Chân dung tân Ngoại trưởng Pháp
(Dân trí) - Bernard Kouchner là người nổi tiếng với những cầu nói "Để thay đổi luật, bạn đôi khi phải vi phạm luật". Ông cũng là một trong những nhà sáng lập Hiệp hội Bác sỹ không biên giới và là người sáng lập Hiệp hội Bác sỹ Thế giới.
Ông là người đã được tân Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, thuộc đảng Trung hữu, chọn làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào ngày 18/5 vừa qua, ông là Bernard Kouchner, một thành viên của đảng Xã hội.
Đây là một trong ba vị trí quan trọng nhất trong chính phủ, và ông Sarcozy đã quyết định, bất chấp không ít những phản đối ngay trong đảng của mình.
Việc mạnh dạn đưa ông Bernard Kouchner vào giữ ghế Bộ trưởng Ngoại giao, ngoài việc muốn thực hiện lời hứa sẽ thiết lập một chính phủ đa dạng, khi tranh cử tổng thống, ông Sarkozy cũng phần nào thừa nhận khả năng, uy tín và những đóng góp của ông Bernard Kouchner, đặc biệt trong lãnh vực nhân đạo và đấu tranh cho nhân quyền.
Và với vị thế này, ông Sarkozy tin rằng ông Bernard Kouchner sẽ thực hiện tốt đường lối ngoại giao Pháp trong những năm tới.
Hoạt động nhân đạo
Bác sỹ Bernard Kouchner, 67 tuổi, có vợ là nhà báo nổi tiếng Christine Ockrent, có 4 người con, được thế giới biết đến như là một nhà hoạt động nhân đạo và đấu tranh cho nhân quyền.
Cuộc nội chiến ở vùng Biafran, Nigeria năm 1971 đã gây nên cảnh diệt chủng, đói khát và bệnh tật cho hàng trăm ngàn người tại nơi này.
Trước một thảm trạng như vậy, bác sỹ Bernard Kouchner đã cùng với một số bác sỹ Pháp đã thành lập Hiệp Hội Bác Sỹ Không Biên Giới.
Không lâu sau đó, hiệp hội đã trở thành một tổ chức có quy mô, rất phát triển và luôn có mặt ở những điểm nóng tại các nước kém phát triển, thiếu phương tiện y tế, hay có xung đột, thiên tai.
Với gần 1000 nhân viên và hàng năm có đến 3000 bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên được tuyển dụng để điều hành các hoạt động nhân đạo, và mức kinh phí hàng năm khoảng 400 triệu đôla, đến nay tổ chức này đã có văn phòng tại nhiều nước khác nhau trên thế giới và luôn hiện diện tại mỗi điểm nóng trên thế giới.
Sự nghiệp Chính trị
Mặc dầu là một người có nhiều đóng góp cho hoạt động nhân đạo và là người có uy tín và có khả năng, nhưng ông Bernard Kouchner chưa bao giờ được các vị lãnh đạo trong đảng của ông đánh giá đúng mức.
Dưới thời tổng thống Francois Mitterrand, hay khi ông Lionel Jospin làm Thủ tướng, ông chỉ được bổ nhiệm làm Thư ký quốc gia, phụ trách về các hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội, hay y tế.
Tuy vậy, tài năng cũng như đóng góp của ông cũng được dư luận thế giới công nhận. Năm 1999, ông được Tổng thư ky Liên Hợp Quốc, Kofi Annan, chỉ định làm người điều hành Khu vực tự trị Kosovo.
Trong suốt 18 tháng ở cương vị này, ông đã giúp thiết lập một hệ thống hành chính, chính trị thay thế chính quyền người Serbia và khôi phục lại một nền kinh tế gần như bị phá sản sau 3 năm nội chiến.
Vì những cống hiến của ông, tờ tạp chí Time, năm 2004 đã chọn ông vào trong số 100 thần tượng và nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Đối với người dân Pháp, ông luôn là một trong những người được yêu thích nhất. Để ghi danh những đóng góp của ông, năm 1999, Hiệp Hội Bác sỹ Không Biên Giới được trao giải thưởng Nobel về Hòa Bình.
Không được lãnh đạo ngay trong đảng mình trọng dùng, tài năng của ông lại được tân Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, thừa nhận và trao cho ông một vị trí đúng với tầm cỡ, năng lực của ông.
Tuy vậy, bạn bè lâu năm của Kouchner lại lo ngại về phong cách nói thẳng của ông, lo rằng nó có thể khiến ông xung đột với ông chủ mới của mình.
Max Récamier, một trong những bác sĩ cùng sáng ông Kouchner sáng lập ra Hiệp hội Bác sĩ Thế giới, nói: "Quan điểm của Sarkozy hoàn toàn khác với Kouchner".
Hy vọng, ở cương vị mới, ngoài những đóng góp cho nước Pháp, ông Kouchner sẽ có những đóng góp lớn hơn trong các hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội, và y tế trên thế giới, những vẫn đề vẫn là những bài toán khó giải tại các nước đang phát triển.
Kiến Văn
Theo IHT