Kịch bản xấu chiến tranh Nga-Ukraine: Chuyên gia đoán thời điểm
Trong khoảng thời gian từ 20/8-20/9, có 3 ngày được dự đoán sẽ xảy ra cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khi tình hình đang ngày càng nóng.
Mới đây, Trung tâm Tsiar bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí, cơ cấu công lực và các quan hệ quân sự-dân sự dự đoán 3 ngày sắp tới có thể là ngày nổ ra phát súng đầu tiên cho cuộc chiến Nga- Ukraine.
Tổ chức phi chính phủ này cho rằng từ phía Nga tất cả đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn chống Ukraine và quá trình này sẽ được khởi động bởi bất kỳ lí do nào, thậm chí với lí do không đáng kể.
Theo phán đoán của Tsiar, 3 ngày dễ xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine nhất là ngày 24/8 (Ngày độc lập Ukraine), ngày 5/9 (ngày họp G20), ngày 18/9 (Ngày bỏ phiếu bầu cử ở nước Nga).
Ngoài ra, các chuyên gia không loại trừ khả năng cuộc tập trận “Caucase-2016” diễn ra vào đầu tháng 9 sẽ chuyển thành cái cớ mở đầu cho cuộc chiến tranh.
Chưa kể, cuộc diễn tập kéo dài từ ngày 11-13/8, là một phần trong chuỗi các cuộc tập trận hải quân Kavkaz 2016 đã được Bộ Quốc phòng Nga lên kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, thời điểm diễn ra tập trận khiến giới chức Ukraine lo ngại rằng các hoạt động quân sự có thể leo thang nhanh chóng thành một cuộc xung đột trực tiếp.
Hiện Tổng thống Ukraine cũng đã ban lệnh sẵn sàng chiến tranh. Theo dự đoán của giới chuyên gia, Ukraine đưa quân đội tới mức sẵn sàng cho chiến tranh một cách toàn diện trong giai đoạn từ 20/8- 20/9.
Tiếp đến, Ukraine có thể sẽ xem xét khả năng ban bố tình trạng chiến tranh tại những tỉnh giáp ranh từ Chernigiv tới Odessa, đồng thời kêu gọi phương Tây gia tăng áp lực lên lãnh đạo Nga.
Người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine Vladyslav Seleznev trả lời phỏng vấn hãng Interfax-Ukraine, cho biết: “Chúng tôi thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống."
Ukraine cũng đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận theo kế hoạch tại khu vực miền Nam. Tổng thống Poroshenko cũng kêu gọi công dân Ukraine tránh những chuyến đi đến Crimea trong thời điểm này.
RIA Novosti tối 11/8 dẫn thông báo trên website của Tổng thống Ukraine cho biết Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao thu xếp một điện đàm với người đồng cấp Nga, Tổng thống Vladimir Putin về những diễn biến căng thẳng ở Crimea.
Ông Poroshenko dự kiến tổ chức hội đàm với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp theo “định dạng Normandy” cũng như với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Ngoài ra, Ukraine cũng sẽ tham vấn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và muốn tăng cường sự hiện diện của các quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trên biên giới bán đảo Crimea.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông báo sẽ tiến hành thảo luận về tình trạng leo thang căng thẳng tại Crimea.
Cuộc họp khẩn này được tiến hành theo yêu cầu của Phái đoàn thường trực Ukraine tại LHQ. Theo thông báo của phía Ukraine, nước này đã đề nghị HĐBA LHQ tổ chức các cuộc tham vấn vào ngày 11/8 về những diễn biến căng thẳng với Nga ở bán đảo Crimea.
Video: Nga công bố tang vật thu được của "khủng bố" tại Crimea:
Còn về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố rằng cái chết của 1 binh sĩ và 1 quân nhân nước này trong vụ đụng độ vũ trang ở khu vực biên giới giữa Crimea với Ukraine chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh các âm mưu gây bất ổn tình hình Crimea sẽ thất bại, đồng thời thúc giục các quốc gia khác gây sức ép lên Ukraine để nước này không có những hành động nguy hiểm.
Trước đó, Cơ quan an ninh Nga (FSB) cho biết đã đập tan "các vụ tấn công khủng bố" tại Crimea do lực lượng tình báo quân đội Ukraine tiến hành làm một sĩ quan thiệt mạng trong hai đêm 6/8 và 7/8 và một quân nhân khác cũng thiệt mạng khi đấu súng với nhóm "khủng bố" do Bộ Quốc phòng Ukraine cử đến.
Video: Cuộc tập trận của Hải quân Nga trên Biển Đen:
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết vào 15/8 tới, ông có kế hoạch tới thành phố Yekaterinburg để thảo luận với người đồng cấp Lavrov về vấn đề căng thẳng giữa Nga và Ukraine và tình hình Syria.
Ông Frank-Walter Steinmeier cho biết sẽ ủng hộ cách tiếp cận tránh đối đầu, thay vào đó tìm kiếm đối thoại với Nga, bởi hai bên cần có nhau, không chỉ vì hòa bình cho Syria mà cả với cuộc khủng hoảng tại Đông Ukraine.
Ông nhấn mạnh: "Không có Nga sẽ chẳng có hòa bình ở Ukraine hay ở Syria". Theo Ngoại trưởng Đức, hiện các bên đang tập trung cải thiện tình hình an ninh ở Donbass với việc duy trì lệnh ngừng bắn và chuẩn bị luật bầu cử địa phương ở Đông Ukraine.
Theo Đông Phong (Tổng hợp)
Đất Việt