1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraina:

Cảnh báo khả năng "gió đổi chiều" từ Tây sang Đông

(Dân trí) - Hiệp định liên kết Ukraina - Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ 1/1/2016 đã gắn kết Ukraina vào tiến trình "xoay trục" sang Tây Âu, đồng thời xa rời quỹ đạo chính trị, kinh tế và văn hóa của Nga...

Cảnh báo khả năng "gió đổi chiều" từ Tây sang Đông - 1

Quốc hội châu Âu phê chuẩn Hiệp định liên kết Ucraina - EU tại Strasbourg, tháng 9/2014. (Ảnh: AFP)

...Tuy nhiên, công luận Ucraina có thể lại buộc Kiev phải đổi hướng  khi thấy rõ ước mơ đổi đời của họ không được đáp ứng.

Khi hội nhập vào Khu vực tự do mậu dịch châu Âu, Ukraina bị gạt ra bên ngoài khu vực tự do trao đổi thương mại với Nga. Đây là một lựa chọn đau đớn nếu chỉ xét về phương diện kinh tế, nhưng lại được đa số người dân Ukraina ủng hộ. Một số người đã biểu tình, thậm chí bỏ mạng để có được lựa chọn này.

Ukraina đã phải vượt qua nhiều chông gai, khủng hoảng để có được Hiệp định liên kết với châu Âu. Vào tháng 11/2013, việc Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovich từ chối ký thỏa thuận này đã làm dấy lên phong trào phản đối của phe thân châu Âu - phong trào Maidan (gọi theo tên một quảng trường ở trung tâm thủ đô Kiev).

Nhiều cuộc biểu tình kéo dài trên quy mô lớn trong suốt mùa đông 2013-2014, nhiều vụ bạo lực nổ ra khiến Tổng thốngYanukovich phải bỏ chạy sang Nga và chính phủ bị coi là thân Nga sụp đổ…

Cảnh báo khả năng "gió đổi chiều" từ Tây sang Đông - 2

Làn sóng biểu tình tại Kiev trước đây đòi Ucraina chuyển hướng sang Tây Âu, nay rất có thể gió lại đổi chiều (Ảnh: AP)

Vào lúc đó, Nga đã tố cáo các cuộc biểu tình phản đối là những hành động "nổi loạn của lực lượng phát xít" mới, rồi thực thi việc sáp nhập Crimea, hỗ trợ cho cuộc nổi dậy của phe thân Moskva tại miền Đông Ukraina.

Cho đến nay, nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết, nhưng xung đột quân sự ở miền Đông Ukraina vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Theo giới phân tích, chắc chắn châu Âu không mường tượng được rằng việc ký kết một hiệp định liên kết thuần túy, mang tính kỹ thuật, dày hơn 1000 trang, thậm chí không nêu ra triển vọng Kiev gia nhập EU lại dẫn đến hàng loạt biến động tại Ukraina, thậm chí đe dọa trật tự và tương quan lực lượng tại Châu Âu vốn được hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Hiệp định liên kết đề cập đến những cải cách chính trị, hợp tác và trao đổi thương mại. Nội dung đáng chú ý nhất của văn bản này là từng bước bãi bỏ hàng rào thuế quan, hướng tới thành lập một khu vực tự do mậu dịch song phương vào năm 2025. Về phần mình, Ukraina cam kết sửa đổi luật lệ, quy chuẩn phù hợp với đòi hỏi của thị trường châu Âu.

Vế chính trị, thỏa thuận này nhắm tới việc hỗ trợ Ukraina thực hiện các cải cách dân chủ, tăng cường hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Cụ thể là huấn luyện cảnh sát, hiện đại hóa bộ máy hành chính và các định chế của Ukraina, cũng như đẩy mạnh trao đổi giữa các trường đại học hai bên.

Trong giai đoạn 2014-2020, EU cam kết viện trợ mỗi năm một tỷ USD và cung cấp một khoản tín dụng 11 tỷ USD.

Ngay trong giới doanh nhân Ukraina đã có sự chia rẽ về Hiệp định liên kết với châu Âu. Ông Dmytro Shulga, chuyên gia thuộc Quỹ Vidrodjennia cho biết: "Đa số chủ doanh nghiệp hy vọng tranh thủ được thời cơ tiếp cận với nhiều thị trường mới và họ coi đó là một cơ may để hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Nhưng một số khác thì lo ngại không có triển vọng hội nhập vào phương Tây và mất mát nhiều thị trường với Nga".

Ngày 16/12/2015, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh đình chỉ việc áp dụng thỏa thuận năm 2011, áp dụng chế độ thuế hải quan ưu đãi và tái lập mức thuế hải quan 7% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Ukraina. Mặt khác, thực phẩm của Ukraina (giống như của châu Âu) cũng bị cấm nhập khẩu vào Nga.

Biện pháp này làm cho ngành nông nghiệp Ukraina thiệt hại hơn 600 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận, tái lập thuế không gây tác động nhiều vì theo như phân tích của chuyên gia Dmytro Shulga "trên thực tế, các trao đổi thương mại giữa Ukraina và Nga đã giảm tới 70% trong năm 2015".

Tổng thống Petro Porochenko "tố" Nga tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế Ukraina. Ông tuyên bố, Ukraina "sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả để có được tự do và lựa chọn châu Âu". Thế nhưng công luận Ukraina có thể buộc gió phải đổi chiều nếu phe thân châu Âu không thực hiện được những gì đã hứa.

Giáo sư Volodymir Yermolenko đang làm việc tại đại học Kyiv Mohylan ở Kiev, viện dẫn một ví dụ cụ thể để cảnh báo: "Gruzia cũng đã ký một hiệp định liên kết tương tự, nhưng giờ đây số người dân Gruzia ủng hộ Nga lại tăng vọt. Một kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra tại Ukraina!"

Quý Cao (theo RFI)