"Canh bạc lớn" của ông Biden trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, cơ sở hạ tầng là vấn đề an ninh quốc gia mà Trung Quốc đang đi nhanh hơn Mỹ.
Tại Washington ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về tầm quan trọng của gói đầu tư hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD mà ông mới đề xuất. Ông cho rằng, đầu tư vào hạ tầng là một phần trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. "Quý vị nghĩ là Trung Quốc ngồi chờ để đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, vào nghiên cứu và phát triển ư? Tôi khẳng định là không", ông Biden nói.
"Mỹ không còn là lãnh đạo của thế giới vì chúng ta không đầu tư", chủ nhân Nhà Trắng bình luận và cảnh báo Mỹ đang tụt lại phía sau so với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới trong các khoản đầu tư vào tương lai. Ông Biden dẫn số liệu cho thấy, chi tiêu của chính phủ Mỹ vào hạ tầng giảm tương đương 0,7% GDP và Mỹ là một trong số ít các nền kinh tế lớn mà đầu tư công vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển giảm.
Đó là lý do ông Biden đề xuất gói đầu tư 2,3 nghìn tỷ USD lớn nhất từ trước đến nay cho các dự án hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, chăm sóc y tế, sản xuất, nhà ở, trường học.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, khi bình luận về đề xuất này, ông Biden nói: "Nó sẽ tạo ra hàng triệu việc làm cho thu nhập tốt. Nó sẽ thúc đẩy nền kinh tế, làm tăng năng lực cạnh tranh của chúng ta, thúc đẩy các lợi ích an ninh quốc gia và giúp chúng ta thắng Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu trong những năm tới. Chủ nhân Nhà Trắng tin rằng, đầu tư là cách duy nhất giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc và giành lại vị thế dẫn đầu.
Kế hoạch gây tranh cãi
Ông Biden cho biết, ông và Phó tổng thống Kamala Harris sẵn sàng nhóm họp với các nghị sĩ lưỡng đảng trong vài tuần tới để thảo luận về gói đề xuất. Đề xuất đầu tư của ông Biden hiện vấp phải nhiều chỉ trích của đảng Cộng hòa, trong đó đặc biệt phản đối kế hoạch tăng thuế với doanh nghiệp để lấy ngân sách cho gói đầu tư. Họ cho rằng, tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ và có thể kéo theo tình trạng chuyển ngành sản xuất ra nước ngoài, gây tổn thất cho thị trường việc làm của Mỹ.
Ngoài ra, trong nội bộ đảng Dân chủ của ông Biden cũng xuất hiện những bất đồng về nguồn tiền cho gói đầu tư. Đây là một thách thức lớn đối với tham vọng của ông Biden nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc khi gói đầu tư do ông đề xuất vẫn cần sự phê chuẩn của quốc hội.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, ông Biden thể hiện rõ chính sách kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Tuy nhiên, khác với người tiền nhiệm Donald Trump, thay vì áp dụng chính sách "Nước Mỹ trên hết", ông Biden nhiều lần cho biết chính quyền của ông sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác nhằm ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu cuối tháng trước, ông Biden tuyên bố, ông sẽ ngăn Trung Quốc vượt Mỹ trở thành cường quốc số 1 thế giới và Mỹ sẽ cùng các đồng minh buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm trong các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương... "Trung Quốc muốn trở thành nước dẫn đầu thế giới, giàu nhất và mạnh nhất thế giới. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra bởi vì Mỹ vẫn tiếp tục phát triển", ông Biden nói.