1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Canh bạc” vắc xin cúm lợn: Bài học đắt đỏ của cựu Tổng thống Gerald Ford

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford từng thất bại trong tranh cử tổng thống Mỹ một phần vì chương trình vắc xin đầy tham vọng của ông đã bất thành.

“Canh bạc” vắc xin cúm lợn: Bài học đắt đỏ của cựu Tổng thống Gerald Ford - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford công bố chương trình tiêm chủng cúm lợn toàn quốc vào năm 1976 (Ảnh: Getty) 

Tháng 1/1976, hàng trăm quân nhân ở Fort Dix, bang New Jersey, nhiễm  H1N1, vi rút khi đó được coi là “hậu duệ” của vi rút gây ra đại dịch cúm 1918 từng khiến 50 -100 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu.

Vào thời điểm đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hai lần một năm triệu tập hội đồng chuyên gia để xác định chủng cúm nào nên được tiêm phòng, sau đó cung cấp “vi rút hạt giống” cho các nhà sản xuất. Cựu Tổng thống Ford, quyết định “đi tắt đón đầu” khi nghe tin về mầm bệnh ở Ford Dix.

Đó là năm diễn ra bầu cử và ông Ford - người lên thay ông Richard Nixon đã từ chức 19 tháng trước đó - đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống cho 4 năm tiếp theo.

Ngày 22/3, ông Ford gặp gỡ các quan chức cấp cao, những người đề nghị một chương trình tiêm chủng đại trà, do họ thấy nguy cơ bùng phát một đại dịch. Ông Ford khi đó được nhắc nhở rằng: “Quốc hội, truyền thông và người dân Mỹ sẽ kỳ vọng một hành động nào đó”.

Hai ngày sau đó, ông gặp một nhóm chuyên gia rồi lên truyền hình phát biểu rằng “chúng ta không thể mạo hiểm với sức khỏe của cả nước” và đã đề nghị Quốc hội Mỹ duyệt chi chương trình khẩn cấp trị giá 135 triệu USD “để sản xuất đủ vắc xin tiêm chủng cho mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Mỹ."

Ông Ford nói rằng ông đã chỉ đạo Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi “phát triển kế hoạch có thể phát triển vắc xin cho toàn bộ người Mỹ” vào mùa thu.

Theo New York Times, một quan chức giấu tên của WHO khi đó đã bày tỏ sự ngạc nhiên vì “không có một quốc gia nào lại có kế hoạch tiêm chủng đại trà” để chống lại mầm bệnh mà WHO gọi là cúm lợn.

Các quan chức Mỹ được cho đã gây áp lực cho WHO để ủng hộ quyết định của ông Ford. Ngay hôm sau, các quan chức WHO đã ra thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng họ ủng hộ ông Ford trong nỗ lực tiêm phòng đại trà chống lại vi rút cúm lợn.

“Canh bạc” vắc xin cúm lợn: Bài học đắt đỏ của cựu Tổng thống Gerald Ford - 2

Ông Ford tiêm vắc xin ở phòng Bầu Dục (Ảnh: Flickr)

Mùa thu năm đó, những người nổi tiếng xếp hàng để được tiêm vắc xin. Ngay cả Tổng thống Ford cũng xuất hiện trong bức ảnh chụp ông được tiêm phòng ở phòng Bầu Dục.

Mặc dù vậy, chủng vi rút H1N1 ở Ford Dix đã không lây lan ra bên ngoài và chỉ có 1 quân nhân chết vì mầm bệnh. Thêm vào đó, vi rút cúm lợn này gần như không độc hại bằng chủng đã gây nên đại dịch năm 1918.

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ phân phối vắc xin trên diện rộng ra công chúng đã ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong 45 triệu người được tiêm vắc xin cúm lợn, có 450 người gặp phải hội chứng liệt Guillain-Barré và hơn 30 người chết.

Học viện Y khoa quốc gia Mỹ sau đó kết luận rằng những người tiêm chủng vắc xin cúm lợn 1976 đối mặt với rủi ro mắc bệnh Guillain-Barré cao hơn.

Tác dụng phụ của vắc xin đã khiến chính phủ Mỹ dừng chương trình tiêm chủng đại trà vào tháng 12.

Sự thất bại của tham vọng vắc xin được xem là một phần nguyên nhân khiến ông Ford năm đó thất cử trước đối thủ đảng Dân chủ Jimmy Carter.

Câu chuyện này hiện vẫn gây tranh cãi trong giới sử học và chuyên gia. Họ tranh luận về mục tiêu thực sự của ông Ford khi thúc đẩy việc tiêm đại trà vắc xin là vì lý do chính trị hay là ông thực sự chân thành muốn dập dịch nhưng đã bị định hướng bởi những cảnh báo chưa chính xác.

Có một điều rõ ràng là chiến lược dựa trên sự sợ hãi về mầm bệnh rõ ràng đã có tính thuyết phục. Nhiều người lo ngại thảm kịch như dịch cúm năm 1918 sẽ quay trở lại. Các quan chức y tế đã sử dụng sự sợ hãi để thúc đẩy ông Ford thông qua và nhận được ngân sách từ Quốc hội. Ông Ford cũng dùng sự sợ hãi để khuyến khích công chúng Mỹ tiêm chủng và cả truyền thông cũng vào cuộc. Giới sử gia cho rằng đây dường như là kết quả của việc những nỗi sợ hãi bị thổi phồng quá mức đã cản trở việc phán đoán một cách có lý.

Bài học cho ông Trump

Trong thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố Mỹ có thể có vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay, bất chấp các chuyên gia dự đoán thời hạn sớm nhất có thể phải tới năm sau.

Tháng trước, ông Trump cho biết chính phủ Mỹ sẽ có thể tìm cách “phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp” vắc xin Covid-19 trước khi các nhà khoa học tin rằng động thái này là đủ an toàn.

New York Times cho rằng, chính quyền ông Trump dường như đang tìm cách “đốt cháy giai đoạn” trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 3/11 sắp tới.

Gần đây nhất, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo tới các quan chức sức khỏe cộng đồng về việc chuẩn bị phân phối vắc xin Covid-19 cho các tới các nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao nhiễm virus corona vào cuối tháng 10.

Theo New York Times, những tuyên bố của ông Trump giống như đang đánh một “canh bạc”. Việc cấp phép sử dụng vắc xin khẩn cấp có thể sẽ cứu sống mạng người, nhưng cũng có khả năng gây ra nguy hiểm và tồi tệ hơn là làm xói mòn sự tin tưởng của công chúng vào vắc xin khi mọi chuyện không thành. Thậm chí, vắc xin chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng cũng có thể gây ra rủi ro về tính mạng của người được tiêm.

New York Times cho rằng, ông Trump có thể rút ra được kinh nghiệm từ bài học của ông Ford và hành động một cách thận trọng, không nóng vội. Tuy nhiên, điều này sẽ đồng nghĩa với việc, vắc xin sẽ có sau cuộc bầu cử vào tháng 11.