1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Chiến binh sói” - phong cách ngoại giao mới của Trung Quốc

(Dân trí) - Một phong cách ngoại giao mới đang định hình tại Bắc Kinh và những "kiến trúc sư" đứng sau phong cách này được gọi bằng cái tên phù hợp với phong cách cứng rắn của họ - những “chiến binh sói”.

“Chiến binh sói” - phong cách ngoại giao mới của Trung Quốc - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian. (Ảnh: Reuters)

“Chiến binh sói” là thuật ngữ đang được sử dụng rộng rãi trên truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng như các ấn phẩm phương Tây và nhận được sự ủng hộ từ nhà ngoại giao cấp cao nhất của Bắc Kinh.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh đang chống lại những “lời lăng mạ cố ý” nhằm vào nước này.

“Chúng tôi chưa bao giờ lựa chọn đối đầu hay bắt nạt các nước khác. Nhưng chúng tôi có nguyên tắc và phẩm giá của mình. Chúng tôi sẽ đập tan bất kỳ sự lăng mạ cố ý nào, kiên quyết bảo vệ danh dự và giá trị quốc gia, và chúng tôi cũng sẽ dùng sự thật để bác bỏ tất cả những lời vu khống vô căn cứ”, ông Vương trả lời một câu hỏi từ CNN.

“Chiến binh sói” là hình mẫu những nhà ngoại giao với phong cách hoàn toàn khác với những gương mặt đối ngoại ôn hòa của Trung Quốc trong vài thập niên trước đây.

Thay vì đưa ra những tuyên bố dài dòng, các quan chức Trung Quốc bây giờ sử dụng Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác để tấn công trực diện vào bất kỳ ai chỉ trích Trung Quốc.

“Chiến binh sói” (hay Chiến lang) thực chất là tên một chuỗi phim hành động yêu nước bom tấn tại Trung Quốc, xây dựng hình tượng các nhân vật với sứ mệnh chiến đấu với kẻ thù cả trong và ngoài nước để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc. Bộ phim đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 2015 và thu về hơn 76 triệu USD tại các phòng vé.

Bộ phim này tiếp tục phát triển phần tiếp theo và trở thành bộ phim ăn khách nhất tại Trung Quốc vào thời điểm công chiếu hồi năm 2017. “Chiến binh sói 2” xây dựng câu chuyện xung quanh một đội binh lính thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, được gửi tới một nước châu Phi để giải cứu công dân Trung Quốc. Thông điệp xuyên suốt bộ phim là “Dù ở cách xa vạn dặm, nhưng bất kỳ ai chống đối Trung Quốc đều phải trả giá”.

Chiến thuật ngoại giao cứng rắn

Việc so sánh bộ phim đình đám với các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu xảy ra từ tháng 7/2019 khi Zhao Lijian, nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan, chỉ trích nặng nề chính phủ Mỹ trên Twitter.

Trong một loạt bài đăng gây tranh cãi, ông Zhao tuyên bố Mỹ không có quyền chỉ trích Trung Quốc lạm dụng nhân quyền khi chính Mỹ cũng đang phải đối mặt với các vấn đề về chủ nghĩa sắc tộc, bất bình đẳng thu nhập hay bạo lực súng đạn. Nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng có những khu vực ở Washington DC mà “người da trắng” không bao giờ tới, bởi đó là nơi của người da màu và Mỹ Latinh.

Bình luận của ông Zhao đã vấp phải phản ứng dữ dội từ bà Susan Rice - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Bà Rice chỉ trích nhà ngoại giao Trung Quốc “phân biệt chủng tộc” đáng hổ thẹn.

Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Zhao ngày càng phát triển. Ông hiện là một trong 3 phát ngôn viên quen thuộc, thường xuyên chủ trì các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc khác trên toàn thế giới bắt đầu học theo chiến thuật cứng rắn của ông Zhao trên Twitter, mặc dù mạng xã hội này bị cấm tại Trung Quốc từ lâu.

Cấp trên của ông Zhao, bà Hoa Xuân Oánh, cũng thường xuyên đưa những tuyên bố chỉ trích lên Twitter. Bà Hoa, Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mới chỉ lập tài khoản Twitter vào tháng 10/2019 nhưng đã có tới gần 500.000 người theo dõi.

“Một số chính trị gia phớt lờ các sự thật cơ bản và bịa đặt vô số lời dối trá cũng như thuyết âm mưu liên quan tới Trung Quốc”, bà Hoa viết trên Twitter hôm 24/5 trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần xấu đi vì đại dịch Covid-19.

Theo SCMP, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming cũng được xem là một “chiến binh sói” khi thường xuyên đăng bài trên Twitter để đáp trả những lời chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh tại châu Âu.

Phát biểu trước truyền thông nhà nước hôm 25/5, ông Liu giải thích rằng thuật ngữ “chiến binh sói” là sự hiểu lầm về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Theo ông Liu, Trung Quốc theo đuổi “chính sách đối ngoại độc lập hòa bình”, nhưng đôi khi cũng cần cứng rắn.

“Nơi nào có sói, nơi đó có chiến binh”, ông Liu trả lời một câu hỏi trên trang Twitter cá nhân.

Tuy vậy, hiện vẫn còn sự chần chừ cả trong chính phủ Trung Quốc và truyền thông nhà nước về việc liệu có nên triển khai đầy đủ thuật ngữ “chiến binh sói” hay không.

Hồi tháng 4, Thời báo Hoàn cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, đã đăng một bài viết ca ngợi các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của nước này vì đương đầu với phương Tây, cho rằng hành động như vậy là cần thiết trong bối cảnh các nhà ngoại giao phương Tây cũng đang sử dụng chiến lược ngoại giao cứng rắn.

Nhưng chỉ một tháng sau đó, ngày 24/5, sau phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị, Thời báo Hoàn cầu cho rằng chính Mỹ đang thực hiện chính sách đối ngoại “chiến binh sói”.

“Việc gắn mác ngoại giao Trung Quốc là “chiến binh sói” phản ánh hệ tư tưởng cực đoan”, báo Trung Quốc bình luận.

Richard McGregor, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy, cho rằng trong nội bộ Trung Quốc đang có cuộc tranh cãi nảy lửa về việc chính sách đối ngoại của nước này nên cứng rắn tới mức nào.

“Rõ ràng có sự chia rẽ về việc Trung Quốc nên thực hiện chính sách ngoại giao như thế nào. Đó chỉ là sự chia rẽ về chiến thuật, nhưng ở thời điểm hiện tại, “những con sói” vẫn đang phô trương uy thế. Nhưng tôi không chắc điều này có kéo dài hay không”, ông McGregor nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm