1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Chiến lược ngoại giao giúp Singapore tỏa sáng trên trường quốc tế

(Dân trí) - Là một nước có diện tích nhỏ nhưng tiềm ẩn nhiều sức mạnh, Singapore đã thực hiện chính sách ngoại giao thông minh để giúp nước này đạt được vị thế đáng nể trên trường quốc tế.

Thủ tướng Lý Hiển Long bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Singapore ngày 10/6 (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Lý Hiển Long bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Singapore ngày 10/6 (Ảnh: Reuters)

Singapore, quốc đảo nhỏ bé ở Đông Nam Á, luôn cố gắng duy trì sự thận trọng và chuẩn bị cho tương lai bằng cách xây dựng các mối quan hệ ngoại giao thân thiện với nhiều nước nhất có thể. Singapore cũng luôn giữ lập trường trung lập trong tất cả các vấn đề chính trị.

Theo cây bút Kim Jae-kyoung của Korea Times, chiến lược ngoại giao số một của Singapore là “trung lập và không gây thù” với bất kỳ bên nào. Đây chính là lý do giúp Singapore duy trì quan hệ ngoại giao với cả Hàn Quốc và Triều Tiên trong suốt một thời gian dài.

Cách tiếp cận chiến lược trong quan hệ ngoại giao của Singapore đã được thể hiện rất rõ tại cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở khách sạn Capella trên hòn đảo du lịch Sentosa hôm 12/6.

“Là một nước có diện tích nhỏ, Singapore chắc chắn không thể được coi là một cường quốc. Do vậy, nước này phải lựa chọn các chính sách đối ngoại khôn khéo và một trong số các đó là làm bạn với nhiều quốc gia nhất có thể”, Liang Tuang Nah, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore, nhận định.

Thủ tướng Lý Hiển Long đón ông Kim Jong-un tại Singapore

Theo ông Nah, việc Singapore quyết định gánh trách nhiệm đăng cai hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận của nước này trong chính sách đối ngoại.

Cả Hàn Quốc và Singapore đều từng được xem là hai trong bốn con hổ châu Á, nhưng hai nước đã lựa chọn đi theo những con đường khác nhau kể từ năm 2000. Singapore đã củng cố vị thế của nước này như một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên toàn thế giới, một trung tâm ngoại giao và tài chính toàn cầu. Ngược lại, Hàn Quốc đã không thành công trong việc đạt được tầm nhìn biến Seoul thành trung tâm quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á do hệ tư tưởng tập trung vào nội địa và chiến lược ngoại giao lỗi thời.

“Quyết định tổ chức một trong những sự kiện được xem là quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ - Triều tại Singapore là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng về ngoại giao của nước này”, Suh Chung-ha, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Singapore, cho biết.

Theo ông Suh, hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu Hòa bình Jeju, Singapore giờ đây có thể bổ sung thêm một điểm mạnh nữa vào “hồ sơ lý lịch” của nước này, đó là quốc gia đăng cai tổ chức các sự kiện ngoại giao.

“Khả năng cân bằng khôn khéo của Singapore trong mối quan hệ giữa các cường quốc trong khu vực đã giúp tăng cường sự an toàn và thịnh vượng của nước này. Đó là còn chưa nói tới danh tiếng của Singapore là một quốc gia đi đầu trong nền ngoại giao khu vực, biến Singapore thành lựa chọn lý tưởng cho địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên”, ông Suh nhận định.

Kinh nghiệm tổ chức

Người dân Singapore chụp ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi ông có chuyến tham quan bất ngờ trong đêm tại Singapore (Ảnh: KCNA)
Người dân Singapore chụp ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi ông có chuyến tham quan bất ngờ trong đêm tại Singapore (Ảnh: KCNA)

Những nỗ lực không mệt mỏi của Singapore trong việc đăng cai các sự kiện quốc tế tầm cỡ là một yếu tố quan trọng khiến nhiều nhà lãnh đạo quyết định chọn quốc đảo này làm nơi tổ chức các cuộc họp.

Hàng năm Singapore đều tổ chức những sự kiện quốc tế lớn như Đối thoại Shangri-La hay giải đua xe công thức 1 Singapore Grand Prix. Những kinh nghiệm đã tích lũy được của Singapore giúp nước này được thế giới công nhận là một nơi an toàn để tổ chức các cuộc gặp mặt.

“Chúng tôi đã có kinh nghiệm tổ chức các hội nghị thượng đỉnh lớn trước đây, bao gồm cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần này là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất mà chúng tôi từng đăng cai tổ chức”, Joseph Liow Chin Yong tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho biết.

Điều đáng lưu ý là chiến lược ngoại giao của Singapore không chỉ nằm trong tư duy của các nhà lãnh đạo, mà ngay cả những người dân bình thường cũng nhận thức được điều này.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều thong thả tản bộ tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều thong thả tản bộ tại Singapore (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc gặp với báo chí trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết đất nước của ông sẵn sàng chi trả các khoản chi phí liên quan tới hội nghị thượng đỉnh. Zach Wen, một chủ cửa hàng địa phương, đồng tình với Thủ tướng Lý.

“Là một người Singapore, tôi không nề hà việc chính phủ của chúng tôi sẽ chi trả một phần chi phí cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử. Đây là cơ hội tốt để thể hiện rằng Singapore là một nước nhỏ nhưng có trái tim lớn”, ông Wen nói.

James Bindenagel, Giáo sư về quản trị và an ninh quốc tế tại Đại học Rheinische Friedrich-Wilhelms ở Bonn, Đức tin rằng chính đội ngũ lãnh đạo của Singapore đã đóng vai trò cốt yếu để đưa nước này trở thành một điểm đến trung lập cho các cuộc gặp gỡ.

“Singapore đã trải qua hai thế hệ lãnh đạo xuất sắc và chứng minh vai trò của nước này như một cửa ngõ trung lập giữa phương Đông và phương Tây. Xét đến vai trò của Singapore trong vấn đề Biển Đông cũng như nhận thức của Singapore về sự đóng góp của Mỹ với thương mại quốc tế, Singapore đã thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tại châu Á”, ông Bindenagel nhận định.

Singapore ước tính đã chi 20 triệu đô la Singapore (khoảng 15 triệu USD) cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đổi lại, nước này được nhắc đến và xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông thế giới và các khách sạn hạng sang của Singapore phục vụ hội nghị cũng thu hút sự chú ý đặc biệt.

Uớc tính giá trị quảng cáo, dựa vào số lần xuất hiện của Singapore trên truyền thông trong 3 ngày lãnh đạo Mỹ - Triều lưu lại, khoảng 200 triệu USD, thậm chí có thể lên tới gần 600 triệu USD nếu tính đến hiệu ứng truyền thông từ trước đó. Ngoài lợi ích từ hiệu ứng truyền thông, Singapore được cho là có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ dịch vụ du lịch trong 3 ngày.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm