Cái bóng khổng lồ của cựu Thủ tướng Thaksin
(Dân trí) - Mặc dù tuyên bố không tham gia chính trường và chỉ đi du lịch, sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm ngoái, nhưng cựu Thủ tướng Thaksin vẫn có một ảnh hưởng to lớn đối với nền chính trị Thái Lan.
Theo tiết lộ của chính cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ông đang thành lập một đảng mới hoàn toàn khác với đảng Người Thái yêu người Thái của ông trước đây. Trong nhiều tháng qua, nhà tỉ phú 57 tuổi đã hứa sẽ không quay trở lại đấu trường chính trị. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tạp chí Time châu Á tại Tokyo vào tuần trước, cựu Thủ tướng đã tuyên bố: "Đảng mới của tôi sẽ có tên là Đảng yêu cuộc sống (ELP)".
Khi được hỏi về cương lĩnh của ELP, ông Thakssin hài ước nói: "Chơi golf, du lịch, nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè... Không nên quá quan trọng về cuộc sống".
Có vẻ như trong thời gian này, ông Thaksin đang vui sống với một tâm trạng bình thản. Mặc dù bị lật đổ trong cuộc đảo chính đầu tiên trong vòng 15 năm nhưng cựu Thủ tướng Thái Lan như muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng ông không hề bận tâm tới việc này. Ông tìm niềm vui với du lịch và môn thể thao golf mà gần đây nhất là khoảng thời gian nghỉ ngơi khá dài của ông tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ông Thaksin nói: "Tôi đã giảm cân vì có thời gian tập yoga chứ không phải vì cảm thấy bất bình như có người từng suy đoán. Tôi rất thoải mái". Sự thật, cựu Thủ tướng đã bày tỏ lòng biết ơn với những tướng lĩnh quân đội đã lật độ ông và thành lập Hội đồng an ninh quốc gia (CNS). Ông Thaksin tâm sự: "Cảm ơn CNS, vì sự kiện đó tôi mới có thời gian nghỉ ngơi. Sau khi bị lật đổ, tôi đã có một lý do để thoát khỏi chính trường".
Có thể ông Thaksin thực lòng muốn đứng ngoài chính trường Thái Lan, nhưng dù muốn hay không, cái bóng to lớn của ông - bề ngoài có vẻ như là một người đã về hưu - cũng đủ gây lo lắng cho Hội đồng an ninh quốc gia.
Thaksin đang điều khiển ngầm một đất nước bị chia rẽ sâu sắc. Trong khi tầng lớp trung lưu biểu tình tẩy chay Thaksin thì phần đông dân số Thái tại các vùng nông thôn vẫn ủng hộ ông - nhà lãnh đạo luôn có những chính sách ủng hộ người nghèo. Nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay hôm nay, Thaksin có thể vẫn giành chiến thắng áp đảo.
Anh nông dân Mukda Phardthaisong, hiện đang sinh sống tại Nakhon Ratchasima thuộc vùng đông bắc của Thái Lan nói: “Nếu Thaksin ra tranh cử, tôi vẫn muốn ông ấy trở thành nhà lãnh đạo bởi Thaksin là người rất quan tâm tới tầng lớp dân nghèo hơn là tầng lớp trung lưu và các quan chức chính phủ. Trong khi đó, người nghèo không quan trọng đối với chính phủ mới”.
Một số người tỏ ra nghi ngờ rằng các quan chức lâm thời không được bầu chọn công khai hiện nay rất sợ bóng ma của nhà lãnh đạo đã bị lật đổ. Ngoại trưởng Thái Nitya Pibulsonggram nói: “Có những bằng chứng chỉ ra rằng ông Thaksin không định rút lui. Chúng tôi rất lo ngại”.
Hội đồng an ninh quốc gia (CNS) đang cố gắng tách biệt họ với những ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin. CNS cảnh báo các phương tiện truyền thông trong nước không nên đưa tin về Thaksin. Gần đây, một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn CNN với cựu Thủ tướng cũng đã bị chặn lại tại sân bay Thái.
Việc Thaksin gặp gỡ quan chức cấp cao các nước ở nước ngoài cũng bị hạn chế. Đầu tháng 1/2007, khi Thaksin gặp gỡ Phó thủ tướng Singapore S. Jayakumar, Thái Lan đã bày tỏ sự giận dữ và ngay lập tức hoãn hàng loạt các buổi gặp gỡ ngoại giao giữa 2 nước.
Vài ngày sau đó, Tướng Sonthi Boonyaratglin ám chỉ kín đáo rằng Singapore có thể làm phật lòng các nhà lãnh đạo Thái qua việc mua lại Shin Corp - hiện sở hữu doanh nghiệp thông tin di động và vệ tinh lớn nhất tại thị trường Thái Lan. (Trước đây Shin Corp thuộc quyền sở hữu của gia đình Thaksin. Năm ngoái, ông đã bán cho Temasek Holdings, một nhà đầu tư của chính phủ Singapore với giá 1,9 triệu USD).
Ukrist Pathmanand, giám đốc viện nghiên cứu châu Á tại ĐH Chulalongkorn (Bangkok) nói: “Thaksin khiến CNS rất lo sợ. Tôi không tin ông ta đứng ngoài lĩnh vực chính trị. Tôi có thể nhìn thấy Thaksin quay trở lại khi mọi người bắt đầu nghĩ rằng CNS đang thất bại".
Sự thật, Hội đồng an ninh quốc gia - từng tuyên bố lật đổ Thaksin để lập lại sự thống nhất trên toàn quốc và ngăn ngừa một cuộc đấu tranh bạo lực giữa những người ủng hộ và nhóm chống đối, cũng đang lâm vào tình thế khó khăn.
Tướng Sonthi và Thủ tướng lâm thời Surayud Chulanont do CNS chỉ định đã cam kết một cuộc bầu cử trong sạch vào cuối năm. Nhưng chỉ 4 tháng sau cuộc đảo chính, các cuộc khảo sát cho thấy người dân Thái đang lo lắng về phương pháp điều hành đất nước của quân đội.
Cùng thời điểm này, các biện pháp tài chính sai lầm được đưa ra bởi nội các do quân đội bổ nhiệm đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại. Trong khi đó, hàng loạt vụ đánh bom chết người rung chuyển Bangkok ngay trước thềm năm mới 2007 vẫn chưa được làm rõ.
Tại miền Nam Thái Lan, những người nổi dậy dòng Hồi giáo đã và đang tổ chức những chiến dịch dính máu khi 3 dân thường theo đạo Phật bị họ sát hại vào đầu tuần trước. Thaksin cho biết, nếu ông được trở về nhà, Thaksin có thể hàn gắn đất nước. Thaksin nói: “Tái hoà giải đất nước giống như là vỗ tay vậy. Nếu bạn chỉ đưa một tay và để tay kia ở xa, làm sao bạn có thể vỗ tay được? Tôi đã rời khỏi chính trường nhưng đừng lo, tôi muốn giúp đỡ việc hoà giải đất nước”.
Tuy nhiên, dù Thaksin có nói gì đi nữa, nhiệm kỳ làm Thủ tướng của ông cũng gây nhiều tranh cãi và có những sai lầm. Ông Thaksin từng bị lên án đối xử tàn tệ với người Hồi giáo ở miền Nam, bị Liên Hợp Quốc chỉ trích vi phạm nhân quyền vì đã có hơn 2.000 người chết trong cuộc chiến chống thuốc phiện năm 2003.
Ngoài ra, nhiều người báo cuộc cựu Thủ tướng thâu tóm quyền lực riêng trong tay khi bán lại tập đoàn Shin Corp mà không nộp thuế, gây nên làn sóng biểu tình đòi ông từ chức.
CNS hiện đang điều tra 52 trường hợp chống lại ông Thaksin vì có liên quan tới tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực, ăn hối lộ... Dự kiến, CNS có thể sẽ đưa ông Thaksin ra ra xét xử vào cuối tháng 2 này.
VTH
Theo Time