Chân dung vị đô đốc Mỹ không ngại vạch trần Trung Quốc
(Dân trí) - Ông đã gọi Trung Quốc là “khiêu khích và theo chủ nghĩa bành trướng”, cáo buộc Bắc Kinh “dựng Vạn lý Tường thành cát” và “rõ ràng quân sự hóa” Biển Đông. “Chỉ có người tin Trái Đất phẳng mới nghĩ khác”, ông từng nói trong một cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ.
Đó là những ngôn từ của tư lệnh phụ trách các hoạt động quân sực của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương - Đô đốc Harry B. Harris Jr. Ông đã khiến Bắc Kinh và Washington đau đầu với những ngôn từ thẳng thắn hơn bất kỳ phát biểu nào từ Tổng tư lệnh của ông, Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đô đốc Harris không xin lỗi về sự bộc trực của mình, vốn khiến Nhà Trắng lo lắng. Khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, một tuyến đường biển chiến lược mà Mỹ vẫn có sự hiện diện nổi bật từ lâu, ông Harris nói rằng nhiệm vụ của ông là phải nói với quốc hội, công chúng Mỹ và các đồng minh của Mỹ về mối đe dọa này.
“Có sự căng thẳng thường tình giữa các quan chức chính phủ và các chỉ huy quân đội, và tôi nghĩ đó là sự căng thẳng có lợi”, ông Harris nói trong một cuộc phỏng vấn từ văn phòng của ông. “Tôi đã nói lên quan điểm của mình trong các cuộc gặp riêng tư với giới chức chỉ huy quốc gia. Một vài quan điểm của tôi được ủng hộ nhưng một số thì không”.
Với Trung Quốc, Đô đốc Harris, 59 tuổi, không chỉ đơn thuần là một người rất thẳng tính. Ông sinh tại Nhật Bản, là con trai của một người mẹ Nhật và một người bố Mỹ, người từng là sĩ quan cấp cao trong hải quân Mỹ. Trung Quốc đã xoáy vào nguồn gốc của ông để chỉ trích.
“Một số người có thể nói rằng việc nhấn mạnh vào lai lịch gốc Nhật của một vị tướng Mỹ là không nên. Nhưng để hiểu sự hung hăng bất ngờ của Mỹ ở Biển Đông, không thể phớt lờ lai lịch, dòng máu của ông Harris”, hãng tin nhà nước Xinhua của Trung Quốc viết.
Đô đốc Harris nói rằng, những bình luận xúc phạm đó nhằm 2 mục đích. Trước tiên, chúng nhằm chứng tỏ rằng Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương bất đồng với chính phủ”, điều mà ông nói là “hoàn toàn không có thật”. Thứ hai là chúng nhằm bôi nhọ ông.
“Bạn biết rằng khi tôi được miêu tả là một đô đốc người Nhật, tôi thấy điều đó là không đúng. Tôi không biết tại sao họ lại nói như vậy”, ông Harris nói.
Khi gia đình ông trở về Tennessee, mẹ ông đã từ chối dạy ông tiếng Nhật vì khẳng định rằng con trai bà là người Mỹ 100%. Vì thế, ông không giống lắm với việc được miêu tả là người Mỹ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm là chỉ huy chiến đấu.
Một tòa án Liên hợp quốc tại La Hay, Hà Lan dự kiến sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi pháp. Tòa án có thể tuyên bố rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông là không có hiệu lực.
Phán quyết được dự đoán rộng rãi là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh và có thể làm gia tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ đang sóng gió giữa Trung Quốc và Mỹ.
Việc Trung Quốc phản ứng như thế nào đối với phán quyết của tòa án là một mối quan tâm lớn đối với Đô đốc Harris, người có nhiệm vụ đề xuất các phương án quân sự, cả trong ngắn và dài hạn, nếu Trung Quốc thúc đẩy mưu đồ nhằm kiểm soát tuyến đường biển huyết mạch, nơi hàng nghìn tỷ USD giá trị thương mại, trong đó có dầu mỏ và khí đốt, đi qua mỗi năm.
Các nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh có kế hoạch biến Scarborough, một bãi cạn nằm cách bờ biển Philippines chỉ gần 200km mà Bắc Kinh chiếm từ tay Philippines 4 năm trước, thành một pháo đài. Điều đó có thể trở thành một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ. Bắc Kinh cũng có thể đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, buộc các hãng hàng không dân sự phải thực hiện các lộ trình dài và tốn kém để tránh nguy cơ đối đầu với Không quân Trung Quốc.
Các nguy cơ đó cao tới mức Tổng thống Obama đã phải lên tiếng cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp gần đây ở Washington rằng đừng lấn tới ở Scarborough hay tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ.
Không bên nào muốn xảy ra xung đột ở Biển Đông. Nhưng khả năng đó phải được cân nhắc, và bãi cạn Scarborough giờ đây là nơi mà giới chức Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ có thể tỏ rõ lập trường.
Chủ tịch Hội đồng Tham ưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph F. Dunford Jr., gần đây đã hỏi Đô đốc Harris đúng câu hỏi đó. Trong một cuộc trò chuyện mà một phóng viên nghe được khi hai người nói chuyện với nhau tại Lầu Năm Góc, câu trả lời của Đô đốc chưa rõ ràng.
Khi bị chất vấn sau đó - liệu Mỹ có hành động vì Scarborough hay không, Đô đốc Harris cười nhẹ. “Sẽ tốt hơn nếu tôi dịu giọng. Tôi sẽ nói tôi là người của quân đội. Tôi nhìn qua lăng kính u ám và đó là việc tôi phải làm”.
Để bảo vệ các lợi ích của Mỹ, ông nói: “Tôi phải làm điều đó với những công cụ tôi có, và đó là các công cụ quân sự, các công cụ tuyệt vời”.
“Về phía Trung Quốc, chúng tôi phải sẵn sàng cho mọi tình huống xét ở góc độ sức mạnh”, Đô đốc Harris nói. “Tất cả các tình huống, dù có là Scarborough, Biển Đông nói chung, hay một cuộc tấn công mạng”.
Lo ngại nguy cơ từ tàu bán quân sự Trung Quốc
Đô đốc Harris nói ông không quá lo lắng về những tính toán sai lầm ở Biển Đông giữa quân đội Trung Quốc và lực lượng của các quốc gia khác. “Tôi thấy họ khá chuyên nghiệp”. Theo ông Harris, nguy cơ lớn nhất là một vụ va chạm do các tàu bán quân sự Trung Quốc gây ra có thể khiến các lực lượng Mỹ phải vào cuộc để bảo vệ các đồng minh.
Công việc của một tư lệnh tác chiến - có 9 tư lệnh như vậy của Mỹ trên toàn cầu - là phục vụ với tư cách là một nhà quân sự, nhà ngoại giao và hỗ trợ 2 lãnh đạo của ông, tổng thống và bộ trưởng quốc phòng.
Đô đốc Harris đã bổ sung một nhiệm vụ khác trong công việc của ông: người liên lạc. Trong một tài liệu hồi năm ngoái, ông viết: “Chúng tôi phải liên lạc thông suốt với các bên chủ chốt, trong đó có các đồng minh, đối tác và các đối thủ tiềm tàng”.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân tại Annapolis, bang Maryland, ông Harris đã được đào tạo thành một sĩ quan phi công hải quân. Vào năm 1991, ông đã bay qua vịnh Péc-xích trong cuộc chiến hải quân mà trong đó Mỹ đã đánh bại hải quân Iraq trong 48 giờ.
Ông Harris phần lớn công tác ở châu Á nhưng cũng đảm nhiệm vài vị trí khác.
Khoảng 10 năm trước, ông là chỉ huy tại Vịnh Guantánamo. Ông cũng nghiên cứu về chiến tranh tại Oxford, sau đó trở thành cố vấn quân sự cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.
“Harry - Cảm ơn vì đã đi khắp thế giới cùng tôi - Hillary” là một thông điệp viết tay trên một tấm ảnh chụp hai người được treo trên đường phòng làm việc của ông Harry.
Một tấm bản đồ Biển Đông, với các hòn đảo nằm rải rác, được treo bên trái bàn làm việc của ông. Các vòng tròn màu đen cho thấy 3 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đường băng và các cơ sở khác. Ông Harris xem 3 đảo nhân tạo này là các căn cứ quân sự Trung Quốc.
An Bình
Theo NYT