Chia rẽ bao trùm hội nghị G20
Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án việc sử dụng sai trái các biện pháp trừng phạt, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cạnh tranh không trung thực
Hội nghị cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bước sang ngày làm việc thứ hai, cũng là cuối cùng, hôm 1-12, trong bối cảnh các nhà ngoại giao nỗ lực thu hẹp rạn nứt về một loạt vấn đề quan trọng như thương mại thế giới, biến đổi khí hậu và di dân.
Tổng thống nước chủ nhà Argentina Mauricio Macri khai mạc hội nghị hôm 30-11 với lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách. Bất chấp lời kêu gọi này, Hội nghị G20 năm nay chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi nó bắt đầu 10 năm trước. Điều này phần nào làm lu mờ chương trình nghị sự chính thức, tập trung vào những vấn đề như lao động, hạ tầng, phát triển, ổn định tài chính, khí hậu, thương mại quốc tế…
Tâm điểm là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người bị chỉ trích vì phá hủy sự đồng thuận trước đây của nhóm về thương mại và biến đổi khí hậu. Phát biểu trong ngày đầu tiên của hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án việc sử dụng sai trái các biện pháp trừng phạt, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cạnh tranh không trung thực. Theo đài BBC, mục tiêu của chỉ trích không gì khác ngoài chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông chủ Nhà Trắng.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước G20 chống lại chủ nghĩa bảo hộ và duy trì hệ thống thương mại đa phương. Theo báo South China Morning Post, bài phát biểu là nỗ lực mới nhất của ông Tập nhằm nêu bật vai trò của Trung Quốc như một quốc gia bảo vệ thương mại đa phương giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ đang leo thang. Washington lâu nay cáo buộc Bắc Kinh có chính sách thương mại không công bằng, đánh cắp bí mật thương mại và trợ cấp doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên và hy vọng thông qua cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ sẽ thuyết phục được ông Trump từ bỏ kế hoạch tăng thuế áp vào 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% trong tháng 1-2019.
Nước chủ nhà Argentina cũng bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới khi Nhà Trắng hôm 30-11 khẳng định Buenos Aires nhất trí với Washington rằng các chính sách thương mại của Trung Quốc mang tính "bóc lột". Dù vậy, một quan chức Argentina nhanh chóng bác bỏ và gọi đó chỉ là quan điểm của riêng phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders.
Sự chia rẽ cũng thể hiện qua các sự kiện bên lề hội nghị. Trong lúc Mỹ, Canada, Mexico tổ chức lễ ký kết hiệp định thương mại tay ba mới (gọi tắt là USMCA, thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ) thì nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ra tuyên bố kêu gọi thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu và củng cố Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngoài ra, Trung Quốc và Pháp tổ chức họp báo chung để gửi thông điệp đến chính quyền ông Trump đang có ý định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine sau vụ đụng độ giữa tàu 2 nước gần bán đảo Crimea và cái chết của nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi cũng phủ bóng Hội nghị G20 lần này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết Liên minh châu Âu dự kiến gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, liên quan đến "hành vi không thể chấp nhận được" của Nga khi bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ đoàn Ukraine.
Trong khi đó, theo Reuters, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đối mặt sức ép và đòi hỏi từ một số nhà lãnh đạo về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, như để các chuyên gia quốc tế tham gia cuộc điều tra, bảo đảm những kẻ chịu trách nhiệm phải đối mặt công lý và không để vụ việc tương tự tái diễn.
Người Lao Động