1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Âu tranh cãi "nảy lửa" vì thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận đầu tư giữa Liên minh này với Trung Quốc.

Châu Âu tranh cãi nảy lửa vì thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc - 1

Nghị viện châu Âu (Ảnh minh họa: Reuters)

SCMP đưa tin, Ủy ban Châu Âu (EC) đã buộc phải lên tiếng bảo vệ thỏa thuận đầu tư ký với Trung Quốc sau khi nhận phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các thành viên của Nghị viện châu Âu.

Trong một phiên họp của Ủy ban Thương mại Quốc tế hôm 24/2, các nghị sĩ đã cáo buộc EC phớt lờ những lo ngại về điều kiện của người lao động tại Trung Quốc, các động thái của Bắc Kinh đối với Hong Kong và cho rằng thỏa thuận không coi trọng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) đã được ký vào ngày 30/12/2020 nhưng cần phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và Hội đồng Liên minh châu Âu - những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ của các quốc gia thành viên EU - thông qua trước khi có hiệu lực. Một trong những điểm gây tranh cãi là thời điểm CAI được ký chỉ cách ngày nhậm chức của ông Biden 3 tuần và ông Biden cũng đã đưa ra tín hiệu muốn hợp tác với EU để đối phó Trung Quốc.

Châu Âu "cần sự tăng trưởng kinh tế ở một quốc gia như Trung Quốc", Maria Martin-Prat, nhà đàm phán đầu tư hàng đầu của EU với Trung Quốc, cho hay.

Tuy nhiên, nghị sĩ Reinhard Bütikofer đến từ Đức, người đứng đầu phái đoàn nghị sĩ về quan hệ với Trung Quốc, cáo buộc thỏa thuận là một "món quà Giáng sinh cho (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình" và nó được xem giống như là "các nhà lãnh đạo châu Âu đứng về phía Trung Quốc nhằm gửi tín hiệu tới chính quyền mới của Mỹ".

"Khi một đồng nghiệp nói rằng đây là một hành động tái cân bằng từ quan điểm thương mại, tôi đang cho rằng đây là một hành động gây mất cân bằng từ quan điểm địa chính trị", ông Bütikofer nhận định.

Bà Martin-Prat không đồng tình với quan điểm ằng EU lẽ ra nên chờ tới sau lễ nhậm chức của ông Biden mới ký thỏa thuận với Trung Quốc.

"Không có lý do gì để nghĩ rằng EU cần phải xin phép bất kỳ đối tác thương mại nào, dù quan trọng đến đâu, quy mô ra sao, trước khi ký kết một thỏa thuận thương mại hoặc đầu tư. Tôi chưa thấy Australia hay New Zealand hay Nhật Bản hay Hàn Quốc xin phép bất kỳ ai trước khi ký kết hiệp định thương mại", bà nói và cho biết thêm rằng Mỹ đã không hỏi ý kiến EU trước khi đồng ý thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc năm ngoái.

CAI hiện đang được xem xét về mặt pháp lý và quá trình phê chuẩn dự kiến sẽ được tiến hành vào năm tới.

Thỏa thuận trên được ký vào thời điểm phức tạp với cả 2 bên. Một tuần sau khi CAI được ký, Bắc Kinh bắt 53 nhà hoạt động và chính trị gia đối lập ở Hong Kong. Để đáp trả, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết trừng phạt với quan chức Hong Kong hôm 21/1.

Ngoài ra, nhiều đại diện của các nước thành viên EU ở Hong Kong cho rằng vụ bắt giữ 53 người ở Hong Kong giống như "cái tát vào mặt" đối với EU vì nó diễn ra rất nhanh sau khi CAI được thông qua. "Nếu cuộc biểu quyết được tiến hành lúc này, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu sẽ không thông qua và phê chuẩn CAI", một quan chức đại diện ẩn danh nói.

EU cũng đang chịu áp lực từ các nhà làm luật ở nghị viện châu Âu về vấn đề Tân Cương. Hồi tháng 12 năm ngoái, một nghị quyết đã được thông qua nhằm trừng phạt những cáo buộc về hành vi ngược đãi người lao động ở Tân Cương, điều mà Trung Quốc bác bỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm