Chi tiêu quân sự thế giới tăng: Chỉ vì mình Trung Quốc
Các chuyên gia quân sự đã đưa ra lí giải về việc chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại sau mấy năm liên tiếp trên đà suy giảm.
Chi tiêu quân sự thế giới năm 2015 tăng 1%
Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa đưa ra bản báo cáo về ngân sách quốc phòng thế giới. Theo đó, lần đầu tiên sau 4 năm sụt giảm, chi tiêu quân sự của các nước đã tăng thêm 1% lên mức 1,7 nghìn tỷ USD trong năm 2015.
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về ngân sách chi tiêu cho hoạt động quân sự, mặc dù ngân sách quốc phòng của họ đã giảm 2,4%, chỉ còn 596 tỷ USD.
Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỷ USD (tăng thêm 7,4% so với năm 2014).
Ở vị trí thứ ba là Saudi Arabia (87,2 tỷ USD, tăng thêm 5,7% so với năm 2014).
Chiếm vị trí thứ tư là Nga với 66,4 tỷ USD, tăng thêm 7,5%.
Theo các tác giả của bản báo cáo, trong danh sách 15 quốc gia với chi tiêu quân sự cao nhất còn có Anh, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Brazil, Italia, Australia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel.
Nhật Bản đứng thứ 8 với chi tiêu quân sự 40,9 tỷ USD, nhỉnh hơn chút ít so với Đức và Hàn Quốc.
Theo các tác giả bản báo cáo của SIPRI, các chi phí quốc phòng bao gồm không chỉ việc mua các loại vũ khí, công tác hậu cần quân đội, mà còn xây dựng quân đội, thực hiện các cuộc nghiên cứu phát triển, tiền lương trả cho nhân viên dân sự làm việc cho lực lượng vũ trang, các chi phí hành chính...
Chuyên gia quân sự độc lập Vadim Lukashevich cho rằng, nguyên nhân của việc chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại là khá dễ hiểu, xuất phát từ sự căng thẳng đang tăng lên ở nhiều khu vực trên thế giới.
Đầu tiên là sự tăng cường cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, gia tăng sự cạnh tranh toàn cầu và những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế ngày càng tăng do các vấn đề chưa được giải quyết.
Trên thế giới thường xuyên xảy ra những cuộc xung đột, cứ dập tắt cuộc xung đột này thì ngay lập tức bùng nổ cuộc xung đột khác, ngoài ra còn có những cuộc xung đột tiềm ẩn….
Rõ ràng là thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh lạnh mới, và mỗi quốc gia muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng tùy theo quan điểm về mối nguy cơ đang đe dọa nước mình.
Nếu ở châu Âu mức chi tăng nhẹ, thì ngân sách quốc phòng của các nước khu vực châu Á gia tăng với mức độ lớn hơn nhiều. Thế giới bất ổn đẩy chi tiêu quân sự tăng lên, mà điều đó phục vụ lợi ích của các quốc gia lớn trên thị trường xuất khẩu vũ khí.
Nguyên nhân lớn nhất là do Trung Quốc tăng ngân sách quân sự
Theo các chuyên gia, đà gia tăng ngân sách quân sự có thể sẽ tiếp diễn trong một vài năm tới mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, đầu tư mạnh vào vũ khí, trang bị, đồng thời có những hành động hung hăng, ngạo mạn trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Theo tin mới nhất, chi tiêu quân sự của Trung Quốc, hiện đứng thứ hai thế giới về ngân sách quốc phòng và sẽ tiếp tục tăng khoảng 7 đến 8% trong năm 2016. Chi tiêu quân sự thế giới gia tăng không chỉ vì mình nước này tăng đầu tư vào quân đội mà nó còn cuốn theo nhiều nước vào guồng quay này.
Theo bà Fu Ying, phát ngôn viên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc - NPC), việc lập ngân sách quân sự đã tính đến hai yếu tố là nhu cầu phát triển vũ khí, trang bị của Trung Quốc, trong công cuộc cải cách hiện đại hóa quân sự và tình hình kinh tế trong nước.
Theo truyền thông nước này, ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2016 có thể tăng vọt so với năm ngoái, và như vậy là “hợp lý” trong bối cảnh nước này tiến hành cải cách cơ cấu quân đội và tình hình căng thẳng ở các vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng cho đến hết năm 2017 Trung Quốc sẽ cắt giảm 300 ngàn quân từ thành phần phi chiến đấu trong lực lượng vũ trang. Mặc dù vậy, quân đội Trung Quốc vẫn là lớn nhất trên thế giới với hai triệu binh sĩ.
Ngoài ra, mặc dù cắt giảm quân số nhưng chi phí cho việc nghiên cứu, phát triển và chế tạo hàng loạt loại vũ khí tiên tiến của nước này đang tăng lên không ngừng, do đó đẩy ngân sách quốc phòng gia tăng liên tục trong vòng vài năm gần đây.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc luôn đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Năm 2014, Bắc Kinh công bố mức chi tiêu quân sự của nước này là khoảng 130 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2013. Tuy nhiên, con số do các tổ chức độc lập công bố cao hơn rất nhiều, lên tới gần 200 tỷ USD.
Năm 2015, Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỷ USD (tăng thêm 7,4% so với năm 2014). Còn dự kiến năm 2016 có thể lên tới trên 230 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với tổng ngân sách của 2 nước đứng sau là Nga và Saudi Arabia.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự, đầu tư mạnh vào phát triển vũ khí, đồng thời có những hành động hung hăng, ngạo mạn trong tranh chấp chủ quyền đã khiến các nước láng giềng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương vô cùng lo ngại và cũng phải tăng ngân sách đầu tư cho vũ khí, trang bị.
Theo Huy Bình
Đất Việt