Cách châu Âu đối phó cuộc chiến năng lượng với Nga khi mùa đông đến gần
(Dân trí) - Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về một số biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá tăng vọt, gồm đánh thuế siêu lợi nhuận đối với một số nhà sản xuất năng lượng.
Những biện pháp cấp bách này được thống nhất tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ hồi cuối tháng 9. Ngoài ra, các nước còn đặt ra các mục tiêu giảm tiêu thụ bắt buộc nhưng vẫn chia rẽ trước lời kêu gọi áp giá trần với khí đốt tự nhiên.
Cuộc họp trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) từ Nga sang châu Âu bị rò rỉ, nghi do phá hoại, và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang khiến giá điện tăng cao, gây lo ngại về tình trạng bất ổn kinh tế, xã hội sâu rộng hơn.
"Châu Âu đang bị Nga gây áp lực bằng năng lượng và nhu cầu khí đốt toàn cầu hiện cao hơn nguồn cung. Chúng ta cần phối hợp trong toàn bộ chuỗi cung ứng để giải quyết thách thức này", Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho hay.
Mỗi quốc gia thành viên EU cũng đã thúc đẩy kế hoạch của riêng họ.
Đức đã công bố một chương trình trị giá 194 tỷ USD để giải quyết giá năng lượng tăng cao, tìm cách bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khỏi tác động tồi tệ nhất khi nhiệt độ trên khắp châu Âu bắt đầu giảm xuống.
Thông báo của Đức cũng nhấn mạnh phản ứng khác nhau của các nước châu Âu đối với giá năng lượng tăng như thế nào. Một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Pháp, đã nhanh chóng can thiệp để áp đặt mức giá trần năng lượng.
EU có kế hoạch sẽ đánh thuế lợi nhuận của các nhà sản xuất điện không dùng khí đốt khi họ bán trên một mức giá nhất định và yêu cầu các công ty nhiên liệu hóa thạch phải trả một khoản "đóng góp đoàn kết" từ thu nhập năm 2022. Số tiền này sau đó sẽ được phân phối lại để hỗ trợ cho người tiêu dùng.
Để giảm nhu cầu, các nước cũng đồng ý với mục tiêu tự nguyện giảm 10% tổng tiêu thụ điện và mục tiêu giảm bắt buộc là 5% điện năng tiêu thụ trong giờ cao điểm.
Hơn 10 quốc gia EU đã thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất giới hạn giá khí đốt, một lời kêu gọi mà liên minh này vẫn chưa được áp dụng.
Nhưng Ủy viên phụ trách Năng lượng của EU - Kadri Simson cho rằng, cuối cùng có thể cần phải có một giới hạn. "Chúng tôi đang đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt đường ống đáng tin cậy. Nếu điều này không mang lại kết quả, thì có thể tính đến việc bị giới hạn giá", bà Simson nói.
Giải pháp của Pháp và Đức
Chính phủ Pháp đã yêu cầu công ty năng lượng nhà nước chiếm đa số bán điện với giá thấp và nhanh chóng can thiệp để áp đặt mức giá trần năng lượng.
Phản ứng nhanh chóng có lẽ đã bắt nguồn từ giai đoạn đầu nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron, với phong trào biểu tình "Áo vàng" nhằm phản đối thuế nhiên liệu liên quan đến môi trường năm 2018-2019. Biểu tình sau đó lan rộng và trở nên ngày càng bạo lực trước khi lắng xuống trước các nhượng bộ của chính phủ.
Khi nước này chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4, chính phủ của Tổng thống Macron đã giới hạn tăng giá điện ở mức 4% và đóng băng giá khí đốt tự nhiên ở mức thấp năm 2021 và tiếp tục giữ như vậy sau cuộc bầu cử.
Hồi đầu tháng, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho hay, mức tăng giá điện và khí đốt tự nhiên sẽ được giới hạn ở 15% trong năm 2023 và 12 triệu gia đình có thu nhập thấp sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp một lần trị giá khoảng 200 USD để hỗ trợ chi phí năng lượng.
Các biện pháp áp giá trần và trợ cấp năng lượng dự kiến khiến Pháp thiệt hại khoảng 44 tỷ USD và chính phủ sẽ phải vay khoản tiền kỷ lục, khoảng 260 tỷ USD, để tài trợ cho ngân sách mở rộng của mình vào năm tới.
Nhưng chi tiêu trong tương lai thậm chí có thể còn cao hơn ở nước láng giềng Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Nga so với hầu hết các nước châu Âu khác.
Sau khi quốc hữu hóa nhà nhập khẩu khí đốt Uniper hồi đầu tháng 9, chính phủ Đức đã bãi bỏ thuế khí đốt được lên kế hoạch áp dụng từ ngày 1/10.
Thay vào đó, họ dự kiến thực hiện các biện pháp ứng phó có nhiều điểm tương đồng với Pháp. Các hộ gia đình tư nhân, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ nhận được một lượng điện cơ bản với mức trợ cấp. Nếu sử dụng quá lượng điện được trợ giá đó, họ sẽ phải trả theo giá thị trường.
Đức mong muốn duy trì khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng.
Các quan chức Đức đã kêu gọi công chúng sử dụng ít năng lượng hơn bằng cách giặt quần áo ở nhiệt độ 86 độ F (30 độ C), sử dụng các bóng đèn tiết kiệm năng lượng hơn và sưởi ấm ngôi nhà của họ ở khoảng 66 độ F (19 độ C).
Người dân cũng được khuyên rút ngắn thời gian tắm và giảm nhiệt độ nước nóng. Các đài kỷ niệm, các tòa nhà công cộng và cửa sổ cửa hàng trên toàn quốc đã không còn được thắp sáng vào ban đêm.
Cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu
Giá năng lượng tăng cao đã làm dấy lên một số cuộc tranh luận song song về cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.
Tại Đức, trong tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck - một thành viên của Đảng Xanh - cho biết nước này nhiều khả năng chưa thể đưa tất cả các nhà máy điện hạt nhân còn lại ra khỏi lưới điện vào cuối năm nay như kế hoạch ban đầu.
Quyết định của Đức vào năm 2011 về việc đóng cửa tất cả các lò phản ứng vào năm 2022 đã được đưa ra sau nhiều thập niên đảng Xanh đấu tranh đòi từ bỏ năng lượng hạt nhân. Nhưng ông Habeck lập luận, việc kéo dài thời gian hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân này là cần thiết, khi các nguồn cung năng lượng khác của Đức, đặc biệt là khí đốt Nga, suy giảm trầm trọng.
Pháp cũng đang chịu áp lực từ chính phủ Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong việc phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa nước này với Tây Ban Nha qua dãy núi Pyrenees.
Các quan chức Pháp cho rằng, các hệ thống đường ống hiện có giữa hai nước đã đủ công suất và dự án xây dựng một đường ống mới cần quá nhiều thời gian để xây dựng.
Nhưng những người ủng hộ đường ống ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lập luận rằng, Pháp đang tìm cách tạo lợi thế cho các nhà sản xuất năng lượng của chính họ bằng cách hạn chế lượng khí đốt mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể chuyển đến Trung Âu.
Tại Anh, tuần trước, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với quá trình khai thác khí đá phiến, một quy trình đầy rủi ro về môi trường, đảo ngược quyết định trước đó được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ gây chấn động trái đất.
Và chính những thách thức này khiến kế hoạch ứng phó khủng hoảng năng lượng vào mùa đông của châu Âu tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.