1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Căng thẳng quan hệ Ấn Độ-Pakistan và mối lo của Mỹ

(Dân trí) - Chính quyền đương nhiệm và Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama "mất ăn mất ngủ" vì quan hệ Ấn Độ-Pakistan căng thẳng. Mumbai không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược chống khủng bố của chính quyền mới ở Washington, mà còn là chiếc gậy đập ngược lại đòn “đơn phương hành động” của Mỹ.

Lửa ở Nam Á

 

Căng thẳng New Delhi-Islamabad hôm qua lại tiến thêm một mức nữa khi Thứ trưởng Nội vụ Ấn Độ Shakkel Ahmad khẳng định tất cả những thủ phạm loạt tấn công vào Mumbai đều có nguồn gốc Pakistan, cho dù những kẻ chủ mưu và thực hiện vụ khủng bố có cơ sở đặt tại Pakistan nằm ngoài tầm kiểm soát của Islamabad. 

 

New Delhi cũng đã triệu đặc phái viên Pakistan tại Ấn Độ đến thông báo và yêu cầu hành động nhanh chóng trước trách nhiệm này.

 

Mỹ đã tỏ ý lo ngại về khả năng Ấn Độ sẽ tiến hành tấn công quân sự vào lãnh thổ Pakistan. Chính quyền Washington đang theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng và cố gắng thuyết phục New Dehli kiềm chề.

 

Trong những ngày vừa qua, Tổng thống tân cử Barack Obama đã ba lần gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Condolizza Rice để trao đổi thông tin về vụ này. Thứ 6 tuần trước, Tổng thống Bush đã gọi điện tới Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Đồng thời, bà Rice sẽ sang Ấn Độ vào ngày 3/12 tới. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Islamabad hợp tác chặt chẽ với New Dehli, điều tra làm rõ các thủ phạm.

 

Một nhóm nhân viên thuộc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng ngày hôm qua đã đến Mumbai để hỗ trợ công tác điều tra.

 

Đe doạ chiến lược chống khủng bố của Mỹ

 

Tình hình khu vực châu Á và trên thế giới sẽ trở nên nguy hiểm nếu xảy ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc nguyên tử là Ấn Độ và Pakistan. Hơn nữa, các diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới chiến lược chống khủng bố quốc tế của Mỹ trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của ông Barack Obama. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tập trung sức lực chống khủng bố tại Afghanistan, trong khi đó, Pakistan phải ra tay hành động trong khu vực các bộ lạc sát biên giới Afghanistan, được coi là nơi ẩn náu của lực lượng Al Qaida và Taliban.

 

Nếu phải đối phó với nguy cơ Ấn Độ tấn công, Pakistan sẽ phải rút giảm, điều động binh sĩ ở đó lên vùng biên giới phía Đông.

 

Vào tháng 12/2001, khi các chiến binh gốc Pakistan tấn công vào Quốc hội Ấn Độ và sau vụ các điệp viên Pakistan đặt bom sứ quán Ấn Độ tại Afghanistan mùa hè vừa qua, chính quyền của Tổng thống George Bush đã khá vất vả trong việc làm dịu nỗi tức giận của New Dehli.

 

Chiếc gậy của đòn “đơn phương”

 

Các nhà phân tích cho rằng lần này, New Delhi khó mà nghe theo Washington. Công luận Ấn Độ coi vụ tấn công vào Mumbai như là biến cố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh đang phải đối đầu với những chỉ trích gay gắt của phe đối lập và sức ép mạnh mẽ của công luận trong nước đòi phải có hành động trả đũa mạnh mẽ.

 

Nhưng điều đáng nói là chính Mỹ đã tạo ra tiền lệ. Vừa qua, bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa lực lượng Biệt Động sang Pakistan truy lùng khủng bố tại vùng biên giới chung với Afghanistan với lập luận: Nếu một quốc gia nào đó không thể giải quyết được nạn khủng bố thì Mỹ sẽ giành quyền đơn phương hành động.

 

Theo chính quyền New Dehli, tất cả các thủ phạm vụ tấn công vào Mumbai được huấn luyện bởi nhóm hồi giáo cực đoan Lashkar-e-Taiba, có cơ sở tại Pakistan. Các cơ quan tình báo của Mỹ và Nga cũng coi tổ chức này là nghi can số một. Vậy, điều gì sẽ ngăn cản Ấn Độ có lập trường tương tự như Mỹ, tức là đơn phương tấn công vào lãnh thổ Pakistan.

 

Nhiều chuyên gia khủng bố cho rằng có khả năng là chính phủ Ấn Độ quyết định khoanh vùng, chỉ tấn công vào những cơ sở huấn luyện của các nhóm khủng bố trong vùng các bộ lạc trên phần lãnh thổ Kashmir do chính quyền Islamabad quản lý, bởi vì nơi đây có ít binh sĩ Pakistan.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp