1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

CDC Mỹ đề xuất các nhóm đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đang chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng đầu tiên, sau khi hai hãng dược của nước này nộp đơn xin cấp phép sử dụng vắc xin khẩn cấp.

CDC Mỹ đề xuất các nhóm đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19  - 1

(Ảnh minh họa: Getty)

Guardian đưa tin, hội đồng cố vấn tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 1/12 đã chính thức đưa ra khuyên nghị rằng các nhân viên y tế và nhóm người sinh sống trong viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn là các nhóm đầu tiên nên được tiêm vắc xin Covid-19. Theo Guardian, 2 nhóm nói này sẽ bao gồm khoảng 23 triệu người.

"Tôi tin là phiếu bầu của tôi sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, giảm thiểu thiệt hại tối đa, thúc đẩy công bằng và làm giảm sự chênh lệch về y tế tồn tại trong việc phân phối vắc xin", José Romero, chủ tịch của hội đồng cố vấn thuộc CDC, giải thích về việc ông đã bỏ phiếu cho khuyến nghị nói trên.

Khuyến nghị của CDC được xem sẽ là cơ sở phục vụ việc phân phối vắc xin Covid-19 cho các vùng lãnh thổ và các tiểu bang tại Mỹ.

Theo dữ liệu của CDC, đã có hơn 243.000 nhân viên y tế Mỹ mắc Covid-19 và 858 người thiệt mạng vì dịch bệnh. Tuy nhiên, một thống kê độc lập do Guardian Kaiser Health News thực hiện cho thấy số ca tử vong ở nhóm nhân viên y tế là 1.400 người.

Trong khi đó, nhóm người sống tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn chiếm ít hơn 1% dân số Mỹ nhưng chiếm tới 40% tổng số ca tử vong vì Covid-19 (khoảng hơn 100.000). Đây được xem là một trong những nhóm dễ tổn thương về mặt y tế nhất.

Hai vắc xin được nộp đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp

CDC Mỹ đề xuất các nhóm đầu tiên tiêm vắc xin Covid-19  - 2

Một người đàn ông tham gia thử nghiệm vắc xin của Moderna (Ảnh: Science)

Tại Mỹ, có 2 loại vắc xin hiện đã được nhà sản xuất nộp đơn lên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng vắc xin khẩn cấp là sản phẩm của liên doanh Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) (nộp ngày 20/11) và Moderna (Mỹ) (nộp ngày 30/11).

Tuần tới, các cố vấn của FDA sẽ thảo luận về trường hợp của vắc xin Pfizer và BioNTech để quyết định xem liệu họ có cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này hay không. Nếu được cấp phép, vắc xin sẽ bắt đầu được đưa đi phân phối.

Trong kịch bản mọi việc suôn sẻ, vắc xin của Pfizer và BioNTech có thể sẽ được phân phối tại Mỹ vào ngày 15/12, trong khi ứng viên vắc xin của Moderna là 22/12.

Ngoài ra, cả BioNTech/Pfizer và Moderna đều đã nộp đơn tới Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) để xin cấp phép cho 2 ứng viên vắc xin mà họ đang phát triển. EMA ngày 2/12 nói rằng họ có thể cấp phép cho các vắc xin này "trong vòng vài tuần tới". EMA đã và đang xem xét các dữ liệu mà 2 công ty cung cấp.

Tháng trước, cả 2 bên đều tuyên bố vắc xin của họ đạt hiệu quả chống dịch cao. Các kết quả thử nghiệm ban đầu trên quy mô lớn cho thấy hiệu quả ngăn dịch của BioNTech/Pfizer và Moderna lần lượt là 95% và 94%.

Trong một diễn biến khác, ba hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines đang thử nghiệm các kế hoạch nhằm vạch ra quy trình, thủ tục, thiết bị cần thiết để có thể phân phối vắc xin Covid-19 ra khắp thế giới, trong nhiều điều kiện nhiệt độ đáp ứng các yêu cầu.

Việc vận chuyển thuốc và vắc xin không mới với các hãng hàng không, nhưng với quy mô, tính khẩn cấp và các đòi hỏi nghiêm ngặt về việc duy trì nhiệt độ như vắc xin Covid-19 đã đặt ra một thách thức lớn cho bất cứ bên nào tham gia chuỗi cung ứng.