1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Châu Âu nguy cơ thêm 700.000 ca tử vong vì Covid-19 trong mùa đông

Minh Phương

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, châu Âu có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong do Covid-19 trong mùa đông tới.

Châu Âu nguy cơ thêm 700.000 ca tử vong vì Covid-19 trong mùa đông - 1

Dịch bệnh Covid-19 tại châu Âu đang căng thẳng trở lại khi mùa đông đến (Ảnh: Reuters).

Châu Âu đang trở lại thành điểm nóng Covid-19 của thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 23/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, số ca tử vong do Covid-19 ở châu Âu có thể tăng thêm 700.000 trường hợp lên hơn 2,2 triệu ca sau mùa đông này nếu tình hình hiện tại tiếp diễn.

WHO dự đoán, khoa hồi sức cấp cứu của 49 trong số 53 quốc gia ở khu vực sẽ chịu sức ép cao hoặc rất cao trong giai đoạn từ nay cho đến tháng 3/2022.
Báo cáo của WHO dẫn số liệu từ Viện Đánh giá và Đo lường cho biết, Covid-19 đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở châu Âu và Trung Á. Trong tuần trước, số ca tử vong do Covid-19 trong ngày tại đây đã lên gần 4.200 ca/ngày tăng hai lần so với hồi cuối tháng 9. Đến nay, châu Âu ghi nhận tổng cộng 1,5 triệu ca tử vong trong số hơn 81,4 triệu ca mắc Covid-19.

Theo WHO, làn sóng lây nhiễm hiện nay ở châu Âu là do kết hợp của nhiều yếu tố gồm sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan, độ phủ vaccine Covid-19 chưa đủ và nới lỏng quá sớm các biện pháp phòng dịch.

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo: "Tình hình Covid-19 hiện nay ở châu Âu và Trung Á rất nghiêm trọng. Chúng ta đang đối mặt với một mùa đông thách thức phía trước". Ông nhấn mạnh, chỉ vaccine là chưa đủ, các nước cần phải tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch.

WHO dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy, đeo khẩu trang có thể giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tới 53%, và nếu 95% dân số châu Âu đeo khẩu trang sẽ giúp tránh được 160.000 ca tử vong từ nay đến tháng 3/2022.

Bệnh viện quá tải

Châu Âu nguy cơ thêm 700.000 ca tử vong vì Covid-19 trong mùa đông - 2

Các bệnh viện ở Hà Lan và nhiều quốc gia châu Âu quá tải vì số ca Covid-19 tăng nhanh trở lại (Ảnh: EPA-EFE).

Làn sóng Covid-19 mới đang khiến hệ thống bệnh viện của nhiều quốc gia châu Âu quá tải trở lại.

Reuters dẫn lời giới chức y tế Hà Lan cho biết, sáng 23/11, một bệnh nhân Covid-19 đã được xe cứu thương vận chuyển từ thành phố Rotterdam của nước này đến một bệnh viện ở thành phố Bochum, bang Nordrhein-Westfalen của Đức cách đó khoảng 240 km. Một bệnh nhân khác cũng sẽ được vận chuyển vào cuối ngày. Trong những tuần gần đây, số bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện của Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 và được dự đoán sẽ còn tăng tiếp khi số người nhiễm bệnh liên tục tăng.

Bộ Y tế Hà Lan cho biết, gần 1/3 số phòng mổ ở nước này đã tạm đóng cửa để hạn chế việc sử dụng giường chăm sóc tích cực. Khoảng 1/5 số bệnh viện ở Hà Lan hiện không thể đáp ứng được hạn chót thực hiện các cuộc phẫu thuật nghiêm trọng. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác cũng bị cắt giảm ở 49 trong số 73 bệnh viện ở nước này, để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Tính đến ngày 22/11, 470 trong tổng số 1.050 giường chăm sóc tích cực ở Hà Lan đã được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19.

Trong khi đó, các bệnh viện của Đức dành 20 giường chăm sóc tích cực cho bệnh nhân Covid-19 từ Hà Lan sau khi đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp như vậy ở các làn sóng lây nhiễm trước đó.

Hà Lan cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng sau một thời gian nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, chính phủ Hà Lan đã đưa ra kế hoạch áp đặt thêm các biện pháp hạn chế để ngăn đà lây lan của virus. Các biện pháp này bao gồm chỉ cho phép người đã tiêm chủng vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 đến các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của một bộ phận dân chúng. Bạo loạn đã nổ ra 3 đêm liên tiếp từ hôm 19/11. Lực lượng an ninh đã bắt giữ hơn 170 đối tượng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm