(Dân trí) - Khi việc tiêm chủng diễn ra rộng rãi, các quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và bước đầu áp dụng hộ chiếu vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, có những khó khăn khi áp dụng giấy tờ này trên toàn cầu.
CÁC NƯỚC XÚC TIẾN HỘ CHIẾU VẮC XIN COVID-19, THẬN TRỌNG MỞ CỬA
Khi việc tiêm chủng diễn ra rộng rãi, các quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và bước đầu áp dụng hộ chiếu vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, có những khó khăn khi áp dụng giấy tờ này trên toàn cầu.
Nhiều nước nghiên cứu hộ chiếu vắc xin
Ý tưởng về hộ chiếu vắc xin Covid-19 lần đầu được đề xuất dựa trên những giấy chứng nhận tiêm chủng mà một số quốc gia yêu cầu hành khách xuất trình khi nhập cảnh trước cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chẳng hạn, du khách từ nhiều quốc gia châu Phi đến Mỹ phải xuất trình được giấy chứng nhận đã tiêm chủng các bệnh như sốt vàng da. Nhưng với hộ chiếu vắc xin Covid-19, đây là nỗ lực đầu tiên của nhân loại nhằm biến các giấy chứng nhận này thành một loại tài liệu kỹ thuật số, chứng minh độ an toàn của người sở hữu nó.
Các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn… sẽ là những nhóm được hưởng lợi ích trực tiếp từ việc áp dụng hộ chiếu vắc xin để đẩy nhanh quá trình mở cửa biên giới, khôi phục du lịch hàng không quốc tế vốn gần như bị đình trệ trong cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua.
Một chức năng khác mà các chính phủ kỳ vọng ở hộ chiếu vắc xin là số hóa hồ sơ tiêm chủng giữa các quốc gia trên toàn cầu một cách thống nhất. Trong khi một số quốc gia đã bắt đầu triển khai chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng như một bằng chứng để vượt qua các tiêu chuẩn kiểm dịch khi nhập cảnh, một loại hộ chiếu vắc xin phổ biến và được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu vẫn chưa được áp dụng.
Đơn cử, Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế - cơ quan thương mại toàn cầu đại diện cho các hãng hàng không - đang phát triển một ứng dụng có tên IATA Travel Pass nhằm cung cấp cho các hãng hàng không một nền tảng chung để kiểm tra xem một hành khách đã được tiêm chủng hay chưa.
Một ứng dụng khác có tên CommonPass được phát triển bởi dự án phi lợi nhuận Common cũng có chứa thông tin tiêm chủng, giúp các hãng lữ hành xác minh hành khách đã được tiêm vắc xin hay chưa. Ứng dụng này đã được sử dụng cho các chuyến bay ra khỏi New York, Boston, London và Hong Kong với các hãng hàng không gồm United Airlines, JetBlue, Lufthansa, Swiss International và Virgin Atlantic kể từ tháng 12 năm ngoái.
Ngày 28/3 vừa qua, New York cũng trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ triển khai ứng dụng xác minh tiêm chủng, còn gọi là hộ chiếu vắc xin, dựa trên nền tảng ứng dụng Excelsior Pass (IBM) với công nghệ blockchain và hiển thị mã QR cá nhân để xác minh tình trạng sức khỏe của người dùng.
Israel là một trong những quốc gia đi đầu trong áp dụng hệ thống chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19. Hồi tháng 2, nước này đã áp dụng sử dụng "giấy thông hành vắc xin" tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, phòng tập, khách sạn trong nước.
Trung Quốc vào đầu tháng 3 cũng cung cấp cho công dân một giấy chứng nhận kỹ thuật số - tiền đề cho hộ chiếu vắc xin - thông qua nền tảng mạng xã hội WeChat và công nghệ QR code. Ứng dụng này có khả năng cung cấp thông tin đầy đủ về sức khỏe của công dân, bao gồm kết quả xét nghiệm kháng thể Covid-19 cũng như tình trạng tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Đến giữa tháng 3, EU tiếp tục công bố các đề xuất liên quan đến hộ chiếu vắc xin cho các quốc gia trong khối. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, hộ chiếu vắc xin của EU sẽ cho phép mọi công dân thuộc các nước thành viên khối di chuyển tự do mà không cần phải cách ly trong nội bộ khối.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng hộ chiếu vắc xin trên toàn cầu là sự thiếu đồng nhất giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực pháp lý trong năng lực tiêm chủng và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng.
Trong một báo cáo tạm thời về ý tưởng áp dụng hộ chiếu vắc xin hồi tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã phản đối ý tưởng dùng giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 như một yêu cầu để hành khách thực hiện các chuyến du lịch quốc tế. WHO cho rằng ở thời điểm hiện tại, các cơ quan quản lý quốc gia và các hãng vận tải lữ hành không nên đưa ra yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 như một điều kiện bắt buộc để nhập cảnh hoặc khởi hành trong các chuyến bay quốc tế. Vẫn còn những ẩn số về hiệu quả của tiêm chủng vắc xin trong việc giảm lây nhiễm Covid-19.
"Ngoài ra, nguồn vắc xin có hạn hiện tại dẫn đến nguồn cung vắc xin có thể không đủ cho nhóm công dân được ưu tiên tiêm chủng - những người có nguy cơ cao nhiễm virus nghiêm trọng…. Trong bối cảnh hiện tại, việc đưa ra yêu cầu về giấy chứng nhận tiêm chủng như một điều kiện nhập cảnh và di chuyển qua biên giới có thể sẽ cản trở khả năng tiếp cận công bằng giữa các quốc gia với nguồn cung vắc xin hạn chế", WHO nhấn mạnh.
Thêm vào đó, một số chuyên gia bày tỏ những lo ngại về quyền riêng tư khi sử dụng hộ chiếu vắc xin điện tử. Nguyên nhân là các tài liệu kỹ thuật số như vậy có nguy cơ bị các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ sử dụng như một nguồn theo dõi lộ trình của người dùng.
Khi tình hình tiêm chủng vắc xin tiến triển thuận lợi và các ca nhiễm Covid-19 có xu hướng được kiểm soát, một số quốc gia đã từng bước mở cửa để phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là những nơi phụ thuộc nặng nề vào ngành du lịch như Thái Lan, Hy Lạp, Maldives. Trong khi đó, một số nước vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh.
Chính phủ Mỹ thận trọng
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ưu tiên các nỗ lực cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và thúc đẩy mạnh mẽ chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc mới tại Mỹ đã giảm dần trong tháng 2. Khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu khả quan, chính phủ Mỹ đang đứng trước sức ép mở cửa lại nền kinh tế.
Hồi cuối tháng 3, hàng loạt hãng hàng không và lữ hành đã đệ đơn thúc giục chính phủ mở cửa biên giới vào mùa hè này. Trong một bức thư gửi tới điều phối viên của Nhà Trắng về đại dịch Jeffrey Zient, hơn hai chục nhóm ngành kinh tế bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội du lịch và Hiệp hội hàng không Mỹ nhấn mạnh: "Đã đến lúc lập kế hoạch về lộ trình mở cửa trở lại du lịch quốc tế", đồng thời bày tỏ kỳ vọng những hạn chế sẽ được dỡ bỏ một phần trước ngày 1/5. Hiệp hội lữ hành Mỹ dự báo sẽ có khoảng 1,1 triệu người Mỹ mất việc và thiệt hại tiềm năng lên tới 262 tỷ USD nếu các lệnh hạn chế được duy trì đến cuối năm nay. Tuy nhiên, phía chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang tỏ ra thận trọng.
Mỹ đã cấm hầu hết hành khách từ Anh, châu Âu, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi nhập cảnh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, khiến lượng du khách quốc tế giảm mạnh, gây thiệt hại ước tính lên tới 146 tỷ USD cho nền kinh tế. Mỹ hiện cũng cấm du khách đến hoặc từng quá cảnh 39 quốc gia thuộc nhóm nguy cơ cao trong 14 ngày gần nhất nhập cảnh. 39 quốc gia chủ yếu bao gồm các nước EU, Anh và Nam Phi.
Châu Âu tiếp tục siết hạn chế nhập cảnh
Tại Liên minh châu Âu, khi đại dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, một số quốc gia đang siết chặt hạn chế nhập cảnh thay vì mở cửa trở lại biên giới. Làn sóng dịch bệnh thứ ba đang càn quét lục địa này, khi biến chủng virus dễ lây lan từ Anh xuất hiện ở ít nhất 27 quốc gia EU bao gồm Đức, Ý, Đan Mạch, Ireland, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Kể từ tháng 1/2021, các quan chức lãnh đạo EU đã bắt đầu thảo luận về việc hạn chế di chuyển qua biên giới quốc gia trong nội bộ khối như một nỗ lực ngăn chặn sự lây lan virus.
Tuy vậy, mỗi quốc gia EU có một tiêu chuẩn riêng cho công dân nước thứ ba nhập cảnh. Trong khi một số nước có ý định mở cửa trở lại biên giới như Hy Lạp, nhiều nước khác lại quyết định siết chặt các biện pháp kiểm dịch với những cá nhân nhập cảnh từ một khu vực, quốc gia khác.
Chẳng hạn, Pháp đã cấm tất cả các du khách đến từ những quốc gia bên ngoài EU, các lệnh kiểm soát biên giới được áp đặt trở lại đến ít nhất cuối tháng 4/2021. Du khách trên 11 tuổi đến từ các quốc gia EU phải xuất trình xét nghiệm âm tính Covid-19 trong tối đa 3 ngày gần nhất để được nhập cảnh.
Ở Italia, tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục kéo dài đến ít nhất ngày 30/4, và nhập cảnh từ nước ngoài gần như bị hạn chế hoàn toàn. Về nguyên tắc, hầu hết những người nhập cảnh từ các quốc gia EU đều được vào Italia nếu xuất trình được kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 48 giờ gần nhất. Ngày 30/3, nguồn tin từ Bộ Y tế Italia cho biết nước này có kế hoạch áp dụng biện pháp cách ly 5 ngày với du khách đến từ các nước thuộc EU, tương tự như những gì đang áp dụng với hành khách đến từ các quốc gia bên ngoài EU. Đặc biệt, những hành khách đến từ Vương quốc Anh (không phải công dân Italia) sẽ bị cấm vô thời hạn. Hành khách từng quá cảnh Brazil trong vòng 14 ngày cũng bị cấm nhập cảnh Italia.
Hay tại Anh, chính phủ nước này đã lập một danh sách 33 quốc gia có nguy cơ cao, theo đó người nhập cảnh từ các quốc gia này buộc phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành, đồng thời thực hiện cách ly trong phòng khách sạn 10 ngày và tự trả chi phí trong thời gian lưu trú cách ly. Nhập cảnh cho mục đích du lịch hoàn toàn bị cấm ở Anh và Ireland.
Các nước "phá băng" biên giới như thế nào?
Khi nền kinh tế toàn cầu lao đao trong cuộc khủng hoảng đại dịch, việc mở cửa biên giới trở lại là một chiếc "phao cứu sinh" cho những quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch - mà Thái Lan, Hy Lạp và Maldives là 3 minh chứng điển hình. Nhưng rõ ràng, các chính phủ sẽ phải cân nhắc và có kế hoạch thận trọng "để việc tái khởi động du lịch diễn ra an toàn, có trách nhiệm", như khuyến cáo của Tổng thư ký UNWTO, ông Zurab Polilikashvili.
Thực tế, song song với nỗ lực tiêm chủng vắc xin, nhiều quốc gia đang thúc đẩy mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhằm "cứu" ngành du lịch, tạo đà cho phục hồi kinh tế dù rằng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.
Ở châu Á, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thúc đẩy mở cửa biên giới đơn phương, đồng thời đàm phán thỏa thuận đi lại song phương với những quốc gia được đánh giá là an toàn.
