1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục leo thang

Đêm 11-8, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp kín bất thường về căng thẳng tại Crimea theo đề xuất của Đại diện thường trực Ukraine.

Trong cuộc họp kéo dài 1 giờ, Đại diện thường trực Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko đã yêu cầu phía Nga đưa ra các chứng cớ liên quan tới cáo buộc tình báo Ukraine đứng sau một âm mưu khủng bố vừa bị Nga phát giác ở Crimea.

Đại diện Ukraine cũng đề nghị các quan sát viên LHQ và Liên minh châu Âu (EU), cùng các quan chức Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế tới Crimea để thẩm vấn 2 đối tượng bị Nga bắt giữ trong vụ phát giác âm mưu khủng bố trên.

Về phần mình, phát biểu sau cuộc họp, Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vitaly Churkin đánh giá cuộc họp là hữu ích đối với Nga, giúp Mátxcơva cung cấp thông tin cho đại diện các nước khác về âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào hạ tầng cơ sở trên bán đảo này.

Ông Churkin cho biết, trong cuộc thảo luận, nhiều ủy viên HĐBA đã kêu gọi thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và "điều này là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Nga". Tuy nhiên ông cũng cho biết, điều khiến Nga và dư luận ngạc nhiên là chính Ukraine đã chủ động đề xuất đưa nội dung này vào cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ, mặc dù điều này cũng không làm thay đổi lập trường của Nga.

Vụ việc gây nên căng thẳng giữa Mátxcơva và Kiev bắt đầu vào cuối tuần qua, khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga cho biết đã phát hiện và triệt phá âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào phía Bắc Crimea, gần biên giới với Ukraine.

Tại hiện trường, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đã phát hiện 20 người mang theo thuốc nổ và vũ khí cùng loại mà lực lượng đặc nhiệm của quân đội Ukraine sử dụng. Một ngày sau, Nga triệt phá thêm hai âm mưu đột kích và khủng bố khác cũng tại Crimea.

Nga cáo buộc lực lượng tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau các âm mưu tấn công trên, nhằm làm bất ổn tình hình chính trị-xã hội tại Crimea trước thềm các cuộc bầu cử liên bang và địa phương. Trong khi đó, Ukraine phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời chỉ trích hành động của Nga là khiêu khích.

Tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass của Ukraine được lệnh sẵn sàng cho chiến tranh
Tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass của Ukraine được lệnh "sẵn sàng cho chiến tranh"

Sau khi các âm mưu tấn công bị triệt phá, an ninh đã được thắt chặt tại khu vực biên giới giữa Crimea và Ukraine. Nga đã tăng cường quân đội trang bị vũ khí hiện đại tới khu vực này, nhằm bảo đảm an ninh cho người dân Crimea.

Đồng thời ngày 12-8, thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Olga Kovitidi cũng thông báo internet đã bị ngắt ở khu vực phía Bắc bán đảo Crimea vì những lý do an ninh.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass ở miền Đông Ukraine "sẵn sàng cho chiến tranh".

Các đơn vị quân đội Ukraine đóng tại khu vực giáp ranh với bán đảo Crimea ngày 11-8 đã thi hành hàng loạt biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống.

Người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine Vladyslav Seleznev trả lời phỏng vấn hãng Interfax - Ukraine, nói rằng đây là biện pháp đáp trả trước việc quân đội Nga tăng cường gần Crimea.

Căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục leo thang khi có thông tin cho hay, Mátxcơva đang thảo luận khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev. Tờ Izvestia (Tin tức) dẫn nguồn tin ngoại giao Nga tiết lộ nước này đang xem xét một trong những phương án đáp trả quyết liệt âm mưu khủng bố tại Crimea mà phía Mátxcơva cho rằng có sự liên quan của tình báo quân đội Ukraine, trong đó không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev.

Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích đầy đủ các thông tin đã thu thập được.

Cũng theo nguồn tin trên, Mátxcơva đang xem xét khả năng đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước sau khi phía Ukraine từ chối đề xuất của Nga đề cử ông Mikhail Babich, người từng giữ một chức vụ cấp cao trong FSB, thay thế Đại sứ Nga Mikhail Zurabov tại Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu với hãng tin Nga TASS về vụ việc trên, đại diện Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, Berlin đặc biệt lo ngại về những căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine liên quan đến âm mưu tấn công trên bán đảo Crimea và hiện đang giám sát chặt chẽ tình hình xung quanh cuộc xung đột Ukraine. Đức đồng thời kêu gọi các bên từ bỏ đối đầu, tránh leo thang căng thẳng.

Cùng ngày, Mỹ cũng kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết, Washington "cực kỳ quan ngại" về căng thẳng leo thang gần ranh giới giữa bán đảo Crimea và Ukraine.

Theo Ngọc Thư

Quân đội nhân dân