Cầu tàu 320 triệu USD Mỹ xây ở Gaza bị sóng đánh gẫy sau 2 tuần
(Dân trí) - Chưa đầy 2 tuần sau khi đưa vào vận hành, cầu tàu trị giá 320 triệu USD mà Mỹ xây ở Gaza để thực hiện hoạt động viện trợ nhân đạo, đã bị sóng đánh gẫy.
Cầu tàu quân đội Mỹ xây dựng để vận chuyển viện trợ vào Gaza đã bị vỡ và hư hại khi biển động hôm 28/5, ảnh hưởng tới nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tạo hành lang hàng hải để cung cấp hàng hóa nhân đạo vào vùng đất bị chiến sự tàn phá trong hơn nửa năm qua.
Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết cầu tàu "bị hư hỏng và các phần của cầu tàu cần được xây dựng lại và sửa chữa". Cầu tàu sẽ được di dời khỏi vị trí trên bờ biển Gaza trong 48 giờ tới và đưa đến cảng Ashdod của Israel, nơi Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ sẽ sửa chữa. Việc sửa chữa dự kiến sẽ mất hơn một tuần.
Cầu tàu trị giá 320 triệu USD chỉ mới bắt đầu hoạt động vào ngày 17/5. Tuy nhiên, do sóng biển lớn, nó đã bị tạm dừng hoạt động tới 24/5.
Theo truyền thông Mỹ, cầu tàu mang tên JLOTS yêu cầu biển phải lặng để hoạt động hiệu quả. JLOTS sẽ chỉ được vận hành an toàn khi sóng cao tối đa 0,9m và sức gió dưới 24km/h.
Tuần trước, Phó Đô đốc Brad Cooper, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cho biết 820 tấn hàng hóa viện trợ đã được chuyển qua cầu tàu đến bãi biển Gaza, nơi Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm phân phối cho người dân Palestine.
Sau nhiều tháng chiến sự giữa Israel và Hamas nổ ra, các tổ chức quốc tế cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đe dọa dân số hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza.
Người dân ở Dải Gaza phải ăn thức ăn chăn nuôi, thậm chí xương rồng để sống sót. Các bác sĩ cho biết trẻ em tử vong trong bệnh viện do suy dinh dưỡng và mất nước, trong khi Liên hợp quốc thừa nhận phải đối mặt với "những trở ngại quá lớn" trong việc viện trợ.
Theo cơ quan y tế ở Gaza, số người thiệt mạng cao nhấn mạnh thử thách khủng khiếp kéo dài nhiều tháng của người dân Palestine ở dải đất này, trong đó các chiến dịch ném bom trên không và tấn công trên bộ của Israel đã khiến đại đa số cư dân phải di dời và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), gần như toàn bộ dân số 2,2 triệu người cần viện trợ lương thực, trong đó 1/6 trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng.