1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cậu bé 13 tuổi người Mỹ và “sứ mệnh hòa bình” tại Triều Tiên

(Dân trí) - Jonathan Lee, cậu bé 13 tuổi người Mỹ vừa kết thúc chuyến đi một tuần tới Bình Nhưỡng nhằm quảng bá ý tưởng về một “khu rừng hòa bình” ở biên giới căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Vị sứ giả hòa bình nhí đã được đón chào nồng nhiệt tại Triều Tiên.

 
Cậu bé 13 tuổi người Mỹ  và “sứ mệnh hòa bình” tại Triều Tiên - 1
Jonathan và lá thư cậu bé muốn gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 11/8, trước khi lên đường tới Triều Tiên.
 
Jonathan Lee sinh ra ở Hàn Quốc nhưng hiện cậu bé sống ở Ridgeland, Mississippi, Mỹ. Hành trình của cậu bé tới Triều Tiên bắt đầu từ 8 ngày trước. Trước khi lên đường từ Bắc Kinh cậu bé 13 tuổi đã mong được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và các quan chức chính phủ khác để trình bày ý tưởng tạo một “khu rừng hòa bình của trẻ em” tại Panmunjom, làng đình chiến nằm ở khu phi quân sự DMZ chia chắt hai miền Triều Tiên kể từ khi Cuộc chiến Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.
 
 
Cậu bé 13 tuổi người Mỹ  và “sứ mệnh hòa bình” tại Triều Tiên - 2
Ảnh Jonathan chụp cùng một nữ quân nhân Triều Tiên trước một tàu hải quân tại Bình Nhưỡng.
 

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, 3 năm trước đây Jonathan đã gặp cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và gợi ý trồng cây hạt dẻ trên bán đảo Triều Tiên. Khi là tổng thống Hàn Quốc từ năm 1998-2003, ông Kim Dae-Jung đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm 2000, mở đường cho hòa giải liên Triều. Và ông Kim Dae-Jung đã được trao tặng giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực hòa giải này.

 

Trong lá thư Jonathan hi vọng gửi cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, cậu bé viết rằng: ngài Kim Dae-jung đã nói với cậu bé về “chính sách ánh dương” - cùng tồn tại hòa bình với Triều Tiên. Và “ông ấy đã hứa sẽ cho cháu cùng đi tới Triều Tiên nếu lần sau ông ấy tới đó. Song thật buồn là ông ấy đã qua đời vào năm ngoái. Cháu muốn thực hiện tiếp giấc mơ của ông ấy”.
 
 
Cậu bé 13 tuổi người Mỹ  và “sứ mệnh hòa bình” tại Triều Tiên - 3
Jonathan và các nữ tiếp viên tại một nhà hàng ở Bình Nhưỡng.
 

Nói về ý tưởng lớn của cậu con trai bé nhỏ, anh Hyoung Lee, cho biết: “Từ bé tôi luôn được dạy không nói chuyện, liên hệ với người Triều Tiên. Vì vậy mà tôi vô cùng bất ngờ khi con trai tôi muốn tới đó. Thực tình tôi đã không ngủ được suốt vài tuần qua”.


Nhưng Jonathan cho biết cậu bé đã được đón chào nồng nhiệt khi tới Triều Tiên. Mặc dù không có cơ hội gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il, nhưng cậu bé cho biết đã được tới khu phi quân sự DMZ và trình bày ý tưởng của cậu bé với những quan chức Triều Tiên khác.

 

Trở lại Bắc Kinh từ Triều Tiên, Jonathan đã bị các phóng viên bủa vây. Cậu bé cho biết: “Cháu đã thấy hi vọng trên bán đảo Triều Tiên. Cháu đã được đi nhiều nơi và nơi cháu ấn tượng nhất là DMZ. Đấy là nơi cháu hi vọng sẽ có một cánh rừng hòa bình cho trẻ em vào một ngày nào đó”.


Cậu bé hào hứng kể, quan chức chính phủ Triều Tiên “dường như rất ấn tượng với ý tưởng của cháu. Nhưng họ nói trước tiên phải ký hiệp ước hòa bình giữa Triều Tiên và Mỹ đã, bởi hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Và rồi sau đó cháu có thể trồng một cánh rừng hòa bình cho trẻ em”.
 
Cậu bé 13 tuổi người Mỹ  và “sứ mệnh hòa bình” tại Triều Tiên - 4
Jonathan trong vòng vây của báo giới khi trở về sân bay Bắc Kinh ngày 19/8.

Do Triều Tiên và Mỹ không có mối quan hệ ngoại giao nên những chuyến đi như của cậu bé Jonathan tới Triều Tiên là cực kỳ hiếm. Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã bắt giữ 4 người Mỹ vì tội vượt biên trái phép và hiện một người vẫn đang phải ngồi tù.

Bất chấp những rào cản chính trị lớn giữa Mỹ và Triều Tiên, cậu bé 13 tuổi cho biết sẽ vẫn tiếp tục vận động để thúc đẩy ý tưởng về một cánh rừng hòa bình, cho phép trao đổi giữa trẻ em hai bên và cậu bé hi vọng được trở lại thăm Triều Tiên một lần nữa vào năm tới.
 
 
Cậu bé 13 tuổi người Mỹ  và “sứ mệnh hòa bình” tại Triều Tiên - 5
 

Jonathan còn gửi thư tới cả Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, giải thích ý tưởng về cánh rừng hòa bình đầy cây ăn trái và cây hạt dẻ ở nơi trước kia được xem là tiền tuyến Chiến tranh Lạnh của thế giới.

 

Chuyến đi của Jonathan khiến chúng ta nhớ đến nỗ lực của cô bé 11 tuổi người Mỹ Samantha Smith tới Liên Xô (cũ) vào năm 1983, giữa lúc đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Trước khi đi, cô bé đã viết thư gửi nhà lãnh đạo Yuri Andropov, hỏi liệu ông có lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh hạt nhân chống Mỹ hay không.

 

Phan Anh

Tổng hợp