thủ đô Moscow của Liên Xô hồi thu đông 1941 – 1942. Trong số đó, chỉ một người duy nhất còn sống sau cuộc chiến và trở về quê hương.

Cả 5 người nói trên ở trong số 11 thanh niên được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đi học tại Liên Xô năm 1938.

Khi Liên Xô có lệnh tổng động viên, cùng với học sinh các nước châu Âu, Trung Quốc và một số nước châu Á khác, họ đã tình nguyện nhập ngũ.

Đó là thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô. Các trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Tất cả họ đã hy sinh, chỉ còn một người sống sót.  

Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên bang Nga với Việt Nam Evgheni Pavlovich Glazunov là một trong những người đã cố gắng tìm hiểu tư liệu liên quan đến những người lính tình nguyện Việt Nam tham gia cuộc chiến Vệ quốc.

5 người này là Vương Thúc Tình (có tài liệu là Vương Thục Chinh), Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Anh Tô), Lý Nam Thanh (tên thật là Nguyễn Sinh Thân), Lý Thúc Chắt (tên thật là Vương Thúc Thoại) và Lý Phú San (tên thật là Lê Phan Châu).

Ngoại trừ ông Lý Phú San, cả 4 người còn lại đều quê ở tổng Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ba ông Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chắt và Lý Anh Tạo sàn sàn bằng tuổi nhau, sinh vào những năm 1908 - 1912. Họ cùng nhau ra nước ngoài, có lẽ là vào năm 1925. Thoạt đầu, ba người sang Thái Lan, sau đó sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc, người sau này trở thành thầy của họ.

Người sống sót duy nhất sau cuộc chiến là ông Lý Phú San. Ông trở về Việt Nam năm 1956 và sau đó công tác tại Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Ông qua đời năm 1980.

Người sống sót duy nhất

Glazunov từng gặp ông Lý Phú San năm 1962. “Con người có vóc dáng nhỏ bé đó chăm sóc vườn cây cho Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội”, Glazunov nhớ lại. “Một lần gặp ông, tôi chào bằng tiếng Việt, còn ông chào lại tôi bằng tiếng Nga”.

Ông San còn có tên là Lê Phan Chấn và Svelton, sinh năm 1900 ở làng Phú Lâm (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây). Năm 1924, ông lên Hà Nội làm đầu bếp cho một thương gia người Pháp. Cùng năm đó, ông cùng với chủ của mình sang Paris.

Năm 1932, ông từ Pháp sang Moscow. Khi có chiến tranh, ông tình nguyện nhập ngũ. Do người thấp bé, nên ông phải kéo lê khẩu súng trường vì nó cao đúng bằng ông. Chính vì vậy, ông được điều động tới một quân y viện làm công việc cứu thương. 

Trong thời gian quân Đức phong toả Moscow năm 1941, ông San tham gia "Lữ đoàn đặc nhiệm môtô độc lập", rồi sau đó chuyển sang làm việc tại một nhà máy điện ở Urals thuộc tỉnh Sverdlov. Về sau này, ông được truy tặng Huy hiệu danh dự dành cho cựu chiến binh của Lữ đoàn đặc nhiệm môtô.

Năm 1985, Liên Xô đã truy tặng huy chương “40 năm Chiến thắng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941 – 1945” cho 5 chiến sĩ tình nguyện. Hơn một năm sau, ngày 12/8/1986, họ được truy tặng huân chương “Chiến tranh Vệ quốc” hạng nhất. Đây là phần thưởng cao quý nhất dành cho những người có công bảo vệ đất nước Liên Xô.

Theo Minh Châu - T. Huyền

Vnexpress