1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Các nước Đông Âu “vỡ mộng” với Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từng rất hào hứng với những hứa hẹn về đầu tư từ Trung Quốc, các nước Đông Âu dường như giờ đây đang "vỡ mộng" vì những lời hứa trên chưa thành hiện thực trong nhiều năm qua.

Các nước Đông Âu “vỡ mộng” với Trung Quốc - 1

Những hứa hẹn của Trung Quốc về hợp tác kinh tế bị trì hoãn khiến nhiều quốc gia Đông Âu "nản lòng" (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo Nikkei, 2 năm trước, bầu không khí tại các nước Đông Âu với Trung Quốc trong việc hợp tác làm ăn là khá hào hứng. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của các quốc gia này về sự hỗ trợ mà Trung Quốc có thể mang tới đang bắt đầu chuyển thành thất vọng. Những lời cam kết hợp tác kinh tế bị trì hoãn dường như đang đẩy các nước Đông Âu ra xa khỏi Trung Quốc sau quãng thời gian các quốc gia này đánh giá Bắc Kinh là “đối tác kinh doanh hứa hẹn”.

Hiện Mỹ - Trung đang gia tăng căng thẳng và các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Australia cùng các đồng minh khác của Mỹ đang bàn bạc chương trình nghị sự để ứng phó với Trung Quốc. Xu hướng tách rời của các nước Đông Âu với Trung Quốc cho thấy hạn chế về tầm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh và mang tới manh mối hữu ích cho Mỹ và các đồng minh có thể cạnh tranh với Trung Quốc về ảnh hưởng địa chính trị.

Sự thất vọng với Trung Quốc đang lan sang Đông Âu. “Thời kỳ trăng mật” giữa 2 bên vốn được duy trì thông qua quan hệ hợp tác kinh tế được cho đang có dấu hiệu chững lại.

Theo Nikkei, một ví dụ có thể nhắc tới là trường hợp của Cộng hòa Séc. Trung Quốc rõ ràng đã không hài lòng khi Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil đã tới thăm Đài Loan vào cuối tháng 8. Hồi tháng 1, thủ đô Praha của Séc đã kết nghĩa với thủ phủ Đài Bắc của Đài Loan.

Thêm vào đó, từ năm ngoái tới nay, Cộng hòa Séc, Romania, Estonia đã đồng ý hợp tác với Mỹ trong vấn đề bảo vệ an ninh mạng 5G, động thái cho thấy họ có thể sẽ tiếp bước Washington trong việc ban hành hạn chế với thiết bị từ các hãng viễn thông Trung Quốc. Romania cũng hủy dự án xây dựng nhà máy hạt nhân với Trung Quốc hồi tháng 6.

Các chuyên gia nói rằng những diễn biến trên bắt nguồn từ việc các nước Đông Âu thất vọng về việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Trung Quốc đã đề xuất hàng loạt kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng lớn cho khu vực như một phần của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, nhưng chúng chưa đạt được như những gì Bắc Kinh hứa hẹn và các nước Đông Âu kỳ vọng.

“Từ năm 2012, Trung Quốc tung ra nhiều dự án đầu tư ở Trung và Đông Âu, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng vận tải. Tuy nhiên, ngoại trừ vùng Balkan, hầu hết các dự án vẫn chưa hiện thực hóa đầy đủ. Vì vậy, những kỳ vọng về hợp tác kinh tế với Trung Quốc đã phai nhạt dần từ phía các nước Trung và Đông Âu”, chuyên gia Rudolf Furst từ Viện Quan hệ Quốc tế Prague, nhận định.

Từ năm 2000 -2019, chưa tới 10% các khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu EU đi tới khu vực Đông Âu. Tổng thống Séc Milos Zeman, một người có quan điểm thân Trung Quốc, hồi tháng 1 cũng từng bày tỏ sự không hài lòng với tình trạng hiện tại.

Ngoài ra, theo Nikkei, một số quốc gia Đông Âu đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể can dự vào vấn đề nội bộ và an ninh quốc gia khi mối quan hệ với Bắc Kinh trở nên gần gũi hơn. Hồi tháng 1/2019, Ba Lan từng bắt một chuyên viên ở chi nhánh của Huawei ở Warsaw, vì nghi ngờ người này làm gián điệp cho Trung Quốc.

Tháng 11 năm ngoái, cơ quan tình báo Séc xếp Trung Quốc vào nhóm “mối đe dọa” liên quan tới hoạt động gián điệp.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” với một số quốc gia châu Âu là “điểm nóng” dịch bệnh.

Tuy nhiên, Nikkei cho rằng nỗ lực cải thiện hình ảnh của Trung Quốc dường như chưa đủ để giúp họ nhận được thiện cảm từ châu Âu.

Valerie Niquet, chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp), nhận định rằng quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc khó lòng quay trở lại như trước đây, ít nhất trong tương lai gần.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm