1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Câu chuyện Brexit - Cuộc chơi của xảo thuật

Câu chuyện Brexit càng về cuối càng kịch tính, với nhiều thủ thuật tinh xảo từ cả phía Chính phủ và Quốc hội Anh. Thử giải mã các diễn biến tưởng như "đầy mẫu thuẫn" trong vài ngày vừa qua.

Câu chuyện Brexit - Cuộc chơi của xảo thuật - 1

Kịch bản nào cho Brexit sau khi Quốc hội Anh chưa biểu quyết thoả thuận Anh - EU vừa đạt được về Brexit. Biếm họa của Paresh Nath trên The Khaleej Times-UAE

Sau hơn ba năm, chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) mãi không tới hồi kết khiến dân chúng trên đảo quốc ngày càng thêm ngán ngẩm nhưng thật lạ là lại không hề nhàm chán đối với thế giới bên ngoài.

Ở thời kỳ đầu của câu chuyện này, thiên hạ quan tâm nhiều đến tác động, hậu quả và hệ luỵ của Brexit trên mọi phương diện đối với nước Anh và EU, đối với châu Âu và thế giới. Còn bây giờ, sự quan tâm chung được dồn đổ cho câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như kết cục cụ thể cuối cùng của Brexit sẽ như thế nào hay màn cuối của vở bi hài kịch Brexit kịch tính đến đâu.

Thủ tướng Anh: Thủ thuật quyền biến

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã quyền biến rất ngoạn mục để có được thoả thuận mới với EU về Brexit trước ngày 19/10 để đạt được mục tiêu là: đưa Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới như đã thoả thuận giữa EU và chính phủ Anh. Đối với người này, việc nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới và không phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian mới là mục tiêu chính chứ không phải "Brexit có thoả thuận" giữa Anh và EU, tức là Brexit bằng mọi giá vào ngày 31/10 tới.

Nhìn nhận như thế thì sẽ thấy việc Quốc hội Anh ngày 19/10 vừa qua không tiến hành biểu quyết về thoả thuận mới đạt được kia giữa ông Johnson và EU là thất bại nặng nề như thế nào đối với ông Johnson. Ông Johnson từng dùng thủ thuật trì hoãn việc đàm phán lại với EU về Brexit để biến cả EU lẫn Quốc hội Anh thành con tin với chủ định của ông Johnson là: sẵn sàng Brexit không với bất kỳ thoả thuận nào giữa Anh và EU. Qua đó, ông Johnson nhằm đến hai mục đích là có được thoả thuận mới với EU- chứ không như người tiền nhiệm - và có thêm nhượng bộ mới của EU - giúp ông Johnson thể hiện là hơn hẳn người tiền nhiệm. Thủ thuật này có ý nghĩa chính trị đối nội vô cùng quan trọng đối với quyền lực hiện tại và triển vọng đắc cử trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới của ông Johnson.

Thủ thuật của người này là đẩy quốc hội vào tình thế phải lựa chọn giữa hai khả năng kịch bản Brexit mà sự lựa chọn nào cũng đều có lợi cho ông Johnson nhiều nhất về mọi phương diện.

"Cao nhân ắt có cao nhân trị"

Câu nói trên xem ra rất ứng với hiện tại ở Anh. Quốc hội Anh cũng đã có ngay những xảo thuật tinh hiểm không kém để làm phá sản những mưu tính của ông Johnson. Trong ngày 19/10 vừa qua, quốc hội Anh không tiến hành biểu quyết ngay về thoả thuận mới của ông Johnson với EU về Brexit mà thông qua một bộ luật mới mang tính thể thức là buộc quốc hội phải thông qua những luật pháp và chính sách cần thiết để thực hiện cụ thể Brexit ngay sau khi nước Anh ra khỏi EU rồi mới biểu quyết thông qua thoả thuận giữa chính phủ Anh và EU về Brexit.

Màn kịch vụng

Xảo thuật tiếp theo của ông Johnson là cách thức đề nghị EU gia hạn thêm thời gian. Trước tiên, ông Johnson gửi bức thư không ký tên kèm bản sao luật của Anh bắt buộc ông Johnson phải đề nghị EU gia hạn thời gian xử lý Brexit. Sau đó, đại sứ Anh tại EU gửi bức thư giải thích vì sao bức thư đề nghị kia của ông Johnson không ký tên. Và cuối cùng là bức thư có ký tên của ông Johnson để nghị EU không gia hạn thời gian.

Đối với EU thì đó là màn kịch vụng nhưng đối với công chúng, chính giới và Quốc hội Anh thì đấy lại là cách giúp ông Johnson vừa giữ được thể diện vừa tránh bị coi là không tuân thủ pháp luật. Với bức thư đầu tiên gửi EU, ông Johnson có bằng chứng là thực hiện trách nhiệm trước pháp luật. Với bức thư thứ hai, ông Johnson chủ ý thể hiện cho cử tri Anh thấy là không làm trái với những cam kết xưa nay về Brexit. Xảo thuật này của ông Johnson cho dù không khó gì để nhận ra nhưng vẫn có được tác động chính trị xã hội và tâm lý rất đáng kể ở Anh.

EU chắc rồi sẽ chấp nhận đề nghị của ông Johnson về gia hạn thời gian xử lý Brexit, nhưng với điều kiện nhất định chứ không vô điều kiện mà xem ra không thể thiếu trong đó là sẽ không đàm phán lại một lần nữa với chính phủ Anh về Brexit và gia hạn thời gian lần này là lần cuối cùng.

EU chấp nhận đề nghị này của ông Johnson vì vẫn muốn có thoả thuận với phía Anh về Brexit hơn là để cho xảy ra kịch bản Brexit mà không với bất kỳ thoả thuận nào giữa Anh và EU. EU còn muốn phía Anh có thêm chút thời gian để suy xét và quyết định lại về Brexit - có thể với tổng tuyển cử mới hoặc trưng cầu dân ý mới về Brexit.

Cho nên có thể thấy, nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới với thoả thuận mới giữa ông Johnson và EU nếu thoả thuận này được Quốc hội Anh thông qua trong những ngày còn lại của tháng 10 này, còn nếu không thì thật chưa biết vào thời điểm nào trong tương lai và thậm chí không loại trừ chuyện Brexit này sẽ có cả những kịch bản kết cục bất ngờ khác nữa.

Điều hiện có thể chắc chắn được là chừng nào chuyện này còn dai dẳng thì chừng đó cuộc chơi xảo thuật chính trị giữa ông Johnson và quốc hội Anh sẽ vẫn còn tiếp diễn và kịch tính.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm