1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Cảnh báo khả năng thiết lập ADIZ ở Biển Đông

Dư luận đặc biệt quan tâm tới phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP-21) hôm 30-11 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc (TQ) khi nhấn mạnh, các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu không nên làm ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế các nước.

Và điều này đồng nghĩa với việc, Bắc Kinh sẽ không hy sinh kinh tế để chống biến đổi khí hậu bởi TQ hiện là quốc gia có tình trạng ô nhiễm môi trường vào loại nặng nề nhất.

Cũng trong ngày 30-11, ông Tập Cận Bình khi hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung - Mỹ cần kiên trì phương hướng đúng đắn xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới và các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, cũng như hợp tác cùng có lợi.

Và mặc dù cuộc gặp chỉ kéo dài 4 phút, nhưng dư luận vẫn rất quan tâm tới nội dung đã được trao đổi giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với ông Tập Cận Bình bên lề COP-21, khi lãnh đạo 2 nước cùng tái khẳng định các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương.

Cảnh báo khả năng thiết lập ADIZ ở Biển Đông - 1

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Nhật Bản

Ảnh hưởng phụ từ “điểm nóng”

Chiều 1-12, tại thủ đô Australia, Đại sứ quán Nhật Bản ở Canberra đã phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) tổ chức hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Cộng đồng quốc tế và cân bằng chiến lược ở Biển Đông”.

Tại đây, 4 diễn giả chính đều nhất trí cho rằng, Biển Đông đang phải đối mặt với cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc liên quan đến các quốc gia yêu sách và các cường quốc có lợi ích ở khu vực này.

Cựu Đại sứ Australia tại Thái Lan và Philippines, đồng thời cũng là cựu Cao ủy LHQ tại Singapore và Malaysia, ông Miles Kupa cho rằng, việc PCA tuyên bố có đủ thẩm quyền để xem xét đơn kiện của Philippines là một tín hiệu thuận lợi, nhưng có thể không ngăn được ý đồ của TQ ở Biển Đông.

Còn theo ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành ASPI, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông, thể hiện hành động nhiều hơn trước nhằm kiềm chế hành vi hiếu chiến của TQ. Nhưng một cuộc đối đầu trực diện Mỹ - Trung tại khu vực này khó có thể xảy ra vì 2 nước nhận thức rõ hậu quả của vấn đề này.

Trong khi đó, Giáo sư Ben Schreer, Trưởng khoa Hoạch định chính sách, tình báo và chống khủng bố thuộc Đại học Macquarie cho rằng, trước mắt Tokyo có thể không tuần tra cùng Washington ở Biển Đông bởi quan hệ Nhật - Trung vốn căng thẳng liên quan đến lãnh thổ và lịch sử; và Nhật Bản không muốn quan hệ với TQ thêm trầm trọng.

Còn Giáo sư James Goldrick thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc phòng của Đại học quốc gia Australia cho rằng, Australia nên chuẩn bị sẵn sàng tham gia cùng Mỹ hoặc một mình thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trước đó (29-11), tại Đại học Kyunghee, ở trung tâm thủ đô Seoul, đã diễn ra triển lãm ảnh về hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của TQ ở Biển Đông. Qua triển lãm ảnh lần này, ban tổ chức muốn giới thiệu rõ hơn về những hành động của TQ gây ảnh hưởng tới môi trường biển trong thời gian gần đây, đặc biệt là sự thay đổi của các thực thể, bãi đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Cảnh báo khả năng thiết lập ADIZ ở Biển Đông - 2

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani

Ngày 1-12, Tân Hoa xã cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Australia, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân TQ đã hội kiến với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne, sau khi ông Phòng Phong Huy tham dự Đối thoại Chiến lược Quốc phòng TQ - Australia lần thứ 18 với Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Australia Mark Binskin.

Trước đó (4-11), Bộ trưởng Quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn đã có cuộc gặp với bà Marise Payne, và lãnh đạo quân đội 2 nước đều cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Hơn 1 năm trước (13-10-2014), ông Thường Vạn Toàn đã hội đàm với người tiền nhiệm của bà Marise Payne, là ông David Johnston. Và từ đó đến nay, Australia và TQ không ngừng mở rộng hợp tác.

Điều đáng nói là việc này diễn ra trong bối cảnh Australia cũng đang thắt chặt quan hệ với Nhật Bản. Theo AFP, ngày 30-11, Nhật Bản đã nộp hồ sơ đấu thầu đóng tàu ngầm cho Australia - gạt Pháp và Đức để giành hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD này. Bởi trước đó Australia đã mời thầu cho dự án trị giá 36 tỉ USD để thay thế các tàu ngầm lớp Collins chạy bằng điện diesel và hạn chót là ngày 30-11.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani khẳng định, việc Canberra chọn Tokyo (đóng tàu ngầm lớp Soryu) có thể giúp đảm bảo an ninh hàng hải ở Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đang có nhiều “điểm nóng”. Nếu Nhật Bản trúng thầu thì đây sẽ là chương trình chuyển giao công nghệ vũ khí chính thức đầu tiên sau Thế chiến II.

Tận dụng mọi cơ hội

Ngày 30-11, Tân Hoa xã nhận định, khoảng 2 tuần gần đây, Thủ tướng Nhật Bản hết tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, lại đến Philippines dự Hội nghị Cấp cao APEC, sau đó tới Malaysia dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, rồi có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Chống biến đổi khí hậu ở Paris. Đi đến đâu ông Shinzo Abe cũng đề cập tới “vấn đề Biển Đông”.

Theo tờ Yomiuri Shimbun, chỉ có lãnh đạo 3/18 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là Lào, Campuchia và Nga là không đề cập tới “vấn đề Biển Đông”. Và thực tế cũng chứng minh, Biển Đông đang ngày càng căng thẳng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí xung đột đối đầu bởi hành vi leo thang phá vỡ hiện trạng, bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà TQ đã và đang tiến hành khiến dư luận vô cùng quan ngại.

Ngày 29-11, tờ Vượng báo của Đài Loan đưa tin, TQ sẽ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, bởi việc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bước vào giai đoạn kết thúc, do đó an toàn trên không của Biển Đông luôn là điểm yếu trong công tác phòng không của TQ. Và việc mua và bố trí hệ thống S-400 tại khu vực này nhằm chuẩn bị cho việc thiất lập ra cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông (ADIZ).

Giới quân sự cho rằng, việc triển khai nhiều loại vũ khí tiên tiến ở đây là một minh chứng, cũng là nguyên nhân khiến TQ bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, kiên trì xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhằm thực hiện mưu đồ của mình. TQ sẽ mua 6 tiểu đoàn S-400 và triển khai 4 hệ thống này tại Biển Đông.

Ngày 1-12, tờ South China Morning Post cho rằng, cuộc khủng hoảng 17 giây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra đối với TQ, nhưng nguyên do đến từ đồng minh của Mỹ (Nhật Bản, Philippines và Đài Loan) mượn oai Washington khi cho rằng, Bắc Kinh không dám đánh trả nên sẵn sàng manh động?! Và sau cuộc khủng hoảng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, các liên minh chính trị và quân sự sẽ phải xem xét, thay đổi điều lệ của mình để có thể thích ứng với tình hình thực tế.

Lại cảnh báo

Theo nhận định của ông Trương Bảo Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam ở Hongkong, TQ sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Mỹ ở Biển Đông nếu Washington “tiếp tục khiêu khích và đẩy vấn đề đi xa hơn những gì đã diễn ra” (?) Ông Trương Bảo Huy còn cho rằng, các nhà lãnh đạo TQ sẽ tăng cường các biện pháp quân sự đối phó với Mỹ nhằm “bảo vệ lợi ích chiến lược” ở Biển Đông và “bảo vệ danh dự nước lớn”.

Trong khi đó, Phó chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe từng quan ngại về tình hình leo thang ở Biển Đông sau hành động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của TQ, đồng thời ủng hộ việc tuần tra của tàu khu trục USS Lassen trong “khu vực 12 hải lý”.

Theo giới truyền thông, nhóm Kalayaan Atin Ito đã kêu gọi 1000 tình nguyện viên tham gia và họ sẽ sử dụng hơn 80 tàu đại diện cho các tỉnh ở Philippines nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ, cũng như khẳng định chủ quyền của Manila tại những đảo tranh chấp với TQ ở Biển Đông. Kế hoạch ban đầu của nhóm này là ra đảo biểu tình trong 1 tháng (từ 30-11 đến 30-12).

Việc này diễn ra sau khi Philippines vừa kết thúc một tuần tranh tụng trong vụ kiện “đường lưỡi bò” tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan. Giới chuyên môn khá quan tâm tới tuyên bố của Tiến sĩ Brian Eyler, chuyên gia về các vấn đề xuyên biên giới tại vùng Mekong và chuyên gia về hợp tác kinh tế giữa TQ với Đông Nam Á, khi ông cho rằng Biển Đông là “vùng xám” cưỡng ép mà tại đó các lợi ích của Mỹ và TQ chồng lấn hoặc xung đột nhau.

Ngày 29-11, tờ Nikkan Gendai (Nhật Bản) đưa tin, Tokyo đặc biệt quan tâm tới những động thái, cùng quyết định tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ trong vấn đề Biển Đông, thậm chí còn tuyên bố, sẽ nghiên cứu để điều Lực lượng Phòng vệ cùng tham gia tuần tra tại Biển Đông cùng quân đội Mỹ. Và Thủ tướng Shinzo Abe hầu như không còn che đậy tham vọng ở Biển Đông, khi cảnh báo về tình hình “tàu chiến Mỹ tiếp cận khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi tình hình này sẽ leo thang”.

Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản Katsutoshi Kawano cho rằng, lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản hiện đã có kế hoạch chế tạo tàu cung ứng lưỡng dụng đổ bộ, loại tàu chiến được dùng để cung cấp chi viện trên không và mặt nước ở hậu phương chiến tuyến, khi đối phương đổ bộ ở khu vực duyên hải.

Theo

PetroTimes