1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chiến đấu cơ Trung - Ấn đọ sức giành thị trường khu vực

(Dân trí) - Trong một cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, các mẫu máy bay chiến đấu của hai nước sẽ lần đầu tiên tranh tài ở Triển lãm hàng không Bahrain để giành về những hợp đồng hàng tỷ USD, cũng như thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

(Ảnh minh họa: Getty)
(Ảnh minh họa: Getty)

Đây là lần đầu tiên mẫu máy bay chiến đấu do Ấn Độ tự sản xuất sẽ xuất hiện trong một triển lãm hàng không nước ngoài.

Đọ sức với mẫu Tejas của Ấn Độ là mẫu JF-17 Thunder, một dự án phát triển máy bay chiến đấu chung giữa Trung Quốc và Pakistan. Lần ra mắt này của Tejas đang được chú ý vì diễn ra trong bối cảnh những "sức ép" ngoại giao từ Ấn Độ đã buộc Sri Lanka hủy thỏa thuận mua mẫu JF-17 thời gian qua, cản trở tham vọng mở rộng thị trường của Trung Quốc cho mẫu máy bay mà nước này hợp tác phát triển với Pakistan.

Tới nay, Myanmar và Nigeria được cho là hai quốc gia duy nhất quan tâm tới JF-17, hay còn có tên gọi khác là FC-1 Xiaolong. Theo thỏa thuận được công bố hồi tháng 7 năm ngoái, Sri Lanka là "hy vọng sáng nhất" cho JF-17 sau khi Malaysia bác bỏ thông tin cho rằng quốc gia Đông Nam Á này cũng muốn mua JF-17.

Trong khi đó, những nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ cũng gặp không ít trở ngại. Hồi tháng Mười năm ngoái, Ecuador đã hủy hợp đồng mua trực thăng quân sự Dhruv sau khi 4 trong 7 chiếc mà nước này mua từ Ấn Độ gặp tai nạn và số còn lại hiện không được sử dụng.

"Ấn Độ đặt rất nhiều kỳ vọng vào mẫu Tejas nhằm giành lấy thị trường trước sự xuất hiện của JF-17. Mẫu Tejas đang bước vào giai đoạn phát triển cuối cùng trước khi có thể tham gia các chiến dịch. Triển lãm hàng không Bahrain sẽ là cơ hội để mẫu Tejas thể hiện sức mạnh" - Ông C. Uday Bhaskar, một viên tướng đã nghỉ hưu và hiện là Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, nói.

Cả Tejas và JF-17 đều là những mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ, chi phí bảo dưỡng thấp và có giá thành rẻ hơn so với các mẫu máy bay chiến đấu của Nga hay phương Tây.

Nguyên mẫu đầu tiên của chiếc Tejas được giới thiệu vào tháng 1/2001, trong khi mẫu JF-17 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2003. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mẫu Tejas bị lùi lại phía sau so với JF-17.

Hiện mẫu máy bay do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển đã sẵn sàng phục vụ cho các chiến dịch, còn Ấn Độ phải nhiều lần trì hoãn buổi "ra mắt" mẫu Tejas.

Những nỗ lực phát triển và đưa mẫu Tejas sớm ra thị trường chỉ được thúc đẩy dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông luôn ủng hộ cho quá trình phát triển các kế hoạch liên quan tới lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như một phần của chiến dịch "Make in India", qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào các loại vũ khí nhập khẩu.

"Việc Sri Lanka hủy thỏa thuận mua JF-17 đã đặt ra vấn đề cấp bách và nhìn thấy được cho Ấn Độ về việc cần phải tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác trong khu vực", ông Bhaskar đánh giá.

Trước đó, Sri Lanka được cho là đã ký một thỏa thuận mua tới 12 chiếc JF-17 trong chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tới thủ đô Colombo hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Sharif về nước, Bộ Quốc phòng Sri Lanka đã ra thông báo bác bỏ mọi thông tin về thỏa thuận liên quan tới mẫu JF-17.

Hiện chưa có thông tin chính thức xác nhận liệu thỏa thuận nêu trên có vẫn còn hiệu lực, hay liệu Ấn Độ có đã "can thiệp" để Sri Lanka hủy bỏ thỏa thuận.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết Cao ủy Ấn độ tại Sri Lanka, ông Y.K. Sinha đã gặp Ngoại trưởng Sri Lanka Mangala Samaraweera trước chuyến thăm của Thủ tướng Sharif và "bày tỏ những quan ngại của New Delhi".

"Chúng tôi lo ngại về Pakistan hơn cả Trung Quốc nếu Sri Lanka thực hiện thỏa thuận đó. Việc họ mua các máy bay JF-17 sẽ cho phép Pakistan tiếp cận sâu hơn nữa vào lực lượng vũ trang Sri Lanka bằng cách cử các nhân viên tới bảo trì máy bay hay mở các lớp đào tạo phi công. Chúng tôi không chấp nhận điều đó", một quan chức Ấn Độ giấu tên cho hay.

Tuy nhiên, quan chức trên, người từ chối xác nhận rằng liệu Ấn Độ có đề nghị Sri Lanka chuyển sang mua mẫu Tejas hay không, cho rằng nếu thỏa thuận được thực hiện, có nguy cơ Sri Lanka sẽ "lún sâu" hơn vào mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh: "Sri Lanka không có kinh phí nhiều như thế để mua 12 chiếc JF-17. Cả Pakistan cũng thế. Vậy ai sẽ tài trợ cho thương vụ này? Liệu có phải... Trung Quốc sẽ cấp tín dụng?"

Ấn Độ từng lo ngại về sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Sri Lanka kể từ khi hai tàu ngầm Trung Quốc ghé thăm cảng ở thủ đô Colombo hồi năm ngoái. Vụ việc này từng được coi là "giọt nước tràn ly" trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, người đặt ưu tiên quan hệ với Trung Quốc. Thỏa thuận mua mẫu JF-17 cũng được lần đầu đưa ra thảo luận dưới thời chính phủ của Tổng thống Mahinda Rajapaksa.

Tuy nhiên, Đại tá R Hariharan, cựu quan chức tình báo quân đội Ấn Độ và hiện đang cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai, cho rằng có "nhân tố" khác trong vụ Sri Lanka hủy mua mẫu JF-17.

Ông nhận định: "Đây là một ví dụ cho thấy Mỹ sẽ tìm cách cản trở để Trung Quốc không thể mở rộng ảnh hưởng ở những khu vực mà Bắc Kinh có thể sử dụng để từ đó ảnh hưởng tới lợi ích toàn cầu của Mỹ, chẳng hạn như tại các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương. Năm ngoái, Mỹ cũng có các biện pháp gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ hủy thỏa thuận mua tên lửa Trung Quốc".

"Hải quân Ấn Độ ngày càng tăng cường hợp tác với Không quân Mỹ. Mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được thúc đẩy trong những năm qua. Do vậy, cả Ấn Độ và Mỹ đều có lợi ích chung trong việc hạn chế ảnh hưởng từ mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Pakistan trong khu vực Ấn Độ Dương", ông R Hariharan đánh giá.

Ngọc Anh

Theo SCMP