1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cạm bẫy chực chờ

Việc quân đội Myanmar chọn viên tướng về hưu Myint Swe tham gia cuộc đua tới ghế tổng thống cho thấy quan điểm của họ vẫn rất cứng rắn.

Với đa số ghế tại lưỡng viện quốc hội, hầu như chắc chắn ứng viên của Đảng Liên đoàn Quốc gia dân chủ (NLD) - ông Htin Kyaw, trợ lý thân thiết của chủ tịch đảng này là “quý bà” Aung San Suu Kyi - sẽ trở thành tổng thống Myanmar. Trong khi đó, tướng Myint Swe từng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội và hiện còn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ do những vai trò trong chính quyền quân đội cũ.

Chính phủ dân cử đầu tiên của Myanmar sau hơn 50 năm lên nắm quyền vào đầu tháng 4 tới, với thách thức hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế ốm yếu. Song song đó là hòa giải dân tộc, xử lý tình trạng xung đột vũ trang… Đây đều là những nhiệm vụ nghẹt thở, nhất là khi đi kèm một hiện thực không dễ hóa giải: Quân đội vẫn nắm trong tay rất nhiều quyền lực.

Trên phương diện ngoại giao, “mảnh xương” khó nuốt nhất có lẽ là dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,5 tỉ USD ở bang Kachin, theo báo Irrawaddy (Myanmar). Dự án này bị Tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein đình chỉ vào tháng 9-2011 sau khi ông lên cầm quyền, với lý do người dân phản đối quyết liệt vì gây nguy hiểm cho môi trường.

Tuy nhiên, ông Thein Sein chỉ tạm dừng dự án trong nhiệm kỳ của mình nên vào cuối tháng 3 này, NLD phải có câu trả lời cho bài toán khó đầu tiên nói trên.

Biểu tình phản đối dự án đập Myitsone tại Myanmar vào năm 2011 Ảnh: AP
Biểu tình phản đối dự án đập Myitsone tại Myanmar vào năm 2011 Ảnh: AP

Tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tự tin tuyên bố dự án đập Myitsone sẽ hồi sinh. Bản thân nhà đầu tư - Công ty Đầu tư năng lượng quốc gia Trung Quốc - rất tích cực vận động tại Myanmar. Theo Irrawaddy, nếu cho dự án này sống lại, NLD sẽ gánh những chỉ trích về uy tín, năng lực từ phía người dân. Nhưng “giết” luôn dự án đồng nghĩa với việc Myanmar phải bồi thường không nhỏ cho Trung Quốc, kéo theo đó là những hệ lụy chính trị.

Dự án Myitsone là ví dụ điển hình cho mối quan hệ khó xử với Trung Quốc. Dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar song theo báo The Straits Times (Singapore), ngay cả quân đội Myanmar cũng không muốn “lụy” Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia phương Tây ở Yangon lưu ý quân đội Myanmar sợ nhất là bị đặt biệt danh “Triều Tiên của Đông Nam Á” hay “chư hầu của Bắc Kinh”.

Nhưng bẫy không chỉ giăng trước lối đi của bà Suu Kyi. Báo The Financial Times (Anh) cảnh báo nỗ lực “sắp xếp lại” quan hệ với láng giềng ở phía Nam của Trung Quốc cũng đối mặt nhiều cái giá không mong đợi. Lúc này, ngoài dự án Myitsone, Trung Quốc còn tăng tốc thúc đẩy đặc khu kinh tế (SEZ) Kyaukpyu nằm ở bờ biển Tây Nam Myanmar, có tổng vốn hơn 10 tỉ USD và do Tập đoàn Citic làm chủ đầu tư.

Bắc Kinh hy vọng Kyaukpyu sẽ trở thành khu hậu cần và gia công khoáng sản lớn của khu vực, từ đó làm bước đệm cho kế hoạch “Một vành đai, một con đường”. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc đang vấp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn của Nhật Bản. Vốn đầu tư của Tokyo sắp rải khắp các khu vực hạ tầng của Myanmar. Sau khi khởi động thành công SEZ Thilawa trị giá 2 tỉ USD gần Yangon, Nhật đang nhắm tới SEZ Dawei gần biên giới Thái Lan.

Nóng ruột, Trung Quốc càng dồn sức mạnh chính trị và tài chính vào Kyaukpyu bất chấp các câu hỏi về tính thương mại và xã hội của dự án. Không như những SEZ khác, Kyaukpyu cách xa các thành phố lớn cũng như biên giới Trung Quốc.

“Nhiều khả năng Myanmar sẽ kêu gọi Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Bắc Kinh dẫn đầu bỏ tiền xây 800 km đường mới để nối Kyaukpyu với biên giới Trung Quốc” - ông Win Myint, Giám đốc Ủy ban đánh giá gói thầu Kyaukpyu, nói với tờ The Financial Times. Trừ khi Tập đoàn Citic chấp nhận rủi ro và bỏ ra hàng tỉ USD xây hạ tầng mới, Kyaukpyu sẽ theo chân Myitsone, tờ báo chốt lại.

Theo Mỹ Nhung

Người Lao động