Singapore trước đó được đánh giá cao trong nỗ lực thiết lập các thỏa thuận nới lỏng hạn chế với nhiều quốc gia, trong đó nổi bật là chính sách Air Travel Pass cho phép du khách từ các nước an toàn như Australia Brunei, Trung Quốc, New Zealand, Việt Nam.., nhập cảnh Singapore với mục đích du lịch - giải trí ngắn hạn mà không cần cách ly kiểm dịch. Hành khách doanh nhân từ các quốc gia an toàn nói trên cũng như Indonesia, Nhật Bản theo chương trình Làn đường xanh đối ứng (RGL), có kèm theo những hạn chế nhất định. Ngoài ra, Singapore còn có sáng kiến "bong bóng du lịch hàng không" với Hong Kong và Malaysia nhằm thúc đẩy ngành du lịch trong nước phục hồi trở lại sau cuộc khủng hoảng đại dịch.
Dù vậy, chính phủ Singapore vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, ưu tiên mở cửa biên giới an toàn trong bối cảnh đại dịch vẫn lây lan phức tạp. Chẳng hạn, nước này đã hoãn thiết lập bong bóng du lịch với Hong Kong và Malaysia hay hoãn Diễn đàn Kinh tế Thế giới sang cuối tháng 8 năm nay khi nhận thấy tình hình dịch bệnh trên toàn cầu có chiều hướng căng thẳng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore Ong Ye Kung kỳ vọng sẽ mở cửa biên giới trở lại một cách thận trọng vào cuối năm nay. Trong đó, trọng tâm là miễn hoặc giảm hạn chế kiểm dịch với những du khách đã tiêm chủng vắc xin.
Thái Lan là quốc gia có ngành du lịch phát triển như một trong những động lực chính của nền kinh tế. Năm 2019, thời điểm trước cuộc khủng hoảng đại dịch, Thái Lan đón tới 39,9 triệu lượt du khách nước ngoài với mức chi tiêu khủng 1.910 tỷ baht (khoảng 63 tỷ USD). Tuy nhiên đến năm 2020, con số này tụt mạnh xuống 6,7 triệu lượt khách sau khi chính phủ Thái Lan buộc phải đóng cửa biên giới trong nhiều tháng.
Theo Ngân hàng Trung Ương Thái Lan, trước khi đại dịch bùng phát, ngành du lịch đóng góp tới 1/5 tổng sản phẩm quốc nội GDP xứ Chùa Vàng. Khi đại dịch tấn công nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, Thái Lan đã chứng kiến GDP âm 6,1% vào năm 2020. Do đó, tái khởi động ngành du lịch chính là chìa khóa đưa nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á phục hồi tăng trưởng trong năm 2021.
Để phục vụ việc tái khởi động ngành du lịch, chính phủ Thái Lan hồi đầu tháng trước đã công bố kế hoạch mở cửa biên giới, dự kiến đón khách du lịch trở lại trong tháng 4/2021. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn tiết lộ rằng kế hoạch sẽ được thí điểm tại 5 điểm du lịch ưa chuộng của khách du lịch quốc tế là Chiang Mai, Phuket, Pattaya, Krabi và Surat Thani. Khách du lịch quốc tế đến 5 địa điểm này sẽ buộc phải cách ly tại phòng khách sạn trong 3 ngày đầu tiên và được xét nghiệm Covid-19 tại chính khách sạn. Nếu nhận kết quả âm tính, du khách sẽ được thăm quan, nghỉ dưỡng trong khách sạn hoặc resort trong 14 ngày thực hiện cách ly. Sau 14 ngày, du khách sẽ được tự do ra khỏi khu vực khách sạn, resort cách ly nếu tiếp tục xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha cũng đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng nghiên cứu chương trình hộ chiếu vắc xin Covid-19 cũng như xem xét rút ngắn, dỡ bỏ biện pháp cách ly bắt buộc 14 ngày với những du khách quốc tế đã được tiêm chủng.
Được mệnh danh là hòn ngọc Nam Á, thiên đường du lịch Maldives nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng sang trọng bên bờ cát trắng với mức giá đắt đỏ. Nhưng đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế Maldives, nơi du lịch đóng góp tới 60% nguồn thu ngoại tệ quốc gia và 28% trong tổng cơ cấu GDP.
Maldives đóng cửa biên giới từ tháng 3 đến tháng 7/2020, nhưng hệ quả từ khoảng thời gian "đóng băng" du lịch vẫn tiếp tục kéo dài đến nay. Trong cả năm 2020, Maldives chỉ đón nửa triệu lượt khách du lịch, tức giảm mạnh 67,4% so với hồi năm 2019, thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát. Hàng ngàn người lao động Maldives mất việc làm, nhiều doanh nghiệp du lịch lao đao trong khi nguồn thu ngoại tệ quốc gia thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn đến nhập khẩu bị ảnh hưởng do thiếu ngoại tệ để thanh toán. Maldives đã mở cửa đón khách du lịch trở lại từ tháng 7 năm ngoái, lượng khách đến thăm hòn ngọc Nam Á vẫn chưa thể khôi phục như trước đại dịch.
Hiện nay, khách du lịch đến Maldives sẽ được cấp thị thực 30 ngày. Các hạn chế kiểm dịch là không bắt buộc nếu hành khách hoàn thành khai báo sức khỏe trực tuyến và cung cấp được kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Chính phủ Maldives tự tin có thể thực hiện giãn cách khách du lịch bởi đất nước này bao gồm khoảng 1.200 hòn đảo lớn nhỏ, mỗi hòn đảo gần như hoạt động như một khu nghỉ dưỡng riêng.
Chính quyền Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih cũng đang tìm cách vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng thông qua hàng loạt biện pháp như hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp với thời gian ân hạn không lãi suất hay hoãn nợ cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp. Maldives hiện đang nằm trong Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ nợ do các nước G20 khởi xướng như một nỗ lực hoãn nợ, giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo. Tuy vậy, tình hình kinh tế trì trệ do đại dịch và thâm hụt tài khóa đáng báo động, kèm theo dự báo gánh nặng nợ của Maldives chắc chắn sẽ tăng mạnh sau cú sốc dịch Covid-19.
Dù được đánh giá là xử lý đại dịch thành công hơn các nước EU còn lại, Hy Lạp hiện vẫn đứng trước nguy cơ làn sóng Covid-19 tiếp theo bùng phát khi nước này ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Bất chấp những diễn biến dịch bệnh phức tạp, Hy Lạp hiện là một trong những quốc gia tham gia sớm nhất vào kế hoạch tái khởi động ngành du lịch ở châu Âu.
Cũng như Thái Lan, du lịch đóng góp tới 1/5 trong cơ cấu GDP của nền kinh tế Hy Lạp. Bộ trưởng Du lịch Hy Lạp Harry Theoharis cho hay nước này kỳ vọng mở cửa trở lại với du khách quốc tế vào ngày 14/5 tới, ngay trước khi mùa du lịch ở quốc gia Địa Trung Hải bắt đầu.
"Những cá nhân đã tiêm phòng, có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 hay có kháng thể đều được chào đón đến với Hy Lạp. Chúng tôi chào đón họ dù rằng các quốc gia có đạt được thỏa thuận (mở cửa biên giới) hay không… Chúng tôi đặt mục tiêu mở cửa du lịch từ ngày 14/5 với những quy tắc cụ thể. Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ dần dỡ bỏ các hạn chế kiểm dịch nếu điều kiện cho phép", Bộ trưởng Theoharis nói.
Trong năm nay, Hy Lạp đặt mục tiêu thu hút khoảng 16 triệu lượt du khách nước ngoài, tương đương 50% lượng du khách ở thời điểm trước đại dịch. Quốc gia Địa Trung Hải cũng dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy áp dụng hộ chiếu vắc xin ở châu Âu như một chiếc chìa khóa mở cửa ngành du lịch. Chính phủ Hy Lạp kỳ vọng chương trình tiêm chủng vắc xin ở quốc gia này sẽ tăng tốc trong tháng 4 khi 2 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson và Pfizer cập bến